Thanh Hóa có 19 sản phẩm măng được công nhận OCOP.
Từ món ăn dân dã
Những ngày cuối tuần, tranh thủ thời gian nghỉ, cô giáo Hà Thị Nhớ, dân tộc Thái, là giáo viên đang dạy tại điểm trường mầm non Ché Lầu, xã Na Mèo (thuộc Trường Mầm non Na Mèo, Quan Sơn) lại tranh thủ vào rừng để đào măng. "Từ nhỏ, tôi đã được theo các bà, các mẹ vào rừng và được hướng dẫn cách tìm và đào măng. Măng trở thành món ăn thường trực trên mỗi mâm cơm và có thể chế biến thành nhiều loại khác nhau như măng tươi, măng khô...", cô giáo Hà Thị Nhớ cho biết.
Trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái, măng không chỉ là nguồn thực phẩm mà còn là nét văn hóa ẩm thực. Măng có quanh năm, nhưng thời điểm thu hoạch và ngon nhất của từng loại măng cũng khác nhau. Từ đầu năm đến tháng 4 là thời điểm phát triển các loại măng le, măng sặt cỡ nhỏ; từ tháng 8 đến tháng 10 thì ngon nhất là măng vầu, măng luồng. Vào mùa măng, bà con vào rừng hái măng rồi sơ chế thành nhiều loại khác nhau như măng tươi luộc, nấu canh hoặc muối chua, làm muối ớt, măng cũng được phơi khô xé sợi hoặc để nguyên miếng dùng để làm nộm, xào, hấp, nấu với các món rau, miến... Mỗi loại măng chế biến có vị ngon, thơm đặc trưng riêng.
Từ nhiều thế hệ truyền lại, đồng bào các DTTS huyện Quan Sơn đã gìn giữ và phát triển được nét văn hóa của địa phương. Ngày nay, măng rừng không chỉ đơn thuần là sản phẩm dùng thường ngày mà còn đang trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cho các hộ dân tại địa phương.
Đặc thù rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn chủ yếu là rừng cây họ tre (như: luồng, nứa, vầu) với diện tích trên 54.451ha/86.033,71ha diện tích đất có rừng. Hàng năm, huyện Quan Sơn khai thác và tiêu thụ trên 10 triệu cây luồng, từ 5 - 7 nghìn tấn nứa, vầu dạng nan thanh và trên 500 tấn lâm sản ngoài gỗ khác. Sản phẩm một phần được sơ chế tại các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn và một phần được xuất bán tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng và một số tỉnh phía Nam... Việc khai thác các loại cây luồng, nứa, vầu đã và đang mang lại thu nhập cho người dân đồng thời sản phẩm từ măng rừng cũng góp phần làm nên nét văn hóa ẩm thực đặc sắc.
Đến sản phẩm OCOP
Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa cho biết, lũy kế toàn tỉnh đến nay có 634 sản phẩm OCOP (có 2 sản phẩm 5 sao) của 478 chủ thể sản xuất. Trong đó, có 19 sản phẩm măng được công nhận (măng khô, măng muối ớt, măng tươi, măng tây,...) chủ yếu thuộc 11 huyện miền núi. Các sản phẩm măng đều mang nét văn hóa đặc trưng cho vùng đất, con người ở địa phương.
Người dân huyện Quan Sơn hái măng rừng.
Tận dụng tiềm năng, thế mạnh, huyện Quan Sơn đã phát triển măng thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP, tạo động lực, cơ hội cho người dân giảm nghèo bền vững. Lũy kế đến tháng 4/2025, huyện Quan Sơn có 13 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 3 sản phẩm măng được công nhận là: “Măng khô Nang Non” của HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Thủy Nông (thị trấn Sơn Lư); “Măng treo bốn mùa” Mường Xia của hộ kinh doanh Phạm Thị Hằng, bản Chung Sơn (xã Sơn Thủy); “Măng búp Duy Linh” của HTX Nông nghiệp xanh Duy Linh, khu 5 (thị trấn Sơn Lư).
Là một trong những sản phẩm măng được công nhận OCOP, “Măng búp Duy Linh” của HTX Nông nghiệp xanh Duy Linh được người dân, khách hàng tin dùng. Những búp măng non được thu hái có hương vị tươi ngon nhất đã được HTX chế biến và phơi khô tự nhiên. Chị Vi Thị Thơm, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Linh, cho biết: "Nguyên liệu đầu vào rất quan trọng, là những loại măng nứa, vầu, luồng,... bảo đảm chất lượng, đủ độ non, ngọt. HTX đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các hộ có diện tích rừng trồng tại địa phương. Hiện nay, măng búp có mức tiêu thụ tốt, được bán lẻ với giá 250 - 300 nghìn đồng/kg. Việc sản xuất măng khô không chỉ dừng lại cho nhu cầu tiêu dùng của các xã lân cận mà HTX đang phát triển để phân phối cho khắp tỉnh Thanh Hóa".
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây lâm nghiệp, huyện Quan Hóa là địa phương có diện tích luồng, vầu nhiều ở miền Tây xứ Thanh. Măng cũng là sản phẩm đặc trưng của vùng đất này. Tại đây, đã hình thành nhiều sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng của huyện vùng cao, biên giới. Đến nay, Quan Hóa có 11 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, trong đó có 4 sản phẩm OCOP từ măng. Cụ thể, là “Măng khô Mường Ca Da”; “Măng chua Piềng Cú”; “Măng khô xé sợi Mường Khằng”; “Măng ốt Lê Hiền”.
Trong số các sản phẩm OCOP từ măng có thể nhắc đến “Măng ốt Lê Hiền” (xã Nam Tiến). Nếu như các loại măng khác được người dân sơ chế theo cách luộc rồi phơi khô thì với măng ốt lại là măng tươi được làm sạch rồi hấp chín. Sản phẩm này có thể chế biến ngay hoặc bảo quản bằng cách treo lên gác bếp qua nhiều ngày, măng vẫn giữ được mùi vị như mới. Chị Lê Thị Hiền, chủ cơ sở “Măng ốt Lê Hiền” cho biết: "Với cách bảo quản như vậy, người dân sẽ có măng ăn quanh năm. Người dân nơi đây gọi loại măng chế biến này là măng ốt. Hiện cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng".
Từ món ăn dân dã của đồng bào các DTTS, đến nay măng đã trở thành một món ăn đặc sản, được nhiều người biết đến. Và hơn thế, khi sản phẩm đã được công nhận OCOP, càng khẳng định giá trị của măng rừng, nét văn hóa ẩm thực của đất và người miền núi, vùng cao xứ Thanh.
Nguồn: https://vhds.baothanhhoa.vn/mang-rung-nbsp-va-hanh-trinh-den-san-pham-ocop-36569.htm
Bình luận (0)