Năm 1987, một thanh niên gầy guộc, ăn mặc tả tơi, lang thang ở chợ huyện Chợ Mới (An Giang), xin từng miếng cơm lót dạ. Gặp chàng trai ấy, ông Trần Văn Mỹ ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới không hỏi quá nhiều. Chỉ bằng cái nhìn thương cảm và một tiếng thở dài, ông đưa anh về nhà, khởi đầu cho một mối duyên nuôi nấng kéo dài gần bốn thập kỷ.
Lúc đó, bà Huỳnh Thị Hằng – vợ ông Mỹ, chưa thể hiểu nổi quyết định “đưa người lạ về nhà” của chồng. Nhưng rồi nhìn người thanh niên trẻ run lên cầm cập vì sốt rét, mắt ngơ ngác như lạc giữa cuộc đời, bà cũng không nỡ buông tay. Cậu trai ấy được cả nhà gọi bằng cái tên giản dị “Tòng” – trở thành con nuôi thứ tám trong gia đình vốn đã nghèo khó.
Người lính mất trí nhớ – ký ức từ những mảnh ghép
Lúc bấy giờ, Tòng kể mình từng đi bộ đội, từng chiến đấu ở Campuchia. Nhưng khi được hỏi về đơn vị, quê quán, gia đình, tất cả với Tòng đều là khoảng trống. Chỉ có những cơn sốt rét rừng dai dẳng và ký ức vụn vỡ là còn bám lấy thân thể anh như vết sẹo thời chiến.
Suốt nhiều năm, anh sống lặng lẽ, đi chăn bò, làm mướn, giúp đỡ gia đình bố mẹ nuôi. Có lần đi lạc, cả nhà đổ xô đi tìm, chị em khóc ròng sợ anh mất tích.
Ông Mỹ nhiều lần tìm cách làm giấy tờ tùy thân, hay xin thêm tên Tòng vào sổ hộ khẩu nhà mình nhưng không được vì không có gì chứng minh thân thế.
Các anh chị em trưởng thành, lần lượt lấy vợ, gả chồng. Tòng vẫn ở vậy bên bố mẹ nuôi và người chú không vợ con. Ngày ông Mỹ mất, anh ngẩn ngơ suốt mấy tháng.
Trong ký ức của con cháu nhà ông Mỹ, "chú Tòng" là người siêng năng, gọn gàng, sống nghĩa tình và luôn nhang khói đầy đủ cho người cha nuôi đã khuất.
Ông Tòng tên thật là Nguyễn Thế Long nay đã tìm được gia đình của mình sau 45 năm lưu lạc. Ảnh: Gia đình cung cấp
Cách đây mấy năm, người chú qua đời, bà Hằng đi làm ở Bình Dương, ông Tòng ở nhà một mình, không phiền ai, thậm chí dành dụm từng đồng tiền công gửi cho cháu ở xa. Dù không có giấy tờ tùy thân, không tên trong hộ khẩu, nhưng trong trái tim của đại gia đình này, ông là một phần máu thịt.
Thời gian trôi qua, trí nhớ tưởng như mãi mai một thì bất ngờ ùa về. Một ngày đầu tháng 4/2025, ông Tòng thì thào: "Tên tôi là Nguyễn Thế Long. Nhà ở gần biển, xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa. Mẹ tôi tên Cúc, anh trai tên Kim…".
Bất ngờ tìm được gia đình nhờ mạng xã hội
Minh Vương, đứa cháu nuôi mới 19 tuổi sau khi nghe chú nói đã không một phút chần chừ. Cậu tìm kiếm trên mạng, nhắn tin đến công an xã Quảng Hải và nhận được hồi âm từ anh Hoàng Chiến, Trưởng công an xã. Những dữ liệu từ video Minh Vương gửi được công an xã Quảng Hải đối chiếu. Bức màn ký ức khớp dần từng chi tiết.
Xác nhận với VietNamNet, anh Hoàng Chiến, Trưởng Công an xã Quảng Hải cho biết: "Câu chuyện này hoàn toàn có thật. Chính tôi là người đứng ra xác minh thông tin "liệt sĩ" Nguyễn Thế Long. Sau đó, tôi đã tham mưu cho Chủ tịch xã tổ chức cho hai gia đình gặp mặt nhận người thân".
Theo anh Chiến, ông Nguyễn Thế Long sinh năm 1959, nhập ngũ và đi chiến trường Campuchia từ năm 1976. Tháng 2/1980, giấy báo tử gửi về nói Nguyễn Thế Long đã hy sinh.
Anh Thế Hải, 41 tuổi, con trai người anh cả của ông Long, đang sống ở Hà Nội cũng nghẹn ngào xác nhận, người còn sống ấy chính là chú ruột của mình. Gia đình anh Hải đã lập bàn thờ, từng tìm mộ… trong khi ông Long vẫn lặng lẽ sống, làm thuê và cúng giỗ cha nuôi ở một nơi xa tít tận miền Tây.
Anh Hải cho biết, ngay khi biết tin, đại gia đình từ Thanh Hóa, Hà Nội và TPHCM vội vã bay vào An Giang. Họ đến gặp mẹ nuôi ông Long tại Bình Dương, rồi cùng về nơi ông đã sống 38 năm trời trong thân phận người không rõ gốc tích. Cuộc hội ngộ đầy nước mắt và nụ cười ấy không chỉ là sự trở về của một người, mà còn là sự trở về của niềm tin, của máu mủ tưởng đã mất.
Bà Huỳnh Thị Hằng (bìa trái), mẹ nuôi, trò chuyện với gia đình cha mẹ đẻ ông Tòng từ Thanh Hóa vào, tối 11/4. Ảnh: Kim Nam.
Giờ đây, ông Long đã nhớ vanh vách từng cột nhà, từng dáng cây ở quê xưa. Nhưng khi được hỏi: “Có muốn về không?”, ông khi thì gật đầu, lúc lại bảo: “Tết đi cũng được”. Với ông, quê hương nào cũng là nhà, nơi có người thương mình và mình thương lại.
Hành trình gần 40 năm của ông Long không chỉ là hành trình của một người lính trở về, mà là một minh chứng kỳ diệu cho sức sống của tình người, tình thân và lòng kiên nhẫn. Trong khi giấy báo tử đã phủ bụi thời gian, một mái nhà nơi miền Tây lại trở thành nơi cưu mang, bao bọc một người chiến sĩ trở về.
Cuộc hội ngộ tại Thanh Hóa - quê hương của ông Long tối 15/4. Ảnh: Gia đình cung cấp
Giờ đây, ông Long sẽ có giấy tờ, có lương hưu, có những người thân ruột thịt đã khóc vì tưởng ông đã khuất. Nhưng trên tất cả, ông có một quê hương thứ hai, nơi mà dù đi hay ở, ông đều được gọi là người nhà.
Đến hôm nay, Minh Vương, cháu nuôi của ông Long cho biết, đại gia đình ở tận An Giang đã cùng ông Long về đoàn tụ với gia đình ở Thanh Hoá sau 45 năm lưu lạc.
Nguồn:https://vietnamnet.vn/liet-si-luu-lac-45-nam-bat-ngo-tim-lai-duoc-gia-dinh-2391367.html
Bình luận (0)