Du lịch được tỉnh Quảng Ninh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh. Với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 14% trong năm 2025, ngành Du lịch xác định trọng tâm năm nay là tăng mức chi tiêu bình quân của khách du lịch. Bên cạnh phát huy các thế mạnh sẵn có, du lịch Quảng Ninh tập trung khai thác các dư địa phát triển, thúc đẩy khai thác các sản phẩm chất lượng cao theo hướng bền vững, hướng tới nguồn khách quốc tế có mức chi tiêu cao.
Đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh, ngành Du lịch đặt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách (cả nước 142-153 triệu lượt), trong đó khách quốc tế là 4,5 triệu lượt, chiếm khoảng 19-20% tổng khách du lịch quốc tế cả nước (cả nước 22-23 triệu lượt), doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2024 (doanh thu 46.550 tỷ đồng), tương đương với mức chi tiêu bình quân là 2,75 triệu đồng/lượt khách (tăng 300.000 đồng/lượt khách so với năm 2024). Mục tiêu trên được xác định là thách thức đối với ngành Du lịch Quảng Ninh khi số lượng khách chỉ tăng 1 triệu lượt so với năm 2024 nhưng doanh thu của ngành du lịch phải tăng 18,1% so với năm 2024, tương đương tăng thêm 8.450 tỷ đồng.
Do vậy, trọng tâm của ngành Du lịch trong năm 2025 là các giải pháp nhằm tăng mức chi tiêu bình quân của khách du lịch, chú trọng nguồn khách quốc tế có mức chi tiêu cao, qua đó tăng tổng doanh thu dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, chuyển đổi hình thức phát triển từ du lịch đại chúng sang du lịch bền vững; phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư phát triển thêm các sân golf để phát triển du lịch đẳng cấp cao, du lịch 4 mùa,… từ đó, kéo dài thời gian lưu trú khách du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm.
Ngay trong dịp đầu năm 2025, Quảng Ninh đã đón nhóm khách triệu phú trải nghiệm tour du lịch riêng được xây dựng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lịch trình, phương tiện di chuyển, các khu vực, hoạt động trải nghiệm riêng biệt tại vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Đây là nhóm triệu phú, tỉ phú thế giới đầu tiên mở đầu cho việc khai thác và đón dòng khách siêu sang đến du lịch Quảng Ninh.
Cùng với nỗ lực chuyển đổi hình thức phát triển từ du lịch đại chúng sang du lịch bên vững, các địa phương, việc xúc tiến thu hút các nhà đầu tư phát triển thêm các sản phẩm du lịch đẳng cấp cao cũng được chú trọng. Không chỉ kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm; đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch 4 mùa, phát triển kinh tế di sản làm động lực tăng trưởng mới cho du lịch.
Từ đầu năm đến nay, TP Hạ Long trở thành điểm đến hấp dẫn được các tỷ phú, giới siêu giàu Ấn Độ yêu thích với thiên nhiên tươi đẹp, vị trí thuận lợi và các dịch vụ du lịch đẳng cấp. Đặc biệt, Hạ Long sở hữu các khu nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn như FLC Hạ Long, Premier Village Halong Bay Resort, Vinpearl Hạ Long Resort, khách sạn Mường Thanh Luxury Hạ Long Centre…; nhiều hoạt động vui chơi đẳng cấp, nhất là hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế. Tại TP Hạ Long có 2 sân golf FLC và sân golf Tuần Châu được đánh giá hàng đầu châu Á. Các sân golf đều có thiết kế độc đáo với tầm nhìn ra vịnh di sản, tạo nên những trải nghiệm khác biệt. Dịch vụ khai thác tài nguyên thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hoá vùng cao, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm đang được đầu tư mạnh mẽ, mang đến sự hấp dẫn cho du khách.
Đặc biệt, Quảng Ninh còn sở hữu Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là cảng tàu chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam có khả năng đón các du thuyền lớn và hiện đại bậc nhất thế giới đến với vịnh Hạ Long. Trong năm 2025, Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung đón khoảng 60 chuyến tàu biển quốc tế, đưa hơn 90.000 khách với nhiều quốc tịch khác nhau đến Hạ Long. Các tàu khách cập cảng trong năm nay thuộc nhiều thương hiệu lớn và nổi tiếng thế giới, như: Mein Schiff 6 và 5, Celebrity Solstice, Noordam, MSC Splendida, Westerdam…
Tỉnh đang phát huy tối đa hệ thống giao thông đồng bộ, cùng điểm đến đa dạng trải nghiệm từ biển đảo, văn hoá, tâm linh, nghỉ dưỡng đến vùng cao, biên giới…, hệ thống nhà hàng, khách sạn 4-5 sao cao cấp, phong phú, để từ đó xây dựng và tổ chức các sự kiện, hoạt động lớn trong nước cũng như quốc tế. Năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục để lại dấu ấn khi có gần 200 chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch và thể thao đặc sắc được tổ chức thành công, góp phần lan tỏa hình ảnh, vị thế của tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Năm 2025, Quảng Ninh lên kế hoạch đón 200 tỷ phú thế giới đến Vịnh Hạ Long vào giữa năm 2025 bằng du thuyền cá nhân, để tham gia sự kiện “Nghệ thuật vì khí hậu - Vịnh Hạ Long 2025”. Theo Ban tổ chức, dự kiến có khoảng 80.000 người tham gia sự kiện, gồm các nhà hoạch định chính sách, quản lý địa phương, các nghệ sĩ, nhà hoạt động vì môi trường, nhà đầu tư, sinh viên và rộng rãi thành phần trong cộng đồng.
Ngay từ đầu năm, du lịch Quảng Ninh đã sôi động. Tháng 1/2025, Quảng Ninh đón 1,25 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 400.000 lượt. Riêng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các điểm đến trong tỉnh đón lượng khách tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch hơn 2.600 tỷ đồng, tăng trưởng 71% so với cùng kỳ, lọt top 3 địa phương doanh thu du lịch đạt nghìn tỷ, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Liên tiếp những tín hiệu tích cực khởi đầu cho một năm du lịch Quảng Ninh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.
Trong thời gian tới, ngành Du lịch Quảng Ninh tập trung vào cơ sở hạ tầng sang trọng, trải nghiệm độc đáo và dịch vụ được cá nhân hóa, như việc tỉnh đang khẩn trương đưa vào khai thác 3 bãi tắm Soi Sim, Hang Cỏ, Trinh Nữ trên vịnh Hạ Long, cũng như xác định 7 khu vực đảo hoang sơ và bãi tắm dành cho phân khúc khách tỉ phú, siêu sang thuộc 1% dân số thế giới. Đồng thời, nâng cao trải nghiệm du lịch thông qua kết nối dịch vụ du thuyền riêng đến các đảo gần đó hoặc dịch vụ đưa đón bằng trực thăng; cung cấp các trải nghiệm văn hóa theo yêu cầu; đáp ứng các tiện nghi chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới như spa toàn diện với các phương pháp trị liệu truyền thống của Việt Nam.
Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Một trong những mục tiêu dài hạn của ngành Du lịch là tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư hình thành hệ sinh thái, sản phẩm du lịch sang và siêu sang. Năm 2025, ngành Du lịch tiếp tục thu hút phân khúc khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, khách MICE, golf, du lịch cưới thông qua việc đầu tư các sản phẩm du lịch mới, triển khai kế hoạch phát triển du lịch cưới, MICE, golf… Đồng thời, ngành đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch quốc tế, trong đó mở rộng đến các thị trường quốc tế tiềm năng, trọng điểm; phát huy vai trò chủ động của hiệp hội du lịch, các hội thành viên trong liên kết kết nối chuỗi cung ứng, kết nối hợp tác quốc tế, trao đổi nguồn khách…
Nguồn
Bình luận (0)