Tỉnh Nam Định có hơn 1.360 di tích, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt; 88 di tích cấp quốc gia; 340 di tích cấp tỉnh; 5 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia; gần 100 làng nghề với các ngành nghề truyền thống lâu đời.
Bên cạnh đó, tỉnh có Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 245 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa cấp huyện, xã và hàng trăm lễ hội cấp thôn, làng.
Đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định cho biết: Trong những năm gần đây, tỉnh và ngành chức năng xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quốc tế.
Nam Định đã quan tâm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị đặc sắc, riêng có của hệ thống di sản văn hóa vật thể và di sản phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước trên Đài Truyền hình Việt Nam; đồng thời phối hợp sản xuất các chương trình, phóng sự giới thiệu về Nam Định phát trên các nền tảng số, kênh truyền hình cả nước.
Đáng chú ý là ngành văn hóa tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số hoá di sản văn hoá tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030; Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định và Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh Nam Định”.
Đơn cử, tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, đã ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động quản lý, kiểm kê, phân loại, bảo quản, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật, hướng tới xây dựng bảo tàng điện tử, mang lại những trải nghiệm mới cho khách tham quan.
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh đã trang bị máy tra cứu thông tin hiện vật 3D kết nối với phân hệ phần mềm không gian ảo; trên 4.800 hiện vật được số hóa bằng phần mềm chuyên dụng; 500 hiện vật trưng bày và 700 ảnh không gian trong và ngoài bảo tàng được số hóa theo công nghệ 3D.
Trang thông tin điện tử Bảo tàng tỉnh Nam Định (baotangtinhnamdinh.vn) còn tích hợp ứng dụng tham quan bảo tàng ảo 3D, cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như: Facebook, twitter, zalo, instagram… nhằm lan tỏa, phổ biến rộng rãi thông tin, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ đối với lịch sử, văn hóa dân tộc.
Cũng theo đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định: Để bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; tỉnh đã xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030”.
Tỉnh tạo điều kiện để Hội Bảo vệ và phát huy giá trị “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở tỉnh Nam Định được thành lập, với sự tham gia của 300 hội viên và 4 chi hội tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Nam Trực; thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá di sản, tiêu biểu như: tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng hát văn, dạy nhạc cụ dân tộc; sưu tầm và hiến tặng các tài liệu, tư liệu về di sản; tổ chức giao lưu thực hành nghi lễ để các hội viên gặp gỡ chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; giúp đỡ và hỗ trợ cho các di tích liên quan đến thực hành di sản; quan tâm hướng dẫn cho các thành viên thực hành di sản nhận thức đúng về bản chất và giá trị của di sản, không phô trương, không lợi dụng để làm sai lệch giá trị, ý nghĩa của di sản.
Ở tỉnh Nam Định, Quần thể di tích lịch sử-văn hoá Phủ Dầy và Lễ hội Phủ Dầy nằm trên địa bàn huyện Vụ Bản, là một trong những không gian thực hành trải nghiệm di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cho cộng đồng của tỉnh Nam Định; ngày càng khẳng định được vị thế và trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Hà Lan Anh: Để bảo tồn, phát huy giá trị của Quần thể di tích lịch sử-văn hoá Phủ Dầy và Lễ hội Phủ Dầy, tỉnh chỉ đạo nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng nhân dân làm chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích và thực hành các nghi thức đối với di sản văn hóa phi vật thể, tránh những biểu hiện sai lệch, biến tướng; bảo đảm tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và du khách tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa tâm linh, giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng.
Đến nay, Lễ hội Phủ Dầy vẫn giữ được quy mô, xứng đáng là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Nam Định cũng như mang tầm quốc gia.
Được biết, thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc bảo vệ, phát huy, làm giàu thêm giá trị di sản văn hóa, không chỉ đơn thuần là giữ gìn tinh hoa của ông cha bao đời trao truyền lại, mà còn nhằm góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; góp phần phát triển con người toàn diện và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: https://nhandan.vn/nam-dinh-bao-ve-phat-huy-lam-giau-them-gia-tri-di-san-van-hoa-post881223.html
Bình luận (0)