Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghệ An chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc quan tâm, chăm lo xây dựng và phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đã góp phần làm cho đội ngũ này thêm tin tưởng, chung sức cùng chính quyền, tích cực tham gia hoạt động tại cơ sở, động viên nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An03/04/2025

Điểm tựa của bản làng

Những năm gần đây, đời sống của bà con người Thái ở bản Tân Hợp, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) đã có nhiều khởi sắc, nhiều tuyến đường đã được rải nhựa và bê tông, có thêm nhiều ngôi nhà kiên cố.

Những đồi chè, đồi keo xanh mướt mang lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định, các gia đình yên tâm làm ăn, sản xuất. Sự khởi sắc này là kết quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của già làng Kha Dương Tuyên (SN 1965), người có uy tín, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.

bna_1(1).jpg
Người dân xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) có nguồn thu nhập ổn định từ cây chè nguyên liệu. Ảnh: Công Kiên

Từ năm 2006 – 2009, các gia đình thuộc bản Tân Hợp lần lượt chuyển từ vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) về khu tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Ban đầu, cuộc sống còn bộn bề khó khăn, thiếu lương thực, việc làm, gần như không có nguồn thu nhập, nhiều người phải trở lại quê cũ tìm kế sinh nhai.

Để giúp người dân ổn định cuộc sống, huyện và xã chủ trương phát triển cây chè nguyên liệu và cây keo. Với vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã và người có uy tín của bản, ông Kha Dương Tuyên đã tích cực vận động bà con bám đất, bám đồi để trồng và chăm sóc các loại cây nguyên liệu này.

“Ban đầu, phần lớn bà con không mặn mà với cây chè và keo, vì tốn nhiều công chăm sóc, thời gian đợi thu hoạch quá lâu, trong khi quê cũ làm rẫy nhanh có thu hoạch. Tôi đã kiên trì đến từng nhà vận động, dùng lý lẽ để thuyết phục, cuối cùng bà con nhận thấy được cái lợi lâu dài và quyết tâm chuyển đổi”, ông Tuyên cho biết.

Một thời gian sau, vườn, đồi ở Tân Hợp được phủ kín bằng màu xanh của chè và keo, đến nay diện tích cây chè đã lên mức hơn 55 ha, cây keo hơn 92 ha. Nhờ đó, hơn 210 hộ trong bản đã có nguồn thu nhập ổn định, con trẻ đến tuổi đi học đều được đến trường. Hiện bản có 17 em học THCS, 16 em học THPT và 4 em đang theo học đại học.

bna_2(1).jpg
Ông Kha Dương Tuyên (giữa) trao đổi với lãnh đạo xã Ngọc Lâm. Ảnh: Công Kiên

Ông Lô Búa Khăm – Trưởng bản Tân Hợp cho biết: “Với uy tín của mình, ông Kha Dương Tuyên không chỉ tham gia vận động nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống mà còn tuyên truyền đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Qua đó, xây dựng bản làng bình yên, sạch đẹp và ngày càng văn minh”.

Từ Tân Hợp, chúng tôi sang bản Tân Lâm gặp ông Lô Thiên Phúc (SN 1954), người có uy tín của bản. Từng là Chủ tịch UBND xã Luân Mai (cũ) huyện Tương Dương và có nhiều năm làm Bí thư Chi bộ bản Tân Hợp nên ông Phúc hiểu rõ cuộc sống và nếp nghĩ, cung cách làm ăn của mỗi gia đình.

bna_4(1).jpg
Ông Kha Dương Tuyên chăm sóc vật nuôi. Ảnh: Công Kiên

Cũng như ông Tuyên, ông Phúc được ghi nhận trong việc vận động nhân dân phát triển diện tích cây chè, cây keo, từng bước ổn định đời sống kinh tế, đưa mức thu nhập trung bình lên hơn 40 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, ông Phúc còn có thành tích vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trong 10 năm liên tục (từ 2011 - 2020), bản không có người sinh con thứ ba trở lên. Khi các cặp vợ chồng sinh ít con sẽ có điều kiện để tập trung phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho các con được học đến nơi đến chốn.

bna_5(1).jpg
Ông Lô Thiên Phúc (phải) trao đổi với lãnh đạo xã Ngọc Lâm. Ảnh: Công Kiên

Toàn xã hiện có 6 người được bầu là người có uy tín trong cộng đồng. Đội ngũ người có uy tín là điểm tựa của mỗi bản làng, hỗ trợ đắc lực cho Ban quản lý các bản cũng như lãnh đạo xã trong việc vận động nhân dân phát triển kinh tế, ổn định xã hội và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước”.

Ông Vi Văn Tuyến – Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm

Quan tâm chăm lo những “cây đại thụ”

Hiện nay, toàn tỉnh có 983 người có uy tín, họ được xem là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của các bản làng. Với uy tín và ảnh hưởng của mình, đội ngũ già làng, người có uy tín thực sự là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đội ngũ già làng, người có uy tín đã tích cực vận động dân bản thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm cho mỗi người dân đối với cộng đồng. Điển hình phải kể đến ông Lô Minh Tiến ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn), ông Vừ Xia Vả, xã Lưu Kiền (Tương Dương), ông Lộc Vĩnh Thương, xã Lạng Khê (Con Cuông)…

bna_6(1).jpg
Ông Lô Thiên Phúc (ngoài cùng, bên phải) trao đổi công việc với dân bản. Ảnh: Công Kiên

Bên cạnh đó, các già làng, người có uy tín còn trực tiếp đứng ra hướng dẫn, vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan; gương mẫu thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn bản, thực hiện dân chủ ở cơ sở; tích cực tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hoà giải mâu thuẫn trong nhân dân; tham gia và vận động quần chúng thực hiện các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”…

Nhiều người có uy tín tuy tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ, như bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể; tham gia làm tổ trưởng tổ hòa giải, tổ an ninh; là hội viên mẫu mực của các tổ chức xã hội. Người có uy tín còn tích cực vận động con cháu, dòng họ và mọi người dân tham gia vào các tổ chức đoàn thể.

bna_3(1).jpg
Người có uy tín được cấp báo Nghệ An và báo Dân tộc và Phát triển để cập nhật thông tin. Ảnh: Công Kiên

Hiểu rõ vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã tích cực xây dựng, củng cố và tôn vinh. Thực hiện đúng chế độ, chính sách; thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt nguyện vọng của các già làng, người có uy tín ở các bản, làng.

Sở Dân tộc và Tôn giáo đã tổ chức phổ biến, cung cấp thông tin cho người có uy tín; cấp ấn phẩm báo Nghệ An, báo Dân tộc và Phát triển đến tận tay từng người. Hàng năm, tỉnh và các huyện đã tổ chức hội nghị gặp mặt, vinh danh các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, Tết của các đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ vật chất khi ốm đau. Tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín...

Người có uy tín là lực lượng nòng cốt, có ảnh hưởng rất lớn trong đồng bào dân tộc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, được xem là những “cây đại thụ” của bản làng. Trong những năm qua, tỉnh đã xây dựng được đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, là hạt nhân nòng cốt đưa các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến thôn, bản và từng hộ gia đình”.

Ông Vi Văn Sơn – Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo

Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-an-cham-lo-xay-dung-doi-ngu-nguoi-co-uy-tin-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10294335.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm