Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Huy Văn xung quanh công tác cải cách hành chính ngành Giáo dục.
Ông Phạm Huy Văn |
* Để phát huy hiệu quả cải cách hành chính của ngành Giáo dục, những năm qua, Sở GD&ĐT đã áp dụng những giải pháp, sáng kiến nào, thưa ông?
- Hằng năm, ngành Giáo dục đều áp dụng các biện pháp nâng cao tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GD&ĐT, như: Biện pháp cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công của ngành Giáo dục tỉnh; số hóa dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về thông tin văn bằng chứng chỉ của Sở GD&ĐT cấp phát và quản lý. Ngành Giáo dục ứng dụng Google Form và mã QR để triển khai phiếu khảo sát trực tuyến sự hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính liên thông phi địa giới và dịch vụ công không sử dụng hồ sơ; biện pháp tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính; biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của Sở GD&ĐT...
* Trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, Sở GD&ĐT có thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác?
- Sở GD&ĐT tiến hành kiểm tra cải cách hành chính hằng năm với hơn 30% đơn vị trực thuộc. Trong đó, sở đánh giá tác động của công tác kiểm tra đến sự chuyển biến trong triển khai cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị thông qua kiểm tra những vấn đề còn tồn tại mà đoàn kiểm tra nêu ra, qua đó đề nghị các đơn vị khắc phục kịp thời, triệt để các hạn chế. Mỗi năm, Sở GD&ĐT tổng kết quán triệt, rút kinh nghiệm, nhờ đó chất lượng công tác cải cách hành chính của Sở GD&ĐT ngày càng tốt hơn, đi vào thực chất hơn. Nhiều nội dung tạo được sự chuyển biến rõ rệt nhờ hoạt động kiểm tra như: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến, hồ sơ không giấy được nâng lên nhờ công tác hướng dẫn ở bộ phận hành chính các đơn vị trực thuộc không ngừng được quan tâm cải tiến… Đến nay tỉ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 100%.
* Thưa ông, qua 5 năm triển khai các nội dung cải cách hành chính trong giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục đã đạt được kết quả như thế nào và có những nội dung nào nổi bật?
- Qua triển khai nội dung cải cách hành chính, ngành Giáo dục đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Hằng năm, sở ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo các quy định của tỉnh. Trong kỳ báo cáo đã tiến hành rà soát 82 thủ tục hành chính, tham mưu UBND tỉnh đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết đối với 6 thủ tục hành chính. Sở GD&ĐT cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Đến nay, kết quả tỉ lệ này đạt 100%, hồ sơ được trả trước và đúng hẹn, đảm bảo đem lại sự hài lòng cho người dân. Tỉ lệ hài lòng được đánh giá trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đến thời điểm hiện tại đạt 100%.
Thời gian tới, sở tiếp tục triển khai thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo đạt tỉ lệ 100% theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Đặc biệt, việc đưa vào thực hiện hình thức không giấy đối với 3 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đã đem lại những phản hồi tích cực. Người dân không cần phải khai báo, in ấn bất kỳ giấy tờ nào, chỉ cần có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thông qua số căn cước công dân và vài bước thao tác đơn giản đã có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nhà.
Trong quá trình triển khai cải cách hành chính, nổi bật nhất là trong năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục phổ thông triển khai sổ điểm điện tử để quản lý, theo dõi và đánh giá học sinh; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi học bạ điện tử sang học bạ số chính thức đối với cấp tiểu học. Hiện ngành Giáo dục đang thí điểm chuyển từ học bạ điện tử sang học bạ số cấp THCS đối với khối lớp 6, THPT và giáo dục thường xuyên đối với khối lớp 10 và thực hiện cuốn chiếu cho những năm tiếp theo.
Tổ tư vấn hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh nghiên cứu các thao tác để hướng dẫn người dân. Ảnh: CẨM HƯỜNG |
* Trong quá trình triển khai, ngành Giáo dục gặp khó khăn gì, thưa ông?
- Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình cải cách hành chính, ngành Giáo dục cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, tỉ lệ thủ tục phát sinh hồ sơ đối với thủ tục hành chính toàn trình còn tập trung ở số ít thủ tục. Nguyên nhân do đặc thù của ngành, địa phương có nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GD&ĐT khó phát sinh hồ sơ. Chẳng hạn các thủ tục liên quan đến thành lập các trường (ở các bậc học), văn phòng đại diện... có yếu tố nước ngoài.
Ngoài ra, việc đồng bộ dữ liệu trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tỉnh gặp khó khăn khi cần tra cứu dữ liệu giai đoạn từ năm 2021-2023, thời điểm trước tháng 7/2024. Hiện trên hệ thống mới không tra cứu được kết quả giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn này để tiến hành số hóa và lưu trữ vào kho theo quy định. Việc lưu trữ kết quả số hóa thủ tục hành chính chỉ được thực hiện từ năm 2025 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, thời gian trước đó kết quả giải quyết thủ tục hành chính chưa có nơi để lưu trữ dẫn đến chưa khai thác hết hiệu quả, ý nghĩa của công tác này…
Sở GD&ĐT cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Đến nay, hồ sơ trực tuyến đạt tỉ lệ 100%; tiếp tục triển khai thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo đạt tỉ lệ 100% theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính 100% hồ sơ được trả trước và đúng hẹn, đảm bảo đem lại sự hài lòng cho người dân.
Giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh hướng dẫn học sinh thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công. Ảnh: TRUNG HIẾU |
* Thời gian tới, ngành Giáo dục có những giải pháp trọng tâm nào trong cải cách hành chính để mang lại hiệu quả cao hơn?
- Từ kết quả đạt được trong cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện 6 nội dung trong cải cách hành chính giai đoạn 2026-2030. Trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GD&ĐT trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Phú Yên; đảm bảo giữ vững tỉ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 100%. Tổ chức thực hiện phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Sở GD&ĐT cho các đơn vị sau sáp nhập. Tăng cường các giải pháp phù hợp để tăng số lượng các đơn vị tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên trên cơ sở thực tế đảm bảo đạt hiệu quả.
Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng sẽ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong đó tiếp tục phối hợp với Viettel Phú Yên để hoàn tất xây dựng liên kết dữ liệu về văn bằng chứng chỉ trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và website Sở GD&ĐT, cũng như chuyển toàn bộ dữ liệu tra cứu về văn bằng chứng chỉ có liên quan…
* Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://baophuyen.vn/giao-duc/202505/nganh-giao-duc-phat-huy-hieu-qua-cai-cach-hanh-chinh-d817b09/
Bình luận (0)