Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lên núi ăn rau

Mùa này, những cơn

Báo An GiangBáo An Giang03/07/2025

Đồng bào Khmer hái rau rừng trên núi Cấm mang xuống chợ An Hảo bày bán

Nhiều loại rau ngon

Sáng sớm, tiết trời núi Cấm mây mù lãng đãng bao phủ khắp nơi. Thi thoảng, những cuộn mây bay sà xuống cánh rừng, rồi bất chợt mưa rơi lất phất. Núi Cấm là vậy, luôn quang đãng, trong lành, ai đến một lần sẽ nhớ mãi khí hậu mát mẻ nơi đây. Sau mưa, rau rừng mọc khắp nơi. Người dân nói rằng, những loại rau phát triển trên núi đá hút khí hậu mát lạnh của đất trời nên được xem là thảo dược rất bổ dưỡng. Rảo một vòng trên núi Cấm, chúng tôi rẽ phải qua đường hành hương lên vồ Thiên Tuế. Gặp anh Nguyễn Văn Quốc đang lom khom hái rau rừng để chuẩn bị bữa ăn trưa. Ngắt từng đọt mướp gai, anh khoe, loại rau này được bà con trên núi hái ăn hàng ngày.

Chìa nắm đọt mướp gai vừa hái xong, anh Quốc nói rằng, cây mướp gai được xem là thảo dược quý trên núi Cấm. Từ lâu, cây mướp gai có tính dược tốt, chuyên trị bệnh gan. Mỗi khi nhà có tiệc, người dân lên núi tìm đọt cây mướp gai hái về đãi khách. Chúng tôi cầm đọt mướp gai đưa lên miệng nhai thử, có vị ngọt, thanh nhẹ dễ ăn. Anh Quốc cười tươi: “Ngày trước cây mướp gai mọc rất nhiều trên núi Cấm. Sau này, biết được loại cây này mang tính dược trị bệnh gan, nên nhiều người dân dưới đồng bằng lên núi nhổ gốc mang về cho các cơ sở thuốc nam từ thiện. Hiện nay, cây mướp gai ít dần trên núi Cấm. Muốn tìm được cây mướp gai phải men theo bờ suối hoặc thung lũng. Bởi, loài thảo dược này thích sống nơi ẩm ướt”.

Theo anh Quốc, cây mướp gai chế biến món nào cũng ngon và bổ dưỡng. Đọt mướp gai xào mỡ có giá trị dinh dưỡng không thua thịt bò. Hiện nay, người dân trên núi hay sử dụng mướp gai trong chế biến món nấu canh hoặc nhúng lẩu. Ngoài mướp gai mang giá trị dược tính cao, anh Quốc còn cho biết, trên núi còn nhiều loài rau ngon, như: Kim thất, càng cua, đọt choại, đọt ngành ngạnh, kim tiền thảo… Mùa khô, sơn dân phát hoang, đốt rẫy. Khi những cơn “mưa già” nặng hạt trút xuống tưới mát đồi núi Cấm, thì rau, củ dưới lớp đất đâm chồi sum suê.

Sạch, tốt cho sức khỏe

Anh Quốc cho biết thêm, loại rau kim thất và càng cua mọc trên núi đá nhiều vô kể. Nhất là dưới tán vườn, giàn su, loài rau này sinh trưởng rất mạnh. Để chứng minh sự thật của mình, anh Quốc chạy ra phía sau vườn nhổ bụi rau kim thất và rau càng cua xanh non ra khoe. Từ trước đến nay, khi bước vào mùa mưa, bà con trên núi vào rừng hoặc men theo con suối để hái loài rau này bán cho các tiệm bán bánh xèo trên núi Cấm phục vụ du khách. Ngoài ra, đồng bào dân tộc dưới đồng bằng cũng leo núi hái loại rau này mang xuống chợ bán. Hôm ghé chợ An Hảo nằm dưới chân núi Cấm, chúng tôi gặp đồng bào Khmer bày bán các loại rau rừng hái từ trên núi cao, trong đó có loài kim thất.

Bà Neang Khăm (52 tuổi, đồng bào Khmer) đang gánh giỏ rau rừng xuống dốc núi Cấm bày bán tại chợ An Hảo. Vừa thấy tôi bước vào chợ, bà Neang Khăm liên tục mời mua rau kim thất. Đồng bào ở đây bán rau rất thật thà, không nói thách. Rau kim thất được bà Neang Khăm bán mỗi ký 25.000 đồng. Loại rau này mọc hoang ở vùng rừng núi, nên có hương thơm hơn rau kim thất được trồng ở đồng bằng.

Chị Trần Kim Ánh (bán bánh xèo 20 năm trên núi Cấm) nói rằng, trên đỉnh non cao này có 14 loại rau rừng ăn kèm với bánh xèo hoặc nấu canh đều ngon và bổ dưỡng. Từ lâu, bánh xèo núi Cấm nổi tiếng khắp nơi, đó là nhờ vào hương vị của rau rừng trứ danh mọc trên núi. Quả thật, điều làm nên sự khác biệt của bánh xèo núi Cấm là ăn kèm với nhiều loại rau rừng, như: Kim thất, ngành ngạnh, kim tiền thảo, lá bằng lăng núi, càng cua, cát lồi. Từng loại rau đều có hương vị thơm ngon riêng, vừa sạch vừa nên thuốc. Nếu du khách thử đến núi Cấm thưởng thức một lần món bánh xèo ăn kèm với rau rừng sẽ nhớ mãi.

Ông Út Thành (Đinh Văn Tươi, 93 tuổi sống gần hồ Thủy Liêm) là lương y trứ danh trên núi Cấm. Ông Út Thành cho biết, mình đã lên ngọn núi thiêng này sống hơn 50 năm. Ngần ấy thời gian, ông Út Thành biết rất rành về những loài rau và thảo dược trên núi Cấm. Dưới tán rừng của mình, ông Út Thành trồng hàng trăm loài thảo dược quý. Ông Út Thành chậm rãi nói, trên núi này từng tấc đất, đá đều có thảo dược. Nhiều rau rừng cũng được xếp vào loại mang dược tính có lợi cho sức khỏe...

Rời núi Cấm, chúng tôi đến chợ Tri Tôn. Đây là cái chợ được đồng bào Khmer mang rau rừng hái được trên đỉnh núi Cô Tô đến bán cho người dân. Rảo một vòng quanh chợ, có khoảng hơn 10 chỗ bày bán rau rừng đủ loại. Ghé lại mua đọt ngành ngạnh, bà Neang Bây lởi xởi nói, ngày nào bà cũng dậy sớm lên núi hái rau rừng mang về bán tại chợ Tri Tôn. Mùa này mưa nhiều, rau rừng mọc tốt tươi, mỗi buổi sáng bà hái được 10kg, ngồi bán lẻ tại chợ, kiếm thêm thu nhập hơn 200.000 đồng. Cách đó không xa, gặp bà Thạch Thị Minh đang bày bán rau rừng, như: Càng cua, kim thất, cải trời, bông đu đủ đực… Bà quả quyết, rau này không phân, thuốc bảo vệ thực vật được hái trên núi Nam Vi và đồi Tà Pạ, rất tốt cho sức khỏe…

Trời chiều, Bảy Núi mây đen vần vũ, cơn mưa nặng hạt tiếp tục tưới mát núi rừng. Để buổi sáng tinh mơ, người dân tiếp tục hái rau rừng phục vụ du khách phương xa. Giờ đây, rau rừng Bảy Núi được xem là món quà tinh túy của đất trời, góp phần tạo nên đặc sắc riêng của ẩm thực miền sơn cước An Giang.

LƯU MỸ

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/len-nui-an-rau-a423605.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm