Nếp nhà từ chuyện gói bánh
Bà Dương Thị Hoa nhớ lại những ngày đầu tiên về làm dâu nhà cụ Dặm ở khu dân cư Bờ Đa, phường An Lạc (Chí Linh) hồi năm 1997. Trong không khí đầm ấm, bà được chồng và bố chồng hướng dẫn từng công đoạn gói bánh chưng, giã bánh giầy.
Dưới bàn tay chỉn chu và tâm huyết của cụ Dặm, bà Hoa được chỉ bảo tận tình từ việc chọn gạo, chọn lá, đóng bánh buộc lạt. Cụ Dặm năm nay dù đã trăm tuổi nhưng vẫn minh mẫn, nhớ như in từng bí quyết để làm ra những chiếc bánh hoàn hảo.
"Muốn bánh chưng, bánh giầy ngon, gạo chính là yếu tố quan trọng nhất. Nhà tôi chỉ dùng giống gạo nếp cái hoa vàng An Lạc. Đây là giống gạo cổ đã được người dân An Lạc lưu truyền qua nhiều đời. Loại gạo này vừa thơm, vừa dẻo", cụ Dặm bật mí.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch, gia đình cụ Dặm còn tự trồng 2 sào lá dong. Con trai cụ Dặm là ông Dương Văn Bằng còn có máy xay xát riêng, phục vụ bà con trong vùng.
Không chỉ giữ nghề cho gia đình, bà Hoa và chồng còn tích lũy kinh nghiệm học hỏi từ nhiều nơi để cải thiện chất lượng bánh. Qua thời gian, ông bà đã đến nhiều địa phương như Hưng Yên, Cần Thơ, Bắc Giang... trao đổi bí quyết, kết hợp công thức truyền thống của gia đình, giúp chất lượng bánh chưng và bánh giầy ngày càng nâng cao.
Vinh quang từ đôi tay khéo léo
Với đam mê và tay nghề tài hoa, gia đình bà Hoa đã giành được nhiều giải thưởng. Từ năm 2013, gia đình bà đại diện TP Chí Linh tham gia các cuộc thi gói bánh tại Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc và liên tục giành giải nhất mỗi năm. Năm 2019, bà Hoa được tỉnh Hải Dương công nhận là người gói bánh ngon nhất.
Đặc biệt hơn, gia đình bà 4 lần góp mặt đại diện cho Hải Dương tham gia và giành giải nhất giã bánh giầy tại Lễ hội Đền Hùng (vào các năm 2012, 2014, 2016 và 2018) đồng nghĩa với 4 lần được làm bánh dâng Vua Hùng.
Có năm gia đình đã vinh dự được dâng tới 18 chiếc bánh, khẳng định vị thế vững chắc trong nghề truyền thống. Những chiếc bánh của gia đình không chỉ phục vụ các lễ hội mà từ đó còn được nhiều người đặt mua để làm quà biếu, bán tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với gia đình cụ Dặm, gói bánh không chỉ là một nghề mà còn là trách nhiệm gìn giữ một nét đẹp văn hóa. Mỗi dịp Tết đến, con cháu trong gia đình lại quây quần bên nhau gói bánh. Dưới sự hướng dẫn của cụ Dặm và bà Hoa, thế hệ trẻ trong gia đình sớm được làm quen với nghề.
Cô cháu gái Dương Hà Linh dù mới 5 tuổi, đã khéo léo gói những chiếc bánh vuông vắn. Ông Dương Văn Bằng chia sẻ: "Mỗi chiếc bánh không chỉ là món ăn mà còn là niềm tự hào gia đình, truyền thống dân tộc. Nhìn các cháu gói bánh, tôi biết chúng tôi chắc chắn sẽ luôn giữ được lửa nghề”.
Hình ảnh cô bé nhỏ nhắn cẩn thận đặt từng chiếc lá dong, xếp từng nắm gạo, buộc từng sợi lạt là minh chứng rõ ràng nhất cho việc nghề truyền thống vẫn tiếp tục được nối truyền, giữ vững.
Không chỉ sản xuất để bán, mỗi mùa lễ hội hay sự kiện quan trọng, gia đình đều tự nguyện đóng góp những mẻ bánh ngon nhất để dâng lên tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính với những giá trị cội nguồn. Nhờ đó, dù xã hội có nhiều đổi thay, nghề làm bánh của gia đình vẫn không bị mai một mà ngày càng phát triển.
Với bề dày truyền thống cùng lòng yêu nghề sâu sắc, gia đình cụ Dương Văn Dặm chính là tấm gương sáng về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Những chiếc bánh chưng, bánh giầy không chỉ là món ăn quen thuộc mà còn là biểu tượng của lòng hiếu kính, của sự kết nối giữa các thế hệ, giữ gìn bản sắc Việt Nam.
VĂN TUẤNNguồn: https://baohaiduong.vn/mot-gia-dinh-4-lan-dai-dien-cho-hai-duong-lam-banh-dang-vua-hung-408368.html
Bình luận (0)