|
Rừng trồng năm thứ nhất của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn phát triển tốt. |
Trước thời điểm sáp nhập, tỉnh Bắc Kạn (cũ) có kế hoạch trồng 3.500ha rừng trồng với cơ cấu cây giống chủ yếu là keo, mỡ, quế, hồi, thông, xoan…; tỉnh Thái Nguyên là 3.500ha với loài cây chủ yếu là keo (chiếm tới 60-70%), còn lại là mỡ, quế và một số loại cây trồng khác.
Sau khi sáp nhập, diện tích trồng rừng mới tại khu vực này được đánh giá còn nhiều dư địa mở rộng. Nhờ tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cá nhân bám sát thời vụ, tính đến hết tháng 6, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch rừng trồng mới, dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng do thời tiết thời gian qua thuận lợi cho việc trồng và chăm sóc cây rừng.
Năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn có kế hoạch trồng 562ha rừng tập trung. Đến thời điểm này, đơn vị hoàn thành 150ha. Cơ cấu giống chủ yếu vẫn là các loài cây quen thuộc như keo, mỡ, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ. Diện tích còn lại đang được khẩn trương xử lý thực bì, cuốc hố và tiếp tục trồng trong điều kiện thời tiết phù hợp.
Ông Vũ Đình Vinh, Trưởng Phòng Kỹ thuật quản lý và bảo vệ rừng của Công ty, cho biết: Toàn bộ diện tích rừng trồng năm nay được Công ty hợp đồng liên kết với 3 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Nông nghiệp và Du lịch Ba Bể; Công ty CP Đầu tư và Chế biến lâm sản Bắc Kạn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Vina Wood.
Các đơn vị cam kết đảm bảo chất lượng giống, quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Trong quá trình thực hiện, Công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng cây trồng, đến nay cơ bản các diện tích đều sinh trưởng tốt. Các doanh nghiệp kịp thời bổ sung, tra dặm cây chết do ảnh hưởng thời tiết, đặc biệt là các đợt nắng nóng kéo dài vừa qua, ông Vinh cho biết.
|
Công nhân kỹ thuật Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn kiểm tra giống cây mới trồng. |
Việc ký kết hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại lợi ích lâu dài, giúp nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình trồng, chăm sóc và khai thác rừng. Đồng thời, mô hình này đang hướng đến mục tiêu tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng cao, đủ điều kiện cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), từ đó nâng cao giá trị trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Ông Vũ Đình Vinh nhấn mạnh thêm: Muốn trồng rừng hiệu quả, điều đầu tiên là phải kiểm soát tốt chất lượng cây giống. Giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn. Việc trồng cây phải đảm bảo đúng thời vụ. Với cây keo, mỡ nên trồng từ tháng 1 đến tháng 6; các cây như quế, hồi, thông thì có thể kéo dài đến tháng 8. Ngoài ra, cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu xử lý thực bì, cuốc hố đúng khoảng cách, đến việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh.
Thực tế cho thấy công tác trồng rừng trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn. Năm nay, theo phản ánh của người dân, thời tiết nắng nóng khô hạn kéo dài trong tháng 3, tháng 4 là nguyên nhân khiến nhiều diện tích cây trồng bị chết héo, đặc biệt là những diện tích trên đồi cao, phụ thuộc phần lớn vào nước mưa.
Nhiều hộ dân phải mua cây giống tra dặm lại nhiều lần. Khó khăn nữa là nguồn cây năm nay khá khan hiếm, giá thành khá cao so với mọi năm, không ít hộ dân phải đi tìm mua cây giống ở tỉnh ngoài về trồng bổ sung.
|
Ông Vũ Ngọc Tứ, thôn Sáu Hai, xã Thanh Thịnh, tra dặm lại cây keo lần 2 do trước đó nhiều cây bị chết héo. |
Ông Vũ Ngọc Tứ ở thôn Sáu Hai, xã Thanh Thịnh, cho biết: Tôi trồng khoảng 1ha keo, nhưng do thời tiết nắng hạn, cây chết nhiều, đồi nhà tôi mất tới 60% cây giống tương đương 600 cây, bây giờ đã tra dặm lại lần 2. Hơn nữa giá cây giống vụ này đắt gấp đôi so với năm trước. Không chỉ tôi mà nhiều hộ trồng rừng cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Trong bối cảnh thời tiết ngày càng biến đổi thất thường, việc trồng rừng đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, thích ứng linh hoạt với điều kiện khí hậu. Chủ động nắm bắt thông tin dự báo thời tiết, lựa chọn thời điểm trồng phù hợp, ưu tiên những ngày mát mẻ, có mưa… đã trở thành nguyên tắc quan trọng, góp phần giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư trồng rừng.
Song song với đó, vai trò của ngành chức năng trong việc kiểm tra chất lượng cây giống, bình ổn giá cả thị trường cũng hết sức cần thiết, giúp người dân yên tâm sản xuất và gắn bó bền lâu với nghề rừng.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/nang-cao-hieu-qua-phat-trien-rung-1ef1b35/
Bình luận (0)