Muối mắc khẻn Mường Đeng của HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thắng, xã Yên Thắng.
Kẹo nhãn Châu Lang của HTX kẹo nhãn Lang Chánh (Lang Chánh) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Phó Giám đốc HTX kẹo nhãn Châu Lang Mai Thị Hoa cho biết: Hàng năm, HTX sản xuất khoảng 10 tấn kẹo. Để sản phẩm làm ra tiêu thụ được, HTX đã nỗ lực tìm kiếm và sử dụng các kênh bán hàng. Ngoài sử dụng kênh bán hàng truyền thống (khách hàng đến mua sản phẩm trực tiếp tại các điểm bán hàng của HTX trên địa bàn thị trấn Lang Chánh), các thành viên trong HTX còn sử dụng nền tảng số như: facebook, zalo, tiktok để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm... Nhờ đó, 100% sản phẩm của HTX làm ra đều được tiêu thụ, trong đó có khoảng 35% sản phẩm được tiêu thụ qua facebook, zalo, tiktok, góp phần đem lại doanh thu và tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ sử dụng hiệu quả các kênh bán hàng, muối mắc khẻn Mường Đeng của HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thắng, xã Yên Thắng mỗi tháng tiêu thụ khoảng 300 hộp (mỗi hộp có trọng lượng 0,2kg) và từ 2 - 3 tạ muối đóng bao.
Giám đốc HTX Hà Thị Xem cho biết: Muối mắc khẻn của HTX đạt sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2023. Sau khi được công nhận, tôi và các thành viên trong HTX được mời tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hiện các bước giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm trên các nền tảng số do văn phòng điều phối NTM của huyện, của tỉnh tổ chức. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn, các thành viên trong HTX đã biết sử dụng thành thạo, hiệu quả các nền tảng số như sàn thương mại điện tử (Lazada, Tiki, Shopee, Sen Đỏ..) hay mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok) để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Qua đó, muối mắc khẻn của HTX hiện nay không chỉ được người tiêu dùng trong huyện, trong tỉnh biết đến và đặt mua, mà khách hàng ngoài tỉnh mỗi lần đặt mua từ vài tạ, thậm chí có đợt 7 - 8 tạ muối đóng bao.
Ngoài muối mắc khẻn, HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thắng còn sản xuất thịt trâu, thịt lợn gác bếp và rượu Mường Đeng (được làm từ gạo nếp Cay Nọi). Trong đó có khoảng 70% sản phẩm được bán qua các nền tảng số, góp phần tạo việc làm ổn định cho 14 thành viên, với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù sản phẩm bún khô Ánh Dương ở xã Tân Phúc mới được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cuối năm 2024, nhưng đã được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh biết và đặt mua thông qua các nền tảng số. Chủ cơ sở Lê Văn Tĩnh cho biết: Mỗi tháng cơ sở sản xuất được 3,6 tấn bún khô, trong đó có đến 80% được bán qua facebook, zalo và tiktok, còn lại bán trực tiếp thông qua các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã. Nhờ bán hàng qua mạng, cơ sở bún khô của gia đình mới tồn tại và tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lang Chánh Nguyễn Ngọc Thảo cho biết: Hiện địa phương có 10 sản phẩm OCOP 3 sao. Để sản phẩm đến với người tiêu dùng, ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, thời gian qua huyện đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể OCOP xây dựng video, live stream... trên các nền tảng số. Bằng cách làm này, đến nay 100% sản phẩm được đăng tải trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sen Đỏ... Tuy nhiên, hiện còn nhiều sản phẩm, nhất là những sản phẩm mới đạt OCOP cuối năm 2024 chưa được các chủ thể sử dụng nền tảng số để bán hàng, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Về thực trạng này, ông Thảo cho rằng, một phần do khả năng tiếp cận chuyển đổi số của các chủ thể còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ngoài tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm trên các nền tảng số cho các chủ thể.
Bài và ảnh: Minh Lý
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/lang-chanh-ung-dung-chuyen-doi-so-nbsp-day-manh-tieu-thu-san-pham-ocop-248791.htm
Bình luận (0)