Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lửa lồ ô thắp sáng Bom Bo

Kể từ ngày người S’tiêng ở sóc Bom Bo đốt đuốc lồ ô thâu đêm giã gạo nuôi quân đến nay đã 60 năm (1965-2025), bằng thời gian đi qua một đời người, nhưng lửa lồ ô vẫn thắp sáng niềm tự hào trong lòng người S’tiêng. Ngọn lửa cháy lên niềm hân hoan kiêu hãnh và trở thành biểu tượng đẹp ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên29/04/2025

Nhà trưng bày các mô hình phục vụ đời sống kháng chiến của người S’tiêng - sóc Bom Bo trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Nhà trưng bày các mô hình phục vụ đời sống kháng chiến của người S’tiêng - sóc Bom Bo trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, lửa lồ ô góp sức làm nên thắng lợi trong chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long. Đất nước thống nhất; đổi mới; hội nhập thế giới, người S’tiêng và đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên thêm gần gũi trong ánh đuốc lồ ô, để góp sức cùng cả nước tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển.

Hơn 50 năm trước, những người lính “xẻ dọc Trường Sơn” bằng bước chân trần trên dọc đường Nam tiến. Còn hôm nay chúng tôi, thời hậu sinh đáp máy bay “từ Bắc vô Nam”, rồi dong duổi bằng xe ô tô gắn máy lạnh tìm về những vùng đất lửa. Sóc Bom Bo là một trong những địa danh được chúng tôi lựa chọn. Biết chúng tôi lần đầu về sóc Bom Bo, anh Cao Minh Trực, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, tự hào: Các bạn có biết không, trong 3 ngày đêm, gần 100 người S’tiêng cùng bộ đội không ngủ để giã được hơn 5 tấn gạo bằng chày tay kịp thời ủng hộ cho quân ta đánh trận Đồng Xoài - Phước Long.

Quãng đường từ TP. Đồng Xoài về sóc Bom Bo cũng như ngắn lại. Những phố phường lùi lại sau lưng, để dọc bên đường với những miệt vườn đầy hoa trái, rồi điều, hồ tiêu và những trảng rừng cao su chạy dài tít tắp. Chợt xe đi chậm lại, mọi người cùng ồ lên phấn chấn: Ngay trước mũi xe một cổng chào lớn được xây dựng theo kiến trúc mô phỏng nhà ở của đồng bào Tây Nguyên… Và một Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng - sóc Bom Bo được xây dựng trên một khoảng đất cao ráo, quanh đó đầy bông nhài trắng thoảng thơm làm câu chuyện của nữ hướng dẫn viên Khu Bảo tồn - chị Hoàng Thị Thu Hương sinh động như từng thước phim tái hiện cuộc sống lao động và chiến đấu của đồng bào S’tiêng về năm tháng bom đạn giặc cầy nát đất quê hương.

Bộ đàn đá nặng 20 tấn được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Bộ đàn đá lớn nhất Việt nam.
Bộ đàn đá nặng 20 tấn được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Bộ đàn đá lớn nhất Việt nam.

Vâng! Chiến tranh đã đi qua, nửa thế kỷ “non sông về một mối”, nhưng về đây nghe tiếng cồng, chiêng ngân rung, tiếng sáo khom pi, khèn bầu mbuot, tiếng đàn đinh jut, tiếng đàn đá vọng lại tâm tình lời gan ruột của người S’tiêng trong những năm tháng người đất đỏ Tây Nguyên đồng lòng theo Đảng đánh giặc, thực hiện khát vọng thống nhất đất nước… Người cũ, cảnh xưa đã khắc vào sử xanh bằng ánh đuốc lồ ô. Chị Thu Hương cho biết: Bom Bo bây giờ vẫn còn các già Điểu Lên và Điểu M’Riêng là những nhân chứng sống.

80 tuổi, già Điểu Lên vẫn mạnh như sức cây lớn trong rừng lồ ô. Già được ví là pho sử sống của người S’tiêng. Trong “‘cái nhớ” của già đầy ắp những câu chuyện về ký ức một thời hào hùng của buôn sóc. Bởi những năm tháng người Bom Bo đốt đuốc lồ ô giã gạo nuôi quân, vóc già đứng chưa cao bằng cái chày tay nhưng đã sớm tham gia đội du kích, làm giao liên đưa thư cho cán bộ trong căn cứ. Với câu nói chân thành, mộc mạc: Ta cũng như nhiều đồng bào trong sóc, không biết "cái chữ", nhưng biết bộ đội cách mạng tốt thì cùng nhau đi theo.

Gần 20 tuổi, già tham gia phục vụ trong Quân đội, cùng đơn vị trực tiếp đánh hơn 40 trận, liên tục lập công, nhiều lần được cấp trên tặng danh hiệu dũng sĩ diệt ác phá kìm và dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy. Tự hào về chiến công mình giành được, nhưng già sống khiêm nhường, làm tấm gương sáng cho con, cháu học tập, phấn đấu.

Trở lại với những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, Mỹ, ngụy liên tục càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược để thực hiện âm mưu tiêu diệt cách mạng, cắt đứt liên hệ của người dân với cách mạng. Nhìn những hiện vật trưng bày trong Khu bảo tồn, gồm cối gỗ dài, các vật dụng lao động, nhà tạm phên tre lớp lá… chị Hương xúc động: Trong bối cảnh ấy, người dân Bom Bo đã bỏ nhà, bỏ tài sản theo nhau vào rừng để theo cách mạng.

Bộ cồng, chiêng chế tác bằng đồng và thiếc để biểu diễn được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục lớn nhất Việt nam.
Bộ cồng, chiêng chế tác bằng đồng và thiếc để biểu diễn được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục lớn nhất Việt nam.

Ở vùng đất mới, những lán trại được đồng bào dựng lên đủ che chắn nắng, mưa. Động viên nhau khẩn trương phát bãi, dọn nương trồng mì, trồng bắp. Vừa tích cực sản xuất, vừa tham gia đánh giặc, trai tráng vào bộ đội, du kích, làm giao liên; còn phụ nữ, trẻ em đêm đêm giã gạo nuôi quân trong ánh lửa lồ ô. Cuộc sống nơi đất mới không đủ đầy, mỗi người chỉ ăn nửa lon gạo trong ngày, nên nơi ở mới được gọi vui là nửa lon. Căn cứ Nửa Lon có tên từ đó. Sau giải phóng, người S’tiêng vẫn ở lại căn cứ Nửa Lon, đến năm 1989 mời rời về sóc Bom Bo.

Chuyện tham gia kháng chiến ở Bom Bo, người S’tiêng thường nhắc nhớ đến già Điểu M’Riêng, năm nay 72 tuổi. Cụ thân sinh của già là Điểu Minh, ngày trước làm Trưởng ban Nông hội của tỉnh. Cụ chuyên việc tổ chức sản xuất, vận động đồng bào tham gia nuôi quân, phục vụ kháng chiến.

Già Điểu M’Riêng cũng như bà con trong sóc ngày đi nương, đêm về đốt đuốc lồ ô giã gạo nuôi quân. Đến tuổi trưởng thành, già tình nguyện nhập ngũ. Tham gia kháng chiến cho đến ngày lá cờ giải phóng cắm trên nóc Dinh Độc Lập, già chuyển ngành về làm cán bộ tại Huyện ủy Bù Đăng cho đến ngày nghỉ hưu.

Chị Hoàng Thị Thu Hương, hướng dẫn viên Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng - sóc Bom Bo giới thiệu với du khách về tiếng chày, cối giã gạo bên ánh lửa lồ ô của người S’tiêng.
Chị Hoàng Thị Thu Hương, hướng dẫn viên Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng - sóc Bom Bo, giới thiệu với du khách về tiếng chày, cối giã gạo bên ánh lửa lồ ô của người S’tiêng.

Theo già: Đời sống vật chất, tinh thần của người S’tiêng gắn bó mật thiết với cây lồ ô. Lồ ô làm nhà ở, làm đồ dùng trong nhà, công cụ sản xuất. Lồ ô cho rau làm canh thụt, làm cơm lam, làm một số nhạc cụ như: khom pi, mbuot, đinh jut và làm cây nêu trong ngày hội đầu xuân… Già tự hào vì mình được tham gia cố vấn chuyên môn cho dự án trùng tu, bảo tồn Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng - sóc Bom Bo.

Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng - sóc Bom Bo được xây dựng trên diện tích hơn 113ha. Dưới tán rừng thăm thẳm một màu xanh tràn ngập tiếng ve kêu là nhà dài truyền thống của người S’tiêng nhóm Bù Lơ. Tiếp đến có bộ cồng, chiêng lớn nhất Việt Nam, mỗi chiếc nặng từ 130-750kg. Kề đó là bộ đàn đá khổng lồ, mỗi thanh đàn nặng từ 400-600kg, tương ứng với một nốt nhạc. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Đài truyền thanh, Truyền hình huyện Bù Đăng cho biết: Địa phương có 13 đội cồng chiêng, với 70 nghệ nhân biết trình diễn.

Khu nhà dài thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến thăm quan.
Khu nhà dài thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.

Bên giàn chiêng, đàn đá khổng lồ của đại ngàn Tây Nguyên, tôi cảm nhận được những âm thanh kỳ diệu mang hồn rừng, hồn núi. Âm thanh ấy cất lên tiếng nói từ lòng người S’tiêng một lòng thủy chung, son sắt nghe theo Đảng, tích cực ủng hộ bộ đội đánh thắng giặc Mỹ; rồi cùng nhau xây dựng một vùng đất từng ngày thêm phồn vinh, thịnh vượng. Điểu Cóc - một người con của sóc Bom Bo hóm hỉnh: Vẫn cối, chày của ngày xưa mà tiếng giã gạo còn âm vọng đến ngàn sau. Bởi đó là bản nhạc kháng chiến đong đầy niềm tự hào vang lên cùng ánh đuốc lồ ô. Để tiếng cồng, chiêng, tiếng sáo khom pi, lời khèn bàu mbuot và tiếng đàn đinh jut mãi ngân lên bên ché rượu cần những thanh kỳ diệu của núi rừng.

Đuốc lồ ô không chỉ là biểu tượng của tinh thần yêu nước, mà trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người S’tiêng. Theo lời các chị Thị Xia và Thị Don: Đuốc lồ ô nhắc nhở chúng tôi hướng lòng về tổ tiên, biết gìn giữ những tinh hoa văn hóa được trao truyền qua ngàn đời. Và lồ ô cho ánh lửa bập bùng để con cháu vây quanh già làng nghe kể sử thi. Phải rồi: Lửa lồ ô cho đàn bà, con gái dệt sợi bông không lỗi; cho con trai đan gùi bền chắc, để tình yêu lứa đôi mặn lồng.

Đã 50 năm ngày đất nước thống nhất, song ánh đuốc lồ ô vẫn thắp sáng lòng người S’tiêng một niềm tin sắt đá vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để hôm nay, trên sóc Bom Bo, tiếng chày tay rộn ràng khua lên cổ vũ người S’tiêng vươn lên phát triển kinh tế - xã hội và tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo riêng có của dân tộc mình. Qua đó quảng bá ánh đuốc lồ ô và tiếng chày sóc Bom Bo với bạn bè thế giới.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/que-huong-dat-nuoc/202504/lua-lo-o-thap-sang-bom-bo-9b21267/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm