Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghệ An: Kiểm tra, xử lý tồn tại ở các quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ

Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo xây dựng hoàn thiện Đề cương chi tiết kế hoạch kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An15/05/2025

Nhiệm vụ quan trọng

Với quan điểm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường, ngày 22/7/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3543/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thời điểm này, toàn tỉnh đã có 12 công ty được giao quy hoạch phát triển rừng trồng nguyên liệu với tổng diện tích 208.449,91ha (trong đó quy hoạch thuê đất với diện tích 70.294,1ha, quy hoạch liên doanh liên kết 138.155,81ha).

z6445906147735_22484b72ea51211b3843b864a1cd946a.jpg
Các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An có quỹ đất lâm nghiệp lớn, phù hợp phát triển vùng nguyên liệu gỗ. Trong ảnh là khu vực đất lâm nghiệp xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Võ Hải

Vậy nhưng, sau 2 năm nhìn lại, việc thực hiện quy hoạch của các nhà đầu tư đã không như mong đợi. Nội dung này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) thông tin chi tiết tại Báo cáo “Tình hình quản lý quy hoạch và các chính sách của doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu được quy hoạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An” ngày 28/12/2018.

Theo đó, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 13 quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu với tổng diện tích 226.903,25ha; tổng diện tích đất hoàn thành thủ tục thuê đất là 9.207,0 ha/73.147,16 ha, chỉ đạt 12,58% diện tích quy hoạch đất thuê. Đối với diện tích liên doanh liên kết, các công ty chưa có chính sách đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch.

Trong quá trình triển khai quy hoạch, chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đầu tư giống, vật tư, kỹ thuật... để phát triển vùng nguyên liệu theo cam kết khi lập quy hoạch; chủ yếu tập trung thuê đất, tổ chức trồng rừng trên diện tích đất thuê; chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể liên doanh liên kết với người trồng rừng trong vùng quy hoạch. Các chủ đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất gỗ nguyên liệu, mới chỉ dùng lại ở các dây chuyền chế biến thô (dăm gỗ) hoặc sản phẩm trung gian (MDF, gỗ ghép thanh...).

Ở các huyện miền núi Nghệ An, đâu đâu cũng thấy vùng trồng rừng nguyên liệu. Ảnh: Nguyễn Đạo
Vùng trồng cây keo nguyên liệu trên địa bàn huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Đạo

Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn năm 2050”. Đến thời điểm này, diện tích đất quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ đã giao cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh giảm từ 226.903,25ha xuống còn 176.614,47 ha. Tuy nhiên, chất lượng thực hiện quy hoạch của các nhà đầu tư căn bản không thay đổi.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) tại Văn bản số 3626 /SNN-KHTC ngày 30/8/2024, cho thấy: “Có nhiều quy hoạch, dự án phát triển rừng nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ của các nhà đầu tư chưa thực hiện đầy đủ theo quyết định đã được phê duyệt”.

Cũng bởi vậy, tại Văn bản số 3626 /SNN-KHTC ngày 30/8/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) đề xuất UBND tỉnh Nghệ An giao nhiệm vụ: “Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; kiến nghị, đề xuất một số giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật”.

z6049290949271_b2f48193152bc603ba9e23a7fbc565d1.jpg
Thực tiễn cho thấy việc giao quy hoạch, cho các nhà đầu tư thuê đất lâm nghiệp không hiệu quả, cá biệt còn xảy ra tranh chấp với người dân địa phương. Trong ảnh là vùng đất lâm nghiệp xã Châu Hội, khu vực nhiều năm xảy ra tranh chấp đất. Ảnh: Võ Hải

Đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) hướng đến các mục tiêu: “Khai thác tốt tiềm năng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”; “Đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn năm 2050”. Vì vậy, được UBND tỉnh đồng ý chỉ đạo thực hiện tại Thông báo số 840/TB-UBND ngày 4/11/2024.

Đề xuất của các huyện

Thực ra, không chỉ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) nhận thấy chất lượng thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ kém hiệu quả, mà điều này cũng được cấp ủy, chính quyền của hầu hết các huyện có quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ nhận ra. Họ đánh giá không cao các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện quy hoạch như đã cam kết với tỉnh khi được giao quy hoạch; thậm chí, có một số huyện đã xem các quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ là “nút thắt”, “rào cản” phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai.

Đơn cử tại huyện Quế Phong, Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt; Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm; Công ty CP Nội thất và Kiến trúc Nano; Công ty CP MDDF Nghệ An được quy hoạch vùng nguyên liệu với tổng diện tích 10.670,76 ha. Nhưng kết quả rà soát năm 2023 của Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An cho thấy, tất cả các dự án này đều chưa triển khai thực hiện như đã cam kết.

z6392739367880_e2c55dd456c24d587965731452f5b449.jpg
Nguồn gỗ keo nguyên liệu dồi dào, tuy nhiên, phần lớn đang được đem ra ngoại tỉnh tiêu thụ. Trong ảnh là xe chở dăm gỗ lưu thông trên Quốc lộ 48D ra cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Đạo

UBND huyện Quế Phong, khi được Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An lấy ý kiến, đã đề nghị: "Các Công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện (đối với các dự án có tính khả thi) tiến hành các thủ tục thuê đất, thuê rừng hoặc ký kết hợp đồng liên doanh - liên kết với các chủ đất, rừng và công tác cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), để các chủ rừng phát triển tốt vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ. Đối với các dự án không có tính khả thi đề nghị rà soát hủy bỏ quy hoạch bàn giao lại cho địa phương quản lý, bảo vệ đất, rừng tránh tình trạng quy hoạch treo, lãng phí đất đai".

Cũng theo đề nghị của UBND huyện Quế Phong: "Xem xét hủy bỏ quy hoạch đối với dự án quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ dự án trồng rừng cho Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt với các lý do: Quá thời hạn cho phép của UBND tỉnh (24 tháng) quy định tại khoản 2, điều 2 Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 17/05/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu phục vụ dự án trồng rừng cho Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt; diện tích quy hoạch hiện tại có phần lớn là rừng tự nhiên không phù hợp để trồng rừng nguyên liệu; cử tri nhân dân 2 xã Châu Thôn và Quang Phong không đồng tình để thực hiện”.

Xe chở gỗ keo sang địa phận tỉnh Thanh Hóa trên đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhật Lân
Xe chở gỗ keo sang địa phận tỉnh Thanh Hóa trên đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhật Lân

Hay tại, huyện Quỳ Hợp có hai quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ của Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, với tổng diện tích trên 20 nghìn ha. Tuy nhiên, đã nhiều năm cả hai công ty này đều chưa triển khai thực hiện quy hoạch. Vì vậy, UBND huyện Quỳ Hợp đã đề xuất: “Đối với các dự án không có tính khả thi, đề nghị rà soát hủy bỏ quy hoạch bàn giao lại cho địa phương quản lý, bảo vệ đất, rừng tránh tình trạng quy hoạch treo, lãng phí đất đai…”.

Địa bàn huyện Con Cuông có đến 4 công ty: Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuấn Lộc; Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt; Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, được giao quy hoạch dự án trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích trên 11,9 nghìn ha.

Tại báo cáo dịp tháng 4/2025, UBND huyện Con Cuông đã kiến nghị: “Các quy hoạch về trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn huyện qua nhiều thời kỳ đã không phù hợp, dẫn đến chồng chéo khi có các nhà đầu tư vào thực hiện dự án. Đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh cho rà soát để điều chỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp hiện nay…”.

Tiến tới kiểm tra tổng thể, toàn diện

Nhằm để công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ của các nhà đầu tư đảm bảo tính khách quan và chính xác, Sở Nông nghiệp và Môi trường giao Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An lập đề cương chi tiết kế hoạch kiểm tra.

Trên Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) có rất nhiều khu vực chứa dăm gỗ. Ảnh: Nguyễn Đạo
Trên Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) có rất nhiều khu vực chứa dăm gỗ. Ảnh: Nguyễn Đạo

Xem Đề cương chi tiết kế hoạch kiểm tra đã được thẩm định, thấy đây là một cuộc kiểm tra tổng thể, toàn diện các quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ. Đơn vị được giao nhiệm vụ (là Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An) sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An, qua công tác kiểm tra, rà soát phải đánh giá chính xác được kết quả đầu tư của các chủ đầu tư đã thực hiện trong vùng quy hoạch; công tác thuê đất, liên doanh liên kết với các chủ rừng, hộ gia đình cá nhân để phục vụ công tác phát triển vùng nguyên liệu gỗ; kết quả đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng,… theo các quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư vùng nguyên liệu cho các nhà đầu tư.

Xung quanh những hạn chế trong lĩnh vực lâm nghiệp được Báo Nghệ An phản ánh qua tuyến bài “Những vấn đề “ẩn” sau các xưởng gỗ dăm không phép”. Ảnh: Nhật Lân
Xung quanh những hạn chế trong lĩnh vực lâm nghiệp được Báo Nghệ An phản ánh qua tuyến bài “Những vấn đề “ẩn” sau các xưởng gỗ dăm không phép”. Ảnh: Nhật Lân

Đồng thời, rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong việc thực hiện các quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ; rà soát đánh giá toàn bộ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt tại phương án, các quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng, với khối lượng diện tích trên 195.000,0 ha trên địa bàn toàn tỉnh…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Danh Hùng trao đổi: “Sở được UBND tỉnh giao nhiệm vụ điều tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; kiến nghị, đề xuất một số giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Để hoàn thành nhiệm vụ trước UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ chỉ đạo Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, rà soát để có báo cáo thực sự khách quan, chính xác; làm cơ sở đề xuất được những giải pháp đúng pháp luật, theo hướng thúc đẩy nền kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển…”.

Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-an-kiem-tra-xu-ly-ton-tai-o-cac-quy-hoach-vung-nguyen-lieu-go-10297362.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm