Mỹ cáo buộc UAV Iran gây mất an toàn cho tàu sân bay

VnExpressVnExpress30/11/2023


Mỹ nói UAV Iran hành động thiếu chuyên nghiệp, gây mất an toàn khi bay cách tàu sân bay Eissenhower chỉ 1,5 km, thay vì 18,5 km như yêu cầu.

Phó đô đốc Brad Cooper, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ tại Trung Đông, hôm 29/11 cáo buộc máy bay không người lái (UAV) Iran áp sát tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower, có thời điểm giãn cách chỉ là 1,5 km, khi chiến hạm đang hoạt động ở Vùng Vịnh.

"Máy bay Iran phớt lờ nhiều nỗ lực liên lạc và cảnh báo, vi phạm thông báo hàng không, trong đó yêu cầu các phi cơ giữ khoảng cách tối thiểu 18,5 km so với tàu sân bay. Hành vi gây mất an toàn, thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm của họ đã đe dọa mạng sống của lính Mỹ và các nước đối tác. Iran cần lập tức chấm dứt điều này", ông nói.

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đi qua eo biển Hormuz hôm 26/11. Ảnh: US Navy

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đi qua eo biển Hormuz hôm 26/11. Ảnh: US Navy

Phó đô đốc Cooper khẳng định hải quân Mỹ sẽ duy trì cảnh giác, tiếp tục hoạt động ở "mọi nơi được luật pháp quốc tế cho phép" và thúc đẩy an ninh hàng hải trong khu vực.

Iran chưa bình luận về thông tin.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 28/11 công bố video được máy bay không người lái ghi lại trong lúc theo dõi nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D. Eisenhower của Mỹ đang di chuyển qua eo biển Hormuz trước đó hai ngày.

UAV Iran quần thảo trên đầu tàu sân bay Mỹ

UAV Iran theo dõi nhóm tàu chiến Mỹ trên eo biển Hormuz hôm 26/11. Video: Tasnim

Trong video, UAV Iran liên tục quần thảo bên trên nhóm tàu chiến Mỹ, gồm tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower, tàu tuần dương USS Philippine Sea, tàu khu trục USS Mason và USS Gravely. UAV Iran cũng quan sát được dàn máy bay trên sàn đáp và trực thăng đang hạ cánh xuống USS Dwight D. Eisenhower.

Chuẩn tướng Alireza Tangsiri, tư lệnh hải quân thuộc IRGC, nói rằng nhóm tàu sân bay đã "hồi đáp toàn bộ câu hỏi truy vấn" của Iran trước khi đi qua eo biển Hormuz. "UAV của chúng tôi liên tục bay phía trên và buộc trực thăng Mỹ hạ cánh. Họ cũng nhanh chóng chuyển hướng, di chuyển về phía nam vịnh Ba Tư khi phát hiện số lượng khí tài được IRGC triển khai", ông nói.

Quan hệ giữa Tehran và Washington trở nên căng thẳng kể từ năm 2018, khi tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới, trong đó Tehran chấp nhận hạn chế làm giàu uranium để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Vị trí vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz. Đồ họa: CSIS

Vị trí vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz. Đồ họa: CSIS

Lực lượng Iran và Mỹ từng xảy ra một số cuộc chạm trán trên biển. Hải quân Iran tháng trước tuyên bố đã cảnh báo máy bay trinh sát Mỹ ngoài vịnh Ba Tư, cũng như ép tàu ngầm hạt nhân USS Florida phải nổi lên khi đi qua eo biển Hormuz. Năm 2019, Tehran bắn hạ máy bay không người lái trị giá hơn 200 triệu USD của Washington với cáo buộc xâm phạm không phận miền nam Iran.

Vũ Anh (Theo AFP)



Source link

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Cần Thơ trong mắt tôi
Video 17 giây cảnh Măng Đen đẹp tới nỗi dân mạng nghi ngờ cắt ghép
Mỹ nhân phim giờ vàng gây sốt vì vai nữ sinh lớp 10 quá xinh dù chỉ cao 1m53
Tổng Bí thư Tô Lâm trải nghiệm Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

No videos available