Câu cua trên núi Cấm
Đi “câu” cua núi
Cua núi Cấm có lớp vỏ màu tím đặc trưng. Một số con khi đạt kích cỡ trên 3 ngón tay, sẽ có lớp lông trên lưng nhìn khá hung dữ. Thực tế, loại này cũng hung dữ thật sự. Do đó, việc bắt chúng bằng tay đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm, nếu không sẽ phải “dính đòn” bởi cặp càng to khỏe.
Vì tập tính cua núi hung dữ, lại chủ yếu ẩn mình trong hốc đá sâu, nên phải dùng cần câu để bắt chúng. Cần câu cua núi là nhánh tre cong, đầu có buộc chùm thun ngoằn ngoèo. Cái khó là phải làm sao cho chùm thun có hình dạng giống con mồi, mới “dụ” được cua núi... kẹp câu.
Sống trên núi Cấm từ nhỏ, anh Lê Gia Giang chẳng lạ gì cua núi. Với anh, đây là món ăn chơi ngày còn thơ bé. Mỗi khi mùa mưa về, núi rừng như bừng tỉnh giấc với hoa cỏ đâm chồi, những đường ô nước cũng róc rách chảy. Khi đó, anh Giang biết đã đến mùa câu cua núi.
“Cách đây chừng 20 năm, cua núi còn rất nhiều. Mưa xuống, chúng bò lổm ngổm ngoài vườn, vào sân, vào nhà dân. Thời đó, người ta tiện tay bắt để luộc ăn chơi, chứ ít ai đem bán. Phải tới khi du khách đến đây nhiều, họ ăn cua khen ngon, người nọ truyền tai người kia, cua núi mới trở thành đặc sản. Về cách chế biến, cua núi có thể luộc ăn như cua đồng hoặc rang me cũng khá bắt vị. Du khách đặc biệt thích cua núi rang me, bởi vị chua ngọt và hương thơm thịt cua không lẫn vào đâu được” - anh Giang thật tình.
Hiện nay, chỉ khu vực vồ Bà, vồ Đầu hay ven các hồ, các đoạn suối lớn trên núi Cấm có nhiều cua núi. Những người chuyên câu cua cũng phải đợi đến mùa mưa, mới kiếm được 2 - 3kg mỗi ngày, bởi lượng cua ngày càng khan hiếm. Giá cua đầu mùa cũng rất cao, tầm 320.000 - 350.000 đồng/kg, nhưng luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Bản thân anh cũng chỉ đi câu khi có bạn hữu phương xa đến thăm, vì muốn giữ số lượng của loài “đặc sản” này. Những người câu cua trên núi Cấm cũng chỉ bắt những con cua vừa ăn. Những con cua nhỏ hoặc cua cái mang trứng sẽ thả lại thiên nhiên...
Ốc núi cũng là đặc sản chốn non cao
Mùa ăn ốc núi
Cùng với cua núi, ốc núi cũng được xếp vào hàng đặc sản, được thực khách gần xa săn tìm khi đến núi Cấm trong mùa mưa. Tuy nhiên, không như cua núi có hình dạng gần tương đồng với đồng loại ở miệt xuôi, ốc núi lại có “giao diện” khác biệt. Chúng có thân màu trắng, hơi dẹp, vỏ sọc đen hoặc màu trắng sữa. Mùa nắng, ốc núi giấu mình dưới tán lá cây, trong hốc đá. Mưa xuống, chúng bò ra đón sự tươi mát của đất trời và kiếm ăn. Khi đó, chúng biến thành đặc sản.
Để bắt ốc núi, dân núi Cấm chờ màn đêm buông xuống là xách xô, đèn pin ra vườn. Họ lật tìm dưới lớp lá cây khô, quan sát trong hốc đá hay đường ô nước để tìm ốc núi. Những con ốc núc ních sau mấy tháng nằm im dưới đất đang chầm chậm bò ra kiếm ăn sẽ bị săn tìm. Có đêm ốc đi ăn nhiều, người ta có thể bắt 2 - 3kg là chuyện thường.
Anh Trần Văn Giàu (người chuyên bắt ốc núi) cho hay, loại này chủ yếu ăn cây cỏ, cây thuốc trên núi Cấm, nên hương vị rất thơm ngon, người ta cũng cho rằng thịt ốc rất “nên thuốc”. Do đó, từ chỗ là món ăn dân dã, ốc núi trở thành đặc sản được nhiều người tìm kiếm. Mức giá hiện nay hơn 300.000 đồng/kg, nhưng không đủ nguồn cung.
Anh Giàu bật mí, muốn ăn ốc núi ngon nhất, người ta phải rộng chúng vài ngày rồi mới chế biến. Do loài vật này sống lẫn với đất, cát, nên quá trình trữ lại sẽ giúp chúng nhả bớt tạp chất. Sau đó, họ ngâm ốc núi với nước cơm vo pha ớt để loại bỏ thêm tạp chất một lần nữa, rồi mới chế biến. Ốc núi có thể làm thành nhiều món, nhưng ngon nhất là luộc sả, luộc cơm mẻ, luộc lá chúc, xào tỏi, xào sa tế… bởi ốc giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên.
Bây giờ, số lượng ốc núi có hạn, nên người dân núi Cấm phải đợi đến mưa “già” mới đi bắt nhiều, bởi ai cũng muốn dành lại cho mùa sau. Với những người không chuyên bắt ốc núi để bán, họ chỉ bỏ công tìm vài chục con để có món đặc sản núi rừng đãi bạn hữu ghé thăm. Ốc núi có mùi như ốc gạo đồng, thịt dai và béo. Qua bàn tay chế biến của đầu bếp miền sơn cước, chúng trở nên vô cùng hấp dẫn, đánh thức vị giác thực khách phương xa. “Cua núi, ốc núi vốn là loài sống trong tự nhiên, tôi chưa thấy ai nuôi được chúng. Vì vậy, mình khai thác cũng vừa phải, để còn dành lại cho tương lai, để du khách mỗi khi đến núi Cấm còn có dịp được thấy loại cua, ốc định cư ở chốn non cao này” - anh Trần Văn Giàu chia sẻ.
MINH QUÂN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/len-nui-cam-san-cua-oc-a423743.html
Bình luận (0)