Làm các cầu phao bao quanh khu vực bến sông đình vừa bảo vệ cá, vừa làm lối đi cho khách tham quan tại tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Đàn cá được chính quyền địa phương và người dân cung cấp thức ăn nên kéo đến ngày càng đông. Địa phương lập Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự gồm đại diện các đoàn thể ở phường như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… cùng người dân trông chừng đàn cá.
Tổ cộng đồng dùng chà tre rào quanh bến sông, thả lục bình cho cá trú ngụ; lắp camera giám sát khu vực, bố trí người trực đêm canh chừng người đến đánh bắt.
Ngành chức năng cũng thông báo nghiêm cấm khai thác thủy sản trái phép dưới mọi hình thức tại khu vực chiều dài đoạn sông khoảng 3km nơi đàn cá đang ở.
Công tác dân vận khéo giúp người dân địa phương hiểu được ý nghĩa bảo tồn nguồn lợi thủy sản nên họ cùng tích cực tham gia canh đàn cá, góp thức ăn cho cá. Địa phương còn linh hoạt mở điểm du lịch cho du khách đến tham quan, cho cá ăn, từ đó tuyên truyền cho du khách ý thức bảo vệ cá sông.
Mô hình gây được sự chú ý, bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt, mùa nước nổi về vùng châu thổ thất thường, tác động tiêu cực đến sự di cư, sinh sản của tôm cá. Cùng với đó, vấn nạn đánh bắt cá tràn lan bằng xiệc điện, lưới cào khiến miền tây, từng nổi tiếng là vùng lúa-cá, đang sụt giảm nghiêm trọng nguồn cá tự nhiên.
Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 được phê duyệt từ năm 2024 đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU;...
Thời gian qua, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ thả cá giống bản địa, cá quý hiếm về sông ngòi nhằm tái tạo nguồn thủy sản tự nhiên, nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
Mô hình hay của phường Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã gợi mở cho các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, tùy theo điều kiện, vị trí địa lý, thành lập tổ cộng đồng, hương ước xanh bảo vệ loài cá và tạo cho chúng có không gian sống, sinh sôi. Cá mẫn cảm với nguồn nước ô nhiễm nên nơi nào có cá sông sống thành bầy, thì nơi đó người dân an tâm hơn về nguồn nước sạch.
Chuyện bảo tồn cá tự nhiên trước đây cũng được nhiều nơi thực hiện, điển hình như năm 2000 các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ đã xây khu bảo tồn cá tự nhiên ở rạch Ngã Ngay.
Ban đầu, người dân phản đối dự án nhưng sau thời gian dài họ ngỡ ngàng nhận ra cá tự nhiên kéo đến rạch ngày càng đông, bơi từng bầy nhởn nhơ. Cái hay của dự án là khơi gợi cho người dân sự hòa hợp với thiên nhiên, nông dân có đồng ruộng gần rạch Ngã Ngay thay đổi canh tác, làm lúa sạch. Nước thải từ ruộng chảy ra rạch không mang theo lượng phân bón, thuốc trừ sâu dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước dùng trong sinh hoạt, xua đuổi đàn cá.
Tại tỉnh An Giang ven sông Hậu, sông Tiền, các kinh rạch ven sông lớn có nhiều đàn cá đến bến sông của người dân trú ngụ. Chủ bến sông không đuổi hay đánh bắt, như phát tín hiệu truyền dẫn thu hút cá đến. Đáng tiếc, một số địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ cá dẫn đến người dân kéo đến đánh bắt, chủ cá không thể ngăn chặn nên sau cùng đàn cá bị câu, bị dính lưới nên hoảng sợ bỏ đi. Điều này cho thấy việc gây dựng đàn cá tự nhiên không khó, quan trọng là làm thế nào để tạo sự liên kết tạo môi trường sống an toàn cho chúng.
Sự chung sức, chung lòng của cộng đồng và quan trọng nhất tuyên truyền để người dân hiểu, không đánh bắt tận diệt, bảo vệ cá sông sẽ bảo quản một nguồn lợi cho thế hệ mai sau.
Nguồn: https://baolangson.vn/net-dep-van-hoa-ung-xu-voi-thien-nhien-5053575.html
Bình luận (0)