Nhờ các máy quay được chế tạo để chịu được áp lực biển sâu, các nhà khoa học có thể ghi lại hình ảnh và nghiên cứu sinh vật bí ẩn này - Ảnh: JENNIFER M. DURDEN/BRIAN J. BETT/HENRY A. RUHL
Theo ABC News, sinh vật này là loài hải quỳ Iosactis vagabunda, với rất ít thông tin được biết đến trước đây.
Sinh vật săn con mồi to gấp mấy lần mình
Iosactis vagabunda sống ở vùng biển sâu với các xúc tu, cư trú tại đồng bằng biển thẳm Porcupine - vùng đáy biển nằm ngoài khơi bờ biển Ireland. Chúng nằm cách mặt biển khoảng 4 - 5km.
Nhờ các máy quay được chế tạo để chịu được áp lực biển sâu, các nhà khoa học có thể ghi lại hình ảnh và nghiên cứu sinh vật bí ẩn này, theo một bài báo đăng trên tạp chí Deep Sea Research Part I: Oceanographic Research Papers.
Iosactis vagabunda thường ăn thực vật vụn từ đáy biển, nhưng cũng săn mồi là loài giun biển polychaete - vốn có thể phát triển lớn hơn nhiều so với chính con hải quỳ.
Hình ảnh cho thấy hải quỳ dùng xúc tu để vớt thức ăn từ trong nước và đưa vào miệng.
Các hình ảnh khác cho thấy một con hải quỳ dài chưa đến 2,5cm đang ăn một con giun biển dài 10cm trong suốt 16 giờ. Sau khi bị ăn, các gai của con giun vẫn được nhìn thấy xuyên qua thành cơ thể của con hải quỳ, theo các nhà nghiên cứu.
Loài hải quỳ này cũng dành nhiều giờ để tạo ra các hang mới và thường xuyên di chuyển từ hang này sang hang khác giữa các lần kiếm ăn. Đây là đặc điểm khác biệt so với các loài hải quỳ khác vốn ở cố định một chỗ.
Còn 99,999% đáy đại dương chưa được khám phá
Thời gian gần đây, các nhà khoa học biển đang tìm cách tìm hiểu thêm về những loài sinh vật khó tiếp cận nhất, sống ở nơi sâu thẳm nhất của đáy đại dương và vai trò của chúng trong sự đa dạng sinh học trên hành tinh.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng và đại dương tiếp tục hấp thụ nhiều nhiệt hơn, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần khám phá thêm đáy biển để tìm ra những chiến lược giảm nhẹ tác động khí hậu có liên quan đến đại dương.
Theo Live Science, dù đáy đại dương sâu bao phủ khoảng 66% bề mặt Trái đất, con người vẫn chưa khám phá được 99,999% trong số đó.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances cho thấy con người mới chỉ "gõ cửa" được 0,001% đáy biển sâu. Con số này cực kỳ nhỏ bé.
"Có quá nhiều phần của đại dương mà chúng ta vẫn chưa hiểu rõ", Ian Miller, giám đốc khoa học và đổi mới tại Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ, tổ chức đã tài trợ cho nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.
Đáy đại dương sâu có áp suất cực lớn và nhiệt độ gần mức đóng băng, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật kỳ lạ và thường khó phát hiện. Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ carbon và được cho là nơi cư trú của nhiều loài chưa được biết đến. Một số loài trong đó có thể có giá trị y học hoặc khoa học.
Nguồn: https://tuoitre.vn/may-quay-he-lo-sinh-vat-bi-an-co-24-xuc-tu-duoi-day-bien-20250515122412223.htm
Bình luận (0)