Thiếu nguồn nhân lực, không tuyển được lao động khiến DN phải đối mặt với nhiều thách thức đến hiệu quả hoạt động. Về lâu dài sẽ tác động và ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững đối với nền kinh tế địa phương cũng như quốc gia. Và liệu giảm lao động có phải là bài toán của riêng Đồng Nai hay còn là của các tỉnh, thành khác khi đang tập trung để bứt tốc phát triển.
Trải qua gần 40 năm mở cửa đón các DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), Đồng Nai luôn là nơi được các tập đoàn FDI chú ý và muốn đầu tư. Nhiều DN đã chọn tỉnh là nơi đầu tiên đặt nhà máy sản xuất và sau khi thành công mới mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác như: CP, Amata, Nestlé, Bosch, Hyosung, Formosa…
Trên “bản đồ” kinh tế Việt Nam, Đồng Nai là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, đồng thời cũng duy trì trong tốp đầu các tỉnh, thành có số thu ngân sách lớn nhất cả nước.
Một góc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Xuân Mai |
Ngay từ những năm đầu mở cửa và hội nhập, Đồng Nai đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và chính sách thu hút đầu tư cởi mở. Để thu hút các dòng vốn FDI “khủng”, tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, hoạt động mời gọi, quảng bá, thu hút đầu tư. Nhờ vậy, các dự án FDI đầu tư vào địa phương đều phát triển tốt. Hàng chục dự án FDI có vốn đầu tư lớn đều thuộc các tập đoàn: Hyosung (Hàn Quốc với hơn 2,2 tỷ USD), Formosa (Đài Loan hơn 1,6 tỷ USD), SMC Manufacturing (Nhật Bản gần 1 tỷ USD)… đã minh chứng điều này.
Trong năm 2024, tỉnh Đồng Nai thu hút khoảng 1,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 36% so với kế hoạch đề ra cho năm 2024 và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 95 dự án với tổng vốn đăng ký gần 758,8 triệu USD, tăng 62% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 137 dự án đã thực hiện điều chỉnh tăng vốn với gần 738,2 triệu USD.
Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) nhanh chóng được lấp đầy với nhiều dự án lớn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Ảnh: Văn Gia |
Phó giám đốc Sở Tài chính Ngô Đức Thắng chia sẻ, tính lũy kế đến cuối năm 2024, Đồng Nai có hơn 1,7 ngàn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 36 tỷ USD, đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nhà đầu tư hàng đầu là Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh cũng đạt gần 17,7 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 14,5 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án SLP Park Lộc An Bình Sơn tại KCN Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành), thuộc tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới trong lĩnh vực phát triển và vận hành bất động sản, logistics Global Logistics Partner (GLP) đến từ Singapore. Dự án SLP Lộc An - Bình Sơn có tổng vốn đầu tư lớn nhất với trên 121 triệu USD.
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, từ đầu năm 2025 đến nay, doanh thu của các DN FDI trong các KCN ở Đồng Nai đạt hơn 8,2 tỷ USD, tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, các DN FDI đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 304 triệu USD, tăng 10 triệu USD so với cùng kỳ năm 2024.
Đến nay, các KCN như: Amata, Long Bình, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2... nhanh chóng lấp đầy bởi các nhà máy, xí nghiệp thuộc đa dạng lĩnh vực như: dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo... Các DN FDI đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra việc làm cho người lao động tại tỉnh công nghiệp Đồng Nai.
Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (thành phố Biên Hòa) một trong những khu công nghiệp đón các “ông lớn” FDI đầu tiên đầu tư vào Đồng Nai. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: TTXVN - C.T.V |
Ông Tsutomu Nara, Tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam (KCN Biên Hòa 1, thành phố Biên Hòa) cho biết, Công ty Ajinomoto Việt Nam là một trong những DN FDI đầu tiên đến đầu tư tại Việt Nam. Suốt hơn 34 năm kể từ khi thành lập vào năm 1991, DN luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Đồng Nai và đất nước Việt Nam.
“Trong quá trình hoạt động, DN cũng gặp phải một số khó khăn. Tuy nhiên, luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời và quý báu từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chính quyền địa phương, giúp chúng tôi vượt qua mọi thử thách để tiếp tục phát triển và đóng góp vào sức khỏe và hạnh phúc của người dân và xã hội Việt Nam thông qua việc cung cấp các sản phẩm chất lượng và những sáng kiến có giá trị” - ông Tsutomu Nara nhấn mạnh.
Bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Đồng Nai, không chỉ Tập đoàn Amata tạo được dấu ấn phát triển mạnh mẽ cho địa phương mà còn rất nhiều DN của Thái Lan đến đầu tư kinh doanh.
Theo bà Wiraka Moodhitaporn, các DN Thái Lan đầu tư vào Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung trong rất nhiều lĩnh vực từ thương mại, giáo dục đào tạo, xúc tiến xây dựng đường bộ, đường hàng không, siêu thị… Qua đó, không chỉ đóng góp vào xây dựng, phát triển kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra việc làm lao động. Sự ổn định về việc làm đã tạo điều kiện cho người lao động an tâm gắn bó với DN, xây dựng đội ngũ lao động lành nghề và chất lượng.
Hiện nay, Đồng Nai đang thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ,công nghiệp bán dẫn, công nghệ xanh... ít thâm dụng lao động. Ảnh: Văn Gia |
Trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, các thủ phủ công nghiệp đóng vai trò then chốt, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn là nơi “cưu mang” hàng triệu lao động nhập cư. Từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung... những người nông dân chân chất quen với ruộng đồng, đã tìm đến Đồng Nai với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, dựa vào sức trẻ và sự cần cù để xây dựng tương lai.
Chị Hoàng Thị Hương (quê tỉnh Nghệ An) hiện làm công nhân Công ty CP TKG Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, những ngày đầu của gần 25 năm trước đặt chân đến vùng đất mới, cuộc sống của những người công nhân nhập cư gặp không ít khó khăn. Chị phải tập làm quen với môi trường sống khác biệt, với nhịp sống công nghiệp hối hả. Với ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên, chị Hương và nhiều người khác đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, bám trụ và xây dựng cuộc sống mới tại “thủ phủ” công nghiệp Đồng Nai.
Thời điểm các DN nước ngoài chọn Đồng Nai làm “cứ địa”, không ít những công ty phải tuyển hàng ngàn lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu không chỉ dừng lại ở lao động phổ thông mà bao gồm cả những vị trí kỹ thuật, quản lý và có chuyên môn cao. Sự cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân tài ngày càng gay gắt, các công ty phải đến nhiều nơi để “săn” lao động.
Ông Đinh Nhật Thành phụ trách nhân sự cho một công ty sản xuất may mặc với hơn 30 ngàn công nhân ở huyện Vĩnh Cửu cho biết, các tỉnh phía Bắc, miền Trung, miền Tây Nam Bộ với nguồn nhân lực dồi dào trở thành thị trường tiềm năng để đáp ứng nhu cầu này. Mỗi vùng đất mang một màu sắc văn hóa riêng, nhưng điểm chung là sự chân chất, cần cù của người lao động. Ông không chỉ đơn thuần phỏng vấn mà còn lắng nghe những câu chuyện đời thường, những trăn trở về cuộc sống để động viên họ rời xa quê hương, gia đình để đến một vùng đất mới lập nghiệp.
“Công nhân làm việc tại nhà máy với thu nhập ổn định, người này kể người kia, kéo theo nhiều người cùng quê đi làm công ty. Có những bộ phận, dây chuyền sản xuất trong công ty, anh em họ hàng cùng vào làm” - ông Thành nói.
Đến nay, nhiều người công nhân ngày ấy đã trở thành những cư dân ổn định của Đồng Nai. Họ đã xây dựng được nhà cửa, lập gia đình và coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Thế hệ con cháu của họ cũng lớn lên và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Câu chuyện về những người lao động từ ba miền đất nước đến Đồng Nai lập nghiệp vẫn luôn là một minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, sự đoàn kết và khát vọng vươn lên của người Việt Nam.
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/media/megastory/202505/loat-megastory-khat-lao-dong-giua-thu-phu-cong-nghiep-dong-nai-bai-1-48d7a79/
Bình luận (0)