Sức mạnh cộng hưởng từ sự hội tụ
Việc sáp nhập các tổ chức chính trị - xã hội về cùng một đầu mối với MTTQ tỉnh là một bước đi mang tính chiến lược trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị sau khi thành lập tỉnh Bắc Ninh mới. Khi quy tụ về cùng một mái nhà chung, hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện tăng cường phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn trong triển khai các nhiệm vụ chính trị, tránh sự chồng chéo. Trước đây, có không ít hoạt động bị trùng lặp về nội dung, cùng lúc nhiều đoàn thể triển khai các chương trình tuyên truyền hoặc phong trào thi đua tại cùng một địa bàn, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả tiếp cận người dân. Sau khi thống nhất đầu mối, mỗi nhiệm vụ sẽ được phân công rõ ràng theo chức năng thế mạnh của từng tổ chức nhưng cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng đời sống mới, văn hóa mới, con người mới.
Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hiệp Hòa. Ảnh: Thu Thủy. |
Điển hình như trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân tham gia hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông”... mô hình liên kết giữa các tổ chức đoàn thể sẽ giúp kết nối nguồn lực, điều phối nhân lực và nội dung hành động một cách đồng bộ, có hệ thống. MTTQ đóng vai trò điều phối trung tâm; các đoàn thể phụ trách từng nhóm đối tượng cụ thể, như phụ nữ, thanh niên, nông dân… từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông, gia tăng sự tham gia tự nguyện của người dân.
Hay như hoạt động giám sát và phản biện xã hội sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ khâu xây dựng kế hoạch, thống nhất phương pháp, tránh chồng chéo nội dung, chương trình, đối tượng, thời gian giám sát, góp phần thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Hơn nữa, việc hội tụ còn giúp tăng hiệu quả sử dụng ngân sách và cơ sở vật chất. Đặc biệt, mô hình tổ chức chung còn mở rộng không gian tương tác và học hỏi giữa các tổ chức. Việc các cán bộ đoàn thể cùng làm việc tại một trụ sở giúp tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp giải quyết công việc, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng thực tiễn.
Không chỉ dừng lại ở lợi ích nội tại, sự cộng hưởng từ mô hình này còn giúp tạo dựng hình ảnh đồng nhất, chuyên nghiệp, hiện đại của khối đại đoàn kết toàn dân. Thay vì hoạt động đơn lẻ, mỗi phong trào, cuộc vận động sẽ mang dấu ấn thống nhất, có chiến lược truyền thông bài bản, góp phần nâng cao vị thế của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong đời sống chính trị - xã hội của tỉnh. Sự hội tụ về tổ chức, nhân lực và phương thức hoạt động chính là tiền đề để Bắc Ninh triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, nơi sức mạnh của cả hệ thống chính trị được khơi dậy, lan tỏa từ gốc rễ - đó là lòng dân, là khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hướng tới sự vận hành linh hoạt, đồng bộ
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Hà, để mô hình hoạt động hiệu quả cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, quy chế phối hợp thống nhất giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi tổ chức có sứ mệnh riêng gắn với từng đối tượng: Thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, công nhân... Do đó, việc ban hành quy chế làm việc không chỉ nhằm phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ mà còn bảo đảm tính chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ của từng tổ chức. MTTQ giữ vai trò điều phối, định hướng chiến lược; các tổ chức thành viên phát huy thế mạnh chuyên môn, lựa chọn phương thức hoạt động phù hợp với từng nhóm xã hội cụ thể. Cùng với đó, để bảo đảm tính linh hoạt, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo. Không áp đặt theo lối hành chính hóa, mà thay vào đó là trao quyền nhiều hơn cho các tổ chức trong triển khai các sáng kiến xã hội, phong trào hoạt động.
Hiện nay, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bắc Ninh có 352 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Mỗi tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh... đều có mạng lưới rộng khắp, tạo thành những “cánh tay nối dài” của Đảng trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và triển khai các phong trào thi đua yêu nước. |
Yếu tố con người đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi. Do đó, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại toàn diện về nghiệp vụ, kỹ năng mềm, công nghệ thông tin và đặc biệt là phương pháp tiếp cận cộng đồng một cách hiện đại, nhân văn. Việc đánh giá cán bộ không nên chỉ dựa vào chỉ tiêu hành chính, mà cần gắn với chất lượng hoạt động thực tiễn và mức độ lan tỏa trong Nhân dân. Một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác mặt trận và đoàn thể.
Bắc Ninh đã có nhiều bước tiến trong xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, đây là cơ hội để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng nền tảng số dùng chung, ứng dụng phần mềm quản lý hội viên, hệ thống phản ánh kiến nghị trực tuyến, bản đồ số cộng đồng... giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tăng mức độ tương tác và phản hồi giữa cán bộ đoàn thể với người dân. Ngoài ra, việc thiết lập cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát khoa học và công bằng cũng cần được thực hiện đồng bộ. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức cần được xác lập trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao và mức độ đồng thuận của Nhân dân.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/lan-toa-tinh-than-dai-doan-ket-toan-dan-postid421245.bbg
Bình luận (0)