Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Miệt mài giữ tiếng Pà Thẻn

Giữa nhiều đổi thay, khi tiếng Kinh dần lấn át những làn điệu dân ca và những chiếc quần jeans, áo phông thay thế dần trang phục truyền thống trên bản làng xã Minh Quang (tỉnh Tuyên Quang) thì thầy giáo Phan Văn Trường vẫn miệt mài gieo mầm văn hóa dân tộc Pà Thẻn.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên07/07/2025

Nỗi lo "lệch sóng"

Thôn Thượng Minh thuộc xã Minh Quang là một vùng đất mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng vùng cao Tuyên Quang những năm gần đây đang dần chuyển mình với sự phát triển của du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển ấy là những thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Điện thoại di động phủ sóng khắp bản, internet len lỏi vào từng nhà, mang theo những luồng văn hóa mới. Những đứa trẻ lớn lên trong thời đại số, quen thuộc với những bài hát thịnh hành trên mạng và tiếng Kinh dần trở thành ngôn ngữ giao tiếp chính, thay thế tiếng Pà Thẻn.

Miệt mài giữ tiếng Pà Thẻn- Ảnh 1.

Thầy giáo Phàn Văn Trường "đứng lớp" dạy tiếng Pà Thẻn cho học sinh - ảnh: Thanh Tùng

- Ạ sị no ý va? (Mai cháu có đi học không?).

- Nứ pu ny ạ sị nhi thớ sý đẹ (Cháu ăn cơm rồi ạ!).

Tình trạng "ông hỏi gà, cháu trả lời vịt" như trên diễn ra khá phổ biến giữa hai thế hệ ở Thượng Minh. Thường những cụ già thích giao tiếp bằng tiếng Pà Thẻn, còn thế hệ trẻ lại chỉ hiểu bập bõm, có cháu còn không biết nói, nên tình trạng "lệch sóng" khiến người già đau đầu, mất ăn mất ngủ.

Phàn Văn Trường hiểu rõ điều đó. Vừa là bí thư chi đoàn thôn, vừa là "của hiếm" của bản khi đã tốt nghiệp Khoa Sư phạm, Trường đại học Tân Trào, anh tự gắn cho mình trách nhiệm phải làm gì đó để tiếng nói dân tộc được nhiều bạn trẻ biết đến.

Thế là, ngày ngày anh gặp gỡ các ông bà hỏi han chuyện trò, rồi cẩn thận chép lại từng từ thật chính xác với mong muốn có tài liệu lưu giữ tiếng nói dân tộc. Suốt bao năm tháng anh tâm huyết với ý tưởng của mình, nhưng điều làm Trường buồn nhất là chữ viết cổ người Pà Thẻn đã bị mai một. Khi ghi chép tiếng nói Pà Thẻn thì vẫn phải dùng chữ phổ thông chép lại theo âm điệu. Ví dụ: Cái cây là "tơ pa", ăn cơm là "no ý", uống nước là "o ó"…

Nhiều từ người Pà Thẻn nói luyến láy, bật hơi khác biệt nên rất khó để viết ra. Anh bảo, tiếng nói là phải truyền khẩu, học trực tiếp mới thấm được, mới hiểu cặn kẽ, mới nhớ và vận dụng được. Nếu cứ ghi chép mà không học, không đọc, không thực hành thì sách vở cũng chỉ cất hòm thôi.

Rồi niềm vui bất ngờ đến khi chính quyền địa phương có chủ trương khôi phục văn hóa Pà Thẻn, trong đó cho mở lớp học dân ca. "Như cá gặp nước", ước mơ ấp ủ bao lâu được "chắp cánh", anh Trường xung phong nhận dạy lớp học dân ca cho người dân trong bản.

Nhớ "pú quơ"

"Pú quơ" là tiếng đầu tiên thầy giáo trẻ Phàn Văn Trường dạy các học trò. Tiếng Pà Thẻn "pú quơ" có nghĩa là tổ tiên, gốc gác.

Anh giải thích, người Pà Thẻn phải nhớ đến "pú quơ", cũng như con chim rừng kiếm ăn không quên về tổ, lá cây rừng bao năm vẫn rụng về cội. Nhớ đến tổ tiên, nguồn cội thì con người mới lớn lên, trưởng thành được; sau này có chết, "cái vía" vẫn được tổ tiên nhận mặt, không sợ đi lạc.

Lớp học có đủ các lứa tuổi, bé nhất 6 tuổi, lớn nhất 60 tuổi. Anh Trường cho biết, mỗi người đến đây có nhiều mục đích khác nhau. Bọn trẻ thì đúng là đến học tiếng nói, người lớn tuổi hơn thì có người đến để ôn lại, hoặc đơn giản muốn đến để nghe, để ủng hộ những người trẻ yêu nguồn cội dân tộc. Đó là niềm động viên, khích lệ để anh cố gắng thật nhiều.

Trường dạy rất dễ hiểu. Cách giảng giải, ví von của anh rất rõ ràng nên nhiều người thích học lắm. Em Húng Kiều Anh chia sẻ: "Lớp học của thầy Trường có kiểm tra bài cũ, có bài tập về nhà, vừa được học, vừa được thực hành nên chúng em đều tiếp thu được".

Cuốn giáo án do thầy Trường soạn có tổng cộng 30 bài. Các bài học từ khó đến dễ, mới đầu là các câu chào hỏi, mời ăn cơm, mời uống nước, sau đó là đoạn hội thoại dài dần, khó lên. 

Tất cả đều bài bản, khoa học, dễ nhớ. Em Húng Thị Mai nhớ vanh vách: "Bài 1 là cách chào hỏi, bài 2 là cách hỏi thăm sức khỏe, bài 3 là cách mời cơm, mời uống nước… Em thấy tiếng dân tộc mình không khó đâu, chịu khó chăm chỉ là học được ngay".

Theo bà Húng Thị Tâm, cháu mình đi học về là nói chuyện luôn với ông bà, bố mẹ bằng tiếng Pà Thẻn. Có hôm cả nhà dạy nhau cách nói, cách phát âm. Vui lắm!

Sau hơn 1 tháng hoạt động, lớp học của thầy giáo Trường đã có nhiều thành quả. Chứng kiến lớp trẻ nói được tiếng dân tộc là lòng anh lại rộn ràng, hạnh phúc biết bao. Dù lớp học kết thúc nhưng anh luôn tận dụng mọi lúc mọi nơi để "gieo" tiếng nói dân tộc mình cho những học trò nhỏ.

Trường chia sẻ: "Để dạy một ngôn ngữ thì đâu cần đứng trên bục giảng mới dạy được, cứ có cơ hội là thực hành thì sẽ thành quen thôi. Từ những buổi gặp gỡ trên đồi nương, vui chơi thể thao, văn nghệ đến buổi họp chi đoàn, đều được tôi tận dụng để nói chuyện, hướng dẫn nói tiếng Pà Thẻn".

Được nhiều người biết đến là một người tâm huyết với mảnh đất quê hương Thượng Minh, suốt 10 năm qua, anh Trường được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi đoàn, tích cực tham gia học hát dân ca Pà Thẻn để cùng với các thành viên Đội văn nghệ homestay thôn Thượng Minh biểu diễn vào các dịp lễ tết, đón khách du lịch.

Trường nói, anh luôn tự hào và thấy may mắn khi mình là người Pà Thẻn, được sinh ra nơi mảnh đất Thượng Minh với những nét văn hóa độc đáo, kỳ bí. Mỗi người sẽ có một cách riêng đóng góp dựng xây quê hương và anh sẽ tiếp tục với hành trình gìn giữ, bảo tồn bản sắc nguồn cội dân tộc mình bằng trái tim đầy trách nhiệm.

Nguồn:https://thanhnien.vn/miet-mai-giu-tieng-pa-then-185250706181253817.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm