Đỡ lấy những mảnh đời khó nhọc

Xã Hướng Phùng, tỉnh Quảng Trị, nơi bản làng lặng lẽ giữa mênh mang rừng núi hoang vu, cuộc sống người dân còn vất vả nhưng chan chứa tình người và nghĩa tình quân dân bền chặt. Hành trình lớn lên của hai anh em ruột Hồ Văn A Ran và Hồ Văn Ngan trong vòng tay yêu thương của những người lính Đội sản xuất 2, Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 337, Quân khu 4 là một câu chuyện như thế. Nhắc lại thời điểm lần đầu biết đến hai đứa trẻ, Trung tá Vũ Hồng Được, Đội trưởng Đội sản xuất 2 kể: “Lúc đó, A Ran mới 4 tuổi, còn Ngan mới lên 3. Cán bộ bám bản thấy hai cháu lang thang vật vờ trên đường, gầy nhom, tóc rối, không có người trông nom. Hỏi ra mới biết, mẹ hai cháu bỏ đi biền biệt, bố đi làm ăn xa, không ai rõ tung tích”. Đội sản xuất 2 đã đề nghị Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn KT-QP 337 được nhận nuôi các cháu ngay tại đơn vị. Từ đó, hai đứa trẻ chính thức trở thành con nuôi của lính. Cháu Hồ Văn A Ran được nhận nuôi từ năm 2021, rồi một năm sau, cháu Hồ Văn Ngan cũng được đón về. Từ bữa cơm, giấc ngủ đến cái áo mặc, đôi dép đi, tất cả đều được chăm chút từ tình thương của người lính. Các anh thay phiên nhau nấu cơm, tắm rửa, đưa các cháu đến trường và dạy dỗ từng điều nhỏ nhất. Cháu Hồ Văn A Ran nay đã lớn, gương mặt rám nắng, ánh mắt lanh lợi. Sau 4 năm sống tại đơn vị, cháu đã tốt nghiệp THCS. Mới đây, Đội sản xuất 2 đã bàn giao em về với người thân còn lại trong gia đình, sau khi bảo đảm rằng môi trường sống đã đủ ổn định để em tiếp tục trưởng thành. Hiện nay, Đội sản xuất 2 vẫn tiếp tục nhận nuôi em Hồ Văn Ngan. Không phải là máu mủ ruột rà, nhưng chính tình cảm chân thành, đùm bọc của cán bộ, chiến sĩ đỡ lấy những mảnh đời mong manh, giúp những đứa trẻ thiếu vắng gia đình lớn lên vững vàng.

LLVT Quân khu 4 tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến bà con vùng cao biên giới tỉnh Nghệ An. Ảnh: HOA LÊ

Na Ngoi, một xã miền núi xứ Nghệ, nơi đỉnh Puxailaileng quanh năm sương mù bao phủ. Nơi đây, người dân sáng lên rẫy, chiều về bản, cuộc sống quanh năm quẩn quanh với núi rừng, với cây ngô, củ sắn, tự cung tự cấp, thiếu thốn đủ bề. Trong những nếp nhà chênh vênh bên sườn núi, nhiều phụ nữ vẫn chưa biết đọc, biết viết. Chị Vy Thị Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Na Ngoi kể với chúng tôi rằng, có những bản, cứ hai người phụ nữ thì một người mù chữ. Đáng lo hơn, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra năm này qua năm khác. Những cô bé mới học lớp 7, lớp 8 đã phải bỏ học về làm vợ, bỏ lại sau lưng chiếc cặp sách cũ và giấc mơ đến lớp. Trước thực tế đó, Ban Phụ nữ Quân đội phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 và Đoàn KT-QP 4, các đơn vị liên quan tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại xã Na Ngoi, tập trung vào các nội dung cấp thiết như phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực gia đình. Chương trình diễn ra trong không khí gần gũi, với nhiều hình thức sinh động như tiểu phẩm, giao lưu, hỏi-đáp pháp luật giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Những kiến thức pháp luật tưởng chừng xa xôi bỗng trở nên gần gũi, đi vào từng nếp nghĩ, từng câu chuyện đời thường. Các bà, các mẹ lần đầu tiên nghe rõ khái niệm “lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luật”, các em gái được nhắc nhở về quyền được học tập, được lớn lên và làm chủ tương lai của mình.

Trong chuyến công tác tại Đoàn KT-QP 4, chúng tôi gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ thầm lặng gắn bó với vùng cao, góp phần đổi thay cuộc sống của bà con. Như Thiếu tá QNCN Nguyễn Công Minh, người hơn 15 năm bám bản ở xã Na Ngoi (Nghệ An), vừa là thầy thuốc vừa là người thân của đồng bào. Anh từng đỡ đẻ cứu sống mẹ con sản phụ Và Y Dở trong một ca sinh ngặt nghèo giữa núi rừng. Và còn rất nhiều bà con được cứu chữa kịp thời mà anh chẳng thể nhớ hết. Mỗi năm, anh cùng đồng đội cơ động khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng trăm người dân, băng rừng, lội suối đến tận những bản làng xa xôi nhất thăm nom người già yếu, người khuyết tật. Cán bộ quân y như anh chữa bệnh và cũng chữa những hủ tục bủa vây đồng bào nơi rẻo cao từ cúng ma đuổi bệnh, kết hôn sớm, di cư tự do; giúp đồng bào cách phòng bệnh, giữ vệ sinh đến hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi...

Sư đoàn 324 (Quân khu 4) huy động cán bộ, chiến sĩ giúp gia đình khó khăn sửa chữa nhà ở. Ảnh: NGUYỄN DUY

Trao gửi tin yêu

Trên hành trình bám bản, bám dân nơi vùng biên giới xa xôi, những người lính nỗ lực học tiếng đồng bào để tiếp xúc, gần gũi với bà con. Thiếu tá Lê Văn Thiết (Phó đội trưởng Đội sản xuất 1, Đoàn KT-QP 4) vẫn thường xuyên ghé qua căn nhà sàn nhỏ của già làng Xồng Bá Tu, nơi khói bếp luôn vương vấn trong không gian, mùi ngô nướng thơm lừng quyện trong gió núi. Anh không chỉ đến để thăm hỏi, nắm bắt tình hình trong bản mà còn coi đó là “lớp học đặc biệt” của mình. Giữa những câu chuyện đời thường bên chén rượu cần, anh Thiết kiên nhẫn lắng nghe, học từng tiếng nói, từng cách xưng hô của bà con. Theo Thiếu tá Lê Văn Thiết, học tiếng đồng bào cũng như học ngoại ngữ, vừa học lý thuyết vừa trò chuyện hằng ngày mới quen được từng âm điệu, sắc thái, từ đó hiểu sâu sắc hơn về suy nghĩ, phong tục, tập quán của bà con. Nhờ sự kiên trì ấy, những cuộc trò chuyện với bà con không còn rào cản. Các buổi tuyên truyền về chính sách, vận động bà con bỏ dần các hủ tục, chăm chỉ làm ăn, nuôi con ăn học cũng trở nên sinh động, dễ hiểu. Ngôn ngữ trở thành cầu nối, xóa đi khoảng cách, kết nối và trao niềm tin yêu nơi bản làng heo hút. “Bộ đội nói tiếng mình, bà con nghe lọt tai, thấy gần gũi như con cháu trong nhà”, già làng Xồng Bá Tu nói.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 còn mang ánh sáng đến từng thôn, bản theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Mô hình “Đường điện quân dân thắp sáng bản làng” của Sư đoàn 324 và “Thắp sáng đường quê” của Sư đoàn 968 đã lắp đặt hàng trăm bóng đèn năng lượng mặt trời ở vùng sâu, vùng xa, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. LLVT Quân khu đã tổ chức 6 đợt hành quân dã ngoại với hơn 11.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia làm công tác dân vận, giúp dân xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An giúp nhân dân xã Nậm Giải kéo ống dẫn nước sạch về bản. Ảnh: HOÀNG ANH

Trong 5 năm qua, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai đồng bộ, toàn diện, sát thực tế từng địa bàn, đơn vị trong LLVT Quân khu 4. Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả đã góp phần củng cố "thế trận lòng dân", tăng cường đoàn kết quân dân. Cục Chính trị Quân khu 4 đã tham mưu xây dựng và triển khai Đề án 2036 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của LLVT Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo. Sau hơn hai năm triển khai, toàn Quân khu đã phối hợp với địa phương xây dựng hơn 130 mô hình “Dân vận khéo” thiết thực, nghĩa tình. Một số mô hình tiêu biểu như: “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”, “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An); “Khu văn hóa thể thao thắm tình quân dân”, “Nước sạch tình quân dân” (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa); “Công trình giáo dục thể chất”, “Khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng” (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh); “Cầu nghĩa tình quân dân” (Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị); “Làng văn hóa quân dân kiểu mẫu” (Đoàn KT-QP 4)...

Từ từng bóng đèn thắp sáng bản làng, từng em nhỏ được cưu mang, từng nếp nghĩ hủ tục được thay đổi... Tất cả đều được xây nên từ tấm lòng và trách nhiệm với nhân dân. Chính sự gần gũi, chân thành ấy đã làm nên sức mạnh của “thế trận lòng dân”, để quân với dân mãi gắn bó keo sơn, cùng nhau dựng xây quê hương đổi mới, yên bình.

HOÀNG HOA LÊ

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/llvt-quan-khu-4-nhieu-hoat-dong-giup-dan-thiet-thuc-836614