Chuyển con đi nơi khác vì học sinh hư không bị đuổi học
Dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh mới đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi Bộ GD&ĐT bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học.
Thay vào đó, học sinh THCS và THPT phạm lỗi chỉ bị kỷ luật ở 3 mức: nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. Học sinh tiểu học có 2 mức kỷ luật là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi.
Chị Nguyễn Thùy Chi (Hà Nội) là một trong những phụ huynh không đồng ý với nội dung này trong dự thảo.
Con trai chị Nguyễn Thùy Chi từng bị đình chỉ học 3 ngày vào năm học lớp 8 vì hút thuốc lá điện tử. Song, chị Chi hoàn toàn ủng hộ quyết định kỷ luật của nhà trường.

Một vụ bạo lực học đường xảy ra trong trường tiểu học (Ảnh chụp từ clip).
Theo lời chị Chi, con trai chị bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo hút thuốc lá điện tử. Để có tiền mua thuốc, con chị bỏ ăn sáng, thậm chí lấy trộm tiền lẻ của mẹ để trên bàn.
Khi giáo viên bắt được nhóm 5 học sinh hút thuốc lá trong nhà vệ sinh, nhà trường mời phụ huynh lên làm việc và quyết định đình chỉ 3 ngày. Riêng học sinh cầm đầu, bán thuốc lá điện tử trong trường bị đình chỉ 5 ngày.
"Nếu như không có 3 ngày đình chỉ học, tôi không biết con mình sẽ ra sao. Vì bị cấm đến trường, con tôi mới nhận thức được hành vi của mình nghiêm trọng như thế nào.
3 ngày đó, con được tách khỏi đám bạn xấu. Hai vợ chồng tôi có thời gian tìm hiểu kỹ càng căn nguyên vì sao con lại có hành vi sai trái. Sự thật là con và cả 3 bạn còn lại đều bị bạn cầm đầu vừa dụ dỗ vừa ép phải mua thuốc, hút thuốc", chị Chi chia sẻ.
Theo lời chị Chi, học sinh cầm đầu đó ở với ông bà, bố mẹ ly hôn, là học sinh cá biệt từ nhỏ, từng đánh bạn nhiều lần. Phụ huynh trong lớp đấu tranh yêu cầu nhà trường kỷ luật đuổi học 1 năm nhưng giáo viên chủ nhiệm cho biết nhà trường không được làm như vậy.
Học sinh này sau đó vẫn tiếp tục qua mắt thầy cô để bán thuốc lá điện tử trong trường.
Từ trải nghiệm của mình, chị Chi khẳng định: "Kỷ luật nhắc nhở, phê bình chỉ có tác dụng khi học sinh phạm lỗi nhẹ và phụ huynh cùng tham gia giáo dục con cái.
Học sinh phạm lỗi nặng thì cần biện pháp mạnh tay. Nếu đứa trẻ không phải trả giá, không bị mất mát gì sau những lỗi lầm gây ra thì làm sao nó biết ân hận mà sửa đổi?
Chưa nói, phần lớn những học sinh phạm lỗi nặng là do thiếu giáo dục gia đình. Nhà trường không có quyền năng ép buộc bố mẹ phải đồng hành giáo dục học sinh với nhà trường. Nhà trường, hay chính xác là giáo viên, phải tự xoay sở với học sinh hư.
Bắt thầy cô thay đổi học sinh chỉ bằng nhắc nhở, phê bình, khuyên bảo, động viên là ảo tưởng. Học sinh có thể viết cho thầy cô 100 bản kiểm điểm mà không hề ân hận".
Chị Chi cho biết thêm, sau một học kỳ theo con sát sao, chị quyết định chuyển trường cho con vì thấy học sinh hư như "quả bom nổ chậm" bên cạnh con mình. Con chị hiện đã học cấp 3 công lập, chăm chỉ và luôn đạt hạnh kiểm tốt sau cú vấp ngã đầu đời.
Giáo viên phải có "siêu năng lực" mới trị được học sinh hư bằng phê bình?
Cô Hoàng Thu Thủy (Hải Dương) tâm sự về áp lực nghề nghiệp khi các quy định về kỷ luật học sinh ngày càng "lỏng" với học sinh và "chặt" với thầy cô, nhà trường.
Trước năm 2020, Bộ GD&ĐT cho phép nhà trường đuổi học học sinh từ 1 tuần đến 1 năm. Đồng thời, thầy cô, nhà trường có quyền phê bình, khiển trách, nêu lỗi của học sinh trước lớp hoặc trước toàn trường theo Thông tư 08 áp dụng từ năm 1988.
Nhưng kể từ năm 2020, theo Thông tư 32, hình thức khiển trách hay cảnh cáo học sinh trước lớp, trước toàn trường bị bỏ. Trường được "tạm dừng học có thời hạn" với học sinh nhưng không có quy định cụ thể về thời gian "tạm dừng".
Chi tiết này đẩy các trường vào thế loay hoay khi kỷ luật học sinh.

Hình ảnh một nữ sinh bị bạo lực học đường (Ảnh cắt từ clip).
"Nhà trường không được đuổi học học sinh. Giáo viên không được công khai phê bình, khiển trách lỗi của học sinh trước lớp. Thành ra, có trường hợp vô cùng cá biệt, gây nên nhiều vụ bạo lực học đường mà chúng tôi phải bất lực buông xuôi.
Học sinh mới 12 tuổi, còn chưa vị thành niên. Cha mẹ của học sinh cũng không ai dám động vào, mời họ lên trường làm việc họ còn không lên.
Mỗi đứa trẻ trưởng thành đều là kết quả giáo dục của gia đình - nhà trường và xã hội. Thế nhưng, cha mẹ phó mặc cho nhà trường, xã hội quy trách nhiệm cho nhà trường, thầy cô phải "đứng mũi chịu sào" về mọi kết quả của học sinh khi trong tay không có một công cụ nào.
Giáo viên vừa dạy học vừa thay thế luôn vai trò cha mẹ, vừa kiêm chuyên gia tâm lý cho các học sinh cá biệt, chỉ động viên, khích lệ, nhắc nhở để cảm hóa trò. Tôi nghĩ không mấy giáo viên có được "siêu năng lực" đó", cô Thủy nói.
Ngoài 3 mức kỷ luật nhắc nhở, phê bình, viết kiểm điểm dành cho học sinh từ THCS trở lên, dự thảo Thông tư quy định các hoạt động hỗ trợ khắc phục khuyết điểm gồm: khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được hành vi và hướng khắc phục; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh vi phạm trong quá trình khắc phục; yêu cầu học sinh thực hiện một số hoạt động phù hợp để khắc phục; phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh.
Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, nguyên tắc kỷ luật cũng như khen thưởng là phải bảo đảm tính giáo dục, nhân văn, vì sự tiến bộ của học sinh.
(*) Tên phụ huynh và giáo viên đã thay đổi.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/me-cua-hoc-sinh-ca-biet-biet-on-nha-truong-da-dinh-chi-hoc-con-minh-20250510012419098.htm
Bình luận (0)