Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng tầm sản phẩm OCOP, góp phần đa dạng đặc sản với tôm, cá sấy khô

Tận dụng nguồn nguyên liệu cá, tôm dồi dào của xứ biển Kiên Giang, bà Phạm Thị Bạch Thủy, ngụ đường Võ Trường Toản, khu phố Rạch Giồng, phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) chế biến thành sản phẩm khô thơm ngon, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần đa dạng đặc sản Kiên Giang trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ02/04/2025

Bà Phạm Thị Bạch Thủy giới thiệu về dây chuyền sản xuất tôm sấy cán cay của gia đình.

Năm 2000, bà Thủy từ TP Cần Thơ theo chồng về TP Rạch Giá, một gia đình có truyền thống làm tôm khô và nước mắm lâu đời. Gác lại đam mê với nghề thợ trang điểm, bà bắt đầu làm quen với nghề làm khô, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.

Nhận thấy Kiên Giang được thiên nhiên ưu đãi với nguồn hải sản phong phú, năm 2005, vợ chồng bà Thủy quyết định mở một cơ sở chế biến khô cá cơm. Đến năm 2006, cơ sở dần dần mở rộng, ngoài bán nội địa còn gia công xuất khẩu đi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. "Thời điểm đó, việc sản xuất sản xuất chủ yếu dựa trên nhu cầu của khách hàng, chỉ cần màu sắc đẹp, có lợi nhuận là làm. Đến năm 2010, khi hợp tác với một doanh nghiệp xuất hàng đi châu Âu, tôi lại tự đặt câu hỏi: "Mình làm hàng chất lượng để xuất khẩu, tại sao không làm sản phẩm sạch để phục vụ người dân nước mình?". Từ đó, tôi quyết định thay đổi hướng sản xuất, chú trọng hơn về an toàn thực phẩm".

Một lần ghé cảng Tắc Cậu (huyện Châu Thành), bà Thủy thấy cá lìm kìm tươi được tập kết rất nhiều nhưng phần lớn chỉ được dùng làm cá phân hoặc thức ăn chăn nuôi. Cảm thấy tiếc cho nguồn nguyên liệu này, bà Thủy quyết định mua về chế biến cá khô. Khi thành phẩm ra đời, bà nhận thấy rằng cá lìm kìm khô có hương vị thơm ngon đặt biệt. Tuy nhiên, bài toán nan giải là đầu ra, không ai biết đến sản phẩm này. Không bỏ cuộc, bà Thủy đem hàng ký gửi tại các sạp bán cá khô ở Rạch Giá và các tỉnh lân cận, rồi lặn lội lên quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) để chào hàng. Dù vậy, phải đến 2010, một công ty xuất khẩu tự tìm đến cơ sở đặt hàng gia công khô cá lìm kìm, cá mai. Từ đó, sản phẩm này mới dần dần được sản xuất số lượng lớn.

Năm 2015, trong một lần về huyện An Biên, An Minh ăn đám giỗ, bà Thủy thấy người dân nuôi tôm trúng mùa nhưng lại không bán được. Những con tôm nuôi theo quy trình quảng canh, chỉ ăn thức ăn tự nhiên trong ruộng lúa khiến bà trăn trở, làm sao để tận dụng nguồn nguyên liệu quý giá này. Trải qua nhiều lần sấy tôm đầu tay thất bại, suốt hơn một năm thử nghiệm bà Thủy đã hoàn thiện quy trình chế biến tôm sấy cán cay. Suốt 4 năm liền sản phẩm chỉ để tặng và lắng nghe góp ý, đến khi được nhận nhiều lời khen ngợi và sự ủng hộ, bà mới thật sự tự tin đưa ra tôm sấy cán cay ra thị trường.

"Nhận thấy tiềm năng phát triển, tôi đầu tư hàng tỉ đồng vào dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, máy móc chỉ là yếu tố hỗ trợ, còn mấu chốt để làm nên chất lượng tôm sấy nằm ở nguồn nguyên liệu", bà Thủy cho biết. Phải là con tôm thẻ hoặc tôm sú nuôi quảng canh tại vùng sinh thái mặn 2 huyện An Biên, An Minh mới cho ra món tôm sấy cán cay có độ dai, thơm ngon và không bị nát khi cán. Ngoài ra nhiệt độ sấy và kỹ thuật cán tôm đòi hỏi người thợ cán tay nghề phải đủ "cứng" mới tạo ra sản phẩm đạt chuẩn giữ được độ ngọt tự nhiên của tôm mà không cần đến chất điều vị hay chất bảo quản.

Mỗi mẻ tôm sấy cán cay phải trải qua 6 công đoạn và mất 12 giờ chế biến liên tục từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới hoàn tất đóng hộp. Tôm tươi sau khi rửa sạch lột vỏ, cắt đầu, lấy chỉ, ướp gia vị, muối đá 24 giờ để thấm đều trước khi đưa vào lò sấy điện. Công đoạn sấy gồm hai giai đoạn, sấy ở 115 độ C trong 1 giờ sau đó hạ xuống 40 độ C để giữ độ ngọt tôm tự nhiên trước khi đưa qua hệ thống nướng nhiệt cán mỏng. Năm 2024, tôm sấy cán cay mang thương hiệu Thái Thủy trở thành mặt hàng tiêu thụ mạnh luôn trong tình trạng "cháy hàng".

Với sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, tháng 7-2024, Công ty TNHH Một thành viên Thái Thủy có 4 sản phẩm được UBND TP Rạch Giá phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao gồm cá lìm kìm sấy, cá cơm sấy, tôm sấy cán cay và tôm khô; được ngân hàng hỗ trợ vay 5 tỉ đồng đầu tư máy móc, nguyên liệu sản xuất. 

Bài, ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nang-tam-san-pham-ocop-gop-phan-da-dang-dac-san-voi-tom-ca-say-kho-a185049.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm