Câu chuyện về Bà chúa Tằm Tang cuốn hút đời sau bởi giai thoại tình yêu giữa bà với chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Khi trở thành mẫu nghi thiên hạ, bà khuyến khích phát triển nghề tằm tang. Người dân nơi đây kết hợp kiến thức từ Đàng Ngoài với kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm của người Chăm Pa, bí quyết dệt lụa của người Minh Hương để tạo ra nhiều mặt hàng lụa chất lượng.
Trong sách Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn khen chất lượng lụa Xứ Quảng: “Các vóc, sa, lãnh, gấm, trừu cải hoa rất khéo” và “Người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các thứ the, đoạn, lụa, là hoa hòe tinh xảo chẳng kém gì Quảng Đông”. Dưới thời Chúa Nguyễn, hàng năm tơ sống và lụa Xứ Quảng và Đàng Trong xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và phương Tây qua cảng Hội An. Nơi này trở thành trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế, nối liền phương Đông với phương Tây trong thời kỳ Trung Đại của lịch sử.
Với lịch sử nghìn năm, nhưng để Việt Nam ghi tên trên bản đồ tơ lụa thế giới hiện đại thì làng nghề truyền thống là chưa đủ, cần phải có sự chuyển mình lớn lao và Bảo Lộc chính là câu trả lời. Giờ đây, nói đến nghề lụa Việt Nam không thể không nhắc đến Bảo Lộc (Lâm Đồng), nơi được xem là “Thủ phủ tơ tằm” của Việt Nam. Bảo Lộc chỉ mới nổi lên từ những năm 70 của thế kỷ 20, nhưng nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và quy hoạch tập trung của Nhà nước nên phát triển rất mạnh, hiện chiếm khoảng 70% giá trị sản lượng tơ tằm cả nước. Lụa Bảo Lộc đạt đến độ tinh xảo và có những giá trị độc đáo mang bản sắc riêng.
Hiện, Bảo Lộc có hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tơ lụa. Sản lượng hàng năm đạt 1.200 tấn tơ, 5 triệu mét lụa. Tơ lụa Bảo Lộc được tiêu thụ tron nước và xuất khẩu, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Riêng năm 2023, giá trị xuất khẩu tơ tằm thô đạt gần 72 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay.
Có thể thấy, với vốn quý cổ truyền, vùng nguyên liệu mênh mông, chất lượng tơ tằm cao, cùng sự tài hoa của những người thợ cần cù, khéo léo đã tạo nên những tấm lụa đẹp đẽ, mang sắc thái văn hóa riêng của người Việt Nam.
Tạp chí Heritage
Bình luận (0)