(QBĐT) - Lý Hoài Xuân tên khai sinh là Nguyễn Quốc Duẫn, sinh ngày 26/12/1954, quê ở xã Tân Ninh, (Quảng Ninh). Nhập ngũ tháng 5/1972, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, Lý Hoài Xuân thi vào Trường đại học tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, anh được phân công về công tác tại Sở Tư pháp Bình Trị Thiên, Trường Chính trị Quảng Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đến lúc nghỉ hưu.
Lý Hoài Xuân vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003, đến nay đã xuất bản 12 tập thơ, 1 trường ca, 6 tập phê bình tiểu luận và 1 tuyển tập thơ. Về giải thưởng văn học, Lý Hoài Xuân đạt giải C-Giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ “Giữa hai người”. Hai lần giải B- Giải thưởng Lưu Trọng Lư cho tập thơ “Gió cát” và “Ánh ngày”. Giải A, cuộc vận động sáng tác về chủ đề “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức cho tập sách “Hồ Chí Minh-Nguồn cảm xúc không bao giờ cạn” và nhiều giải thưởng khác.
“Nhận diện chân dung qua tác phẩm”-tập phê bình, tiểu luận được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành cuối năm 2024 là tập sách ra đời nhân dịp Lý Hoài Xuân tròn 70 tuổi.
Trong lời ngỏ “Nhận diện chân dung qua tác phẩm”, theo tác giả “sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời và tư duy sáng tạo của từng nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ… Riêng với Bác Hồ và mẹ Suốt thì thông qua thơ của các nhà thơ để tôn vinh và ca ngợi”. Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên được Lý Hoài Xuân gợi lại thật đẹp và xúc động: “Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường”, “Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút/Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời”…(Sáng tháng năm), “Đâu chẳng vang lời Bác thiết tha/Đời vui tiếng Bác ấm muôn nhà” (Theo chân Bác), “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông, mọi kiếp người” (Bác ơi!)…
|
Nếu nhà thơ Tố Hữu từ nhiều góc độ nhìn ngắm để viết về Bác bằng tình cảm chân thành, mộc mạc thì Chế Lan Viên lại có cách khai thác tinh tế và sâu sắc. Nhà thơ thường đi sâu vào thế giới nội tâm của Bác để phát hiện ra những vẻ đẹp về tư tưởng, đạo đức, nhân văn: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”, “Hình của Đảng lồng trong hình của nước/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười” (Người đi tìm hình của nước). Bác Hồ là hiện thân của cái đẹp, mỗi nhà thơ đều có cách nhìn, cách cảm khác nhau nhưng đều dựng lên bức tượng đài Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ thơ chân thành, lắng đọng và gợi cảm.
Bài viết “Có một tượng đài mẹ Suốt bằng thơ”, Lý Hoài Xuân đã phân tích hình ảnh mẹ Suốt trong thơ Tố Hữu, Trúc Chi, Nguyễn Đình Hồng, Trần Nhật Thu, Huy Cận, Lê Đức Thọ, Chế Lan Viên, Xuân Hoàng, Cẩm Lai, Văn Lợi… bằng ngôn ngữ chân thực, sinh động và cảm động. Tượng đài mẹ Suốt đi vào trang thơ, đi vào lòng người với niềm yêu kính.
Văn hào Vôn-te nói rằng: “cũng giống như từ gương mặt, ngôn ngữ, hành động cụ thể có thể nhận ra quốc tịch của con người...”. Trong sự nghiệp sáng tác, mỗi nghệ sĩ đều để lại những dấu ấn riêng biệt. Điều đó được Lý Hoài Xuân lý giải qua các tác giả, như: “Phạm Quốc Ca người luôn hướng tới chân trời mở”, “Hà Nội còn có Bùi Việt Mỹ”. Đặc biệt với những tác giả có duyên nợ, gắn bó với Quảng Bình như Xuân Quỳnh, Lê Thị Mây, Lý Hoài Xuân đã chọn lọc, phân tích tác phẩm của họ mang dấu ấn rất riêng. Giới thiệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên những ngày ở Quảng Bình “sống giữa những âm thanh của gió, của nắng” để cùng ngư dân cất lên tiếng hát “Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi/Thênh thang trên biển rộng lòng ta như biển trời…” (Bám biển quê hương), cảm xúc mãnh liệt từ cuộc sống đã hóa thành bản nhạc “Đêm Cha Lo” đầy hứng khởi. Hay “Quảng Bình trong ca khúc của Trần Hoàn” với những nhạc phẩm nổi tiếng: Về Phong Nha, Sơn nữ ca, Đường rừng, Về Đồng Lê, Lời cô gái Lệ Ninh, Nhớ Nhật Lệ, Đường lên Quy Đạt… đều mang phong cách riêng với những giai điệu đẹp, trong sáng, lạc quan, giàu cảm xúc.
Ngoài những nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước đã dành tình cảm sâu nặng với Quảng Bình, Lý Hoài Xuân đặc biệt quan tâm đến các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ là những người con của quê hương, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng và gió, như: “Lặng lẽ Hoàng Thái Sơn”, “Mai Văn Hoan-Phận thơ, phận người”, “Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương và những bài ca đi cùng năm tháng”, “Thơ lục bát của một nhà văn” (Hoàng Bình Trọng), “Nguyễn Thị Cẩm Thạch nhà văn đầu tiên của Quảng Bình”...
Ai đó đã từng nói, viết chân dung văn học đòi hỏi người viết phải tự nâng mình lên ngang tầm với người được viết. Có như thế bài viết mới bao quát, thấu hiểu, phát hiện những điểm sáng mà tác giả kỳ công chọn lựa, giúp tác phẩm nghệ thuật ăn sâu, bén rễ vào cuộc sống. “Nhận diện chân dung qua tác phẩm” của Lý Hoài Xuân cũng vậy, anh đã dành thời gian để khám phá, đồng cảm trong ngôn ngữ phân tích, bình luận. Bởi thế tập sách không những nhận diện chân dung của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ qua tác phẩm mà bạn đọc còn thấp thoáng thấy chân dung của một nhà phê bình văn học đầy năng lực trên từng con chữ.
Trần Đình
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/ly-hoai-xuan-va-tap-phe-binh-tieu-luan-nhan-dien-chan-dung-qua-tac-pham-2224548/
Bình luận (0)