Một huyện của Đắk Lắk là điển hình nổi bật về giảm nghèo đa chiều, và đây là cách làm hay

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt20/02/2025

Krông Bông là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. Huyện đã trở thành điểm sáng trong giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững nhờ huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích nông dân xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề nông thôn có hiệu quả kinh tế tốt.


Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò chuyên nghiệp

Nuôi bò vỗ béo là chuyện không mới ở xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông bởi gần như nhà nào cũng nuôi từ 1-2 con bò, có hộ đầu tư nuôi quy mô lớn, với hơn 10 con. Nhưng thay vì mạnh ai nấy làm như trước đây, các hộ dân nơi đây đã "bắt tay" liên kết sản xuất.

Cách một huyện vùng sâu của Đắk Lắk

Chăn nuôi bò thâm canh trở thành mô hình hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở huyện vùng sâu Krông Bông.

Theo đó, Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò thâm canh xã Hòa Sơn được Hội Nông dân huyện vận động, định hướng thành lập với mục tiêu hỗ trợ các hộ chăn nuôi bò chuyển từ phương thức chăn thả hoặc bán chăn thả sang nuôi nhốt hoàn toàn để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tham gia vào mô hình, các thành viên thường xuyên được cập nhật thông tin, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… Những hộ nghèo, khó khăn được tạo điều kiện vay vốn để mua con giống và xây dựng chuồng trại.

Đến nay, Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò thâm canh đã liên kết được 22 thành viên tham gia, duy trì đàn bò gần 200 con. Việc liên kết trong chăn nuôi đã giúp các thành viên nâng cao thu nhập, yên tâm phát triển sản xuất…

Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, chia sẻ: "Tham gia liên kết chăn nuôi bò thâm canh, các thành viên hỗ trợ nhau rất nhiều, nhất là trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua kết nối, chia sẻ của các thành viên, sản phẩm đã được các thương lái, cơ sở gia chánh trong và ngoài địa bàn tìm đến thu mua tận nơi. Làm ăn hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, có hộ phát triển đàn bò lên đến 20-30 con, thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng/năm".

Giờ đây, người dân không dừng lại ở việc nuôi một vài con bò, mà đã cùng nhau liên kết chặt chẽ nhằm bảo đảm đầu ra, đầu vào, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi. Về lâu dài bà con còn dự định nuôi bò sinh sản để chủ động nguồn giống, giảm giá thành chăn nuôi.

Cách một huyện vùng sâu của Đắk Lắk

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền được xem là “chìa khóa” mở lối, chỉ đường thoát nghèo, phát triển kinh tế cho người dân ở huyện vùng sâu Krông Bông.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, Hội Nông dân huyện Krông Bông đã hướng dẫn thành lập được 5 tổ hội nghề nghiệp nông dân trồng dứa, dâu tằm và vải; 1 chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò thâm canh, 1 HTX dịch vụ nông nghiệp.

Thông qua các mô hình liên kết sản xuất đã giúp nông dân bước đầu hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị, tiếp cận thông tin, tìm kiếm thị trường cho các nông sản mà mình làm ra. Góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, từ đó các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được phát huy tích cực…

Tiếp cận đa chiều, phát huy nội lực

Vừa tiếp sức, vừa khơi dậy ý chí để người dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới là cách làm hiệu quả giúp huyện Krông Bông thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Điển hình là mô hình phát huy vai trò của các tổ dân vận tại các thôn, buôn; thành viên là các đồng chí trong cấp ủy, ban tự quản, chi hội trưởng các đoàn thể, già làng, người có uy tín. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", thành viên các tổ dân vận thôn, buôn đã chủ động tạo mối quan hệ mật thiết, gần gũi với người dân, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giảm nghèo bền vững.

Cách một huyện vùng sâu của Đắk Lắk

Người dân thôn thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk tăng thu nhập từ chuyển đổi trồng cây mì sang trồng dứa.

Trước đây, cuộc sống người dân thôn Ea Lang, xã Cư Pui phụ thuộc vào trồng lúa, sắn nên dù vất vả cũng chỉ đủ ăn. Để nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, những năm qua, tổ dân vận thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Dần dần, bà con hiểu và hưởng ứng tích cực. Đến nay, thôn Ea Lang đã chuyển đổi được hơn 15 ha sắn, ngô, đậu kém hiệu quả sang trồng cây dứa; trồng cỏ phát triển đàn trâu, bò gần 120 con; mở rộng diện tích cây keo lai…

Tiêu biểu như hộ ông Hoàng Văn Tiến, được cán bộ tổ dân vận thôn vận động và tạo điều kiện cho đi tham quan, học hỏi mô hình trồng dứa ở một số địa phương. Ông quyết định chuyển đổi 3 ha trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây dứa. 

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, sau một năm cây dứa đã cho thu hoạch, đem lại số lãi hơn 100 triệu đồng. Từ nguồn thu này, gia đình ông Tiến có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, mua sắm thêm được nhiều vật dụng, phương tiện có giá trị.

Ông Nguyễn Ngọc Pháp – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho biết huyện Krông Bông có hơn 107.000 dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 42%. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, địa phương xác định công tác truyền thông là yếu tố quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ các chính sách, nhằm tận dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để chủ động vươn lên thoát nghèo.

Cách một huyện vùng sâu của Đắk Lắk

Người dân xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, Đắk Lắk phát triển mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện gia đình.

Đồng thời, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Krông Bông tăng cường hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản về thông tin, việc làm, giáo dục, y tế, nước sạch…, tạo điều kiện cho người dân, nhất là hộ DTTS thoát khỏi tình trạng nghèo đói theo tiêu chí đa chiều, bao trùm.

Hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ DTTS về chính sách vay vốn, hỗ trợ các chi phí đào tạo nghề, đào tạo ngôn ngữ, các chi phí ăn, ở, đi lại…, tạo điều kiện cho người lao động giảm bớt gánh nặng khi đi xuất khẩu lao động.

Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 24,24% (bình quân mỗi năm giảm 3,67%). Quan trọng hơn là đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, nhất là hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.



Nguồn: https://danviet.vn/mot-huyen-cua-dak-lak-la-dien-hinh-noi-bat-ve-giam-ngheo-da-chieu-va-day-la-cach-lam-hay-20250216190057352.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available