Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người Co gìn giữ bản sắc văn hóa từ bộ chuỗi cườm

(QNO) - Với người Co ở huyện Bắc Trà My, bộ chuỗi cườm truyền thống là trang sức, biểu tượng văn hóa, linh vật kết nối giữa con người với thần linh và tổ tiên. Những hạt cườm bé nhỏ, lặng lẽ gìn giữ ký ức và niềm kiêu hãnh của cả một cộng đồng miền núi.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam03/04/2025

1(3).jpg
Bộ chuỗi cườm được người Co truyền từ đời này sang đời khác theo tính kế thừa và bổ sung. Ảnh: PHAN VINH

Vật phẩm trân quý

Trong nhà chị Hồ Thị Linh (SN 1983, thôn 2, xã Trà Kót, Bắc Trà My), thứ được cất giữ cẩn thận không phải là vàng bạc hay tiền mặt, mà chính là bộ chuỗi cườm - phụ kiện đi kèm trang phục truyền thống của đồng bào mình. Mỗi năm, chị chỉ sử dụng bộ cườm này vào những dịp lễ trọng như cưới gả, mừng lúa mới, hay lễ ăn trâu huê.

Chị Linh cho biết, trong làng chỉ mình chị sở hữu bộ cườm đầy đủ gồm các chuỗi đeo đầu, vai và hông. Nếu mua mới hiện nay, giá của một bộ như thế có thể hơn 10 triệu đồng. Nhưng với chị, đó không đơn thuần là trang sức, mà là kỷ vật gia truyền, được truyền lại từ đời bà cố, qua bà ngoại, mẹ và giờ đến chị. Qua mỗi thế hệ, các thành viên trong gia đình lại chắt chiu, góp thêm hạt cườm để bộ sưu tập thêm phần hoàn chỉnh, rực rỡ.

2(2).jpg
Vợ chồng chị Hồ Thị Linh và bộ chuỗi cườm hơn 100 năm tuổi. Ảnh: PHAN VINH

Bộ cườm này đã hơn 100 năm tuổi, chưa từng rửa nhưng vẫn mới và sáng vì được gìn giữ kỹ lưỡng. Ngày xưa, để có được từng hạt cườm, các bà phải tằn tiện lắm mới mua nổi. Mỗi khi đeo vào, mình cảm thấy tự hào. Sau này, khi già, mình sẽ truyền lại cho con gái đầu như một món hồi môn quý giá.

Chị Hồ Thị Linh

Già làng Võ Văn Hùng (thôn 2, xã Trà Kót) cho biết, ngoài bộ chuỗi cườm trang phục nữ, các gia đình có địa vị trong làng hoặc có thầy cúng còn sở hữu chuỗi cườm đặc biệt có gắn vòng đồng và lục lạc. Trong những lễ hội cộng đồng, đám cưới, nghi lễ cúng thần linh, ông bà tổ tiên, chuỗi cườm luôn hiện diện trên mâm cúng. Khi cúng, thầy mo dùng chuỗi cườm để làm phép, lắc lục lạc tạo âm thanh linh thiêng hòa với tiếng hú mời gọi thần linh về chứng giám.

[VIDEO] - Già làng Võ Văn Hùng chia sẻ về bộ cườm cúng của người Co:

“Với người Co, chuỗi cườm không chỉ để làm đẹp mà còn là linh vật nối liền người sống với tổ tiên. Vì thế, chuỗi cườm vừa mang tính thẩm mỹ, vừa thể hiện địa vị, vừa là một phần không thể thiếu trong nghi lễ truyền thống” - già Hùng nói.

Bảo tồn giá trị văn hóa bản địa

Nhiều năm tìm hiểu văn hóa đồng bào Co ở Bắc Trà My, Nghệ nhân ưu tú Dương Lai nhận định, nguồn gốc chuỗi cườm của người Co hiện vẫn còn nhiều tranh luận. Trước khi có cườm nhựa như ngày nay, có giả thiết cho rằng người xưa đã mài đá suối làm hạt cườm. Có ý kiến lại cho rằng người Co sử dụng hạt cây rvoóc trong rừng để xâu thành chuỗi. Vì người Co không có nghề dệt, thường trao đổi lâm sản để lấy vải vóc từ người miền xuôi, nên chuỗi cườm cũng có thể xuất hiện từ hình thức trao đổi hàng hóa.

4(2).jpg
Một trong những bộ cườm đá dành cho nam hiếm hoi của cộng đồng người Co ở Bắc Trà My. Ảnh: PHAN VINH

Dù chưa có sự thống nhất về nguồn gốc, nhưng người Co phân chia chuỗi cườm thành ba loại: bộ cườm trang phục nữ, cườm đá đeo cổ cho nam giới và chuỗi cườm cúng gắn lục lạc. Để hoàn thiện một bộ chuỗi cườm đúng chuẩn, nghệ nhân phải lựa từng hạt cườm, xâu thành từng sợi với màu sắc riêng biệt, sau đó phối thành bộ đầy đủ. Quá trình này có thể kéo dài vài tháng đến cả năm.

[VIDEO] - Nghệ nhân ưu tú Dương Lai chia sẻ về nguồn gốc và ý nghĩa của bộ cườm:

Bắc Trà My hiện không còn ai biết làm chuỗi cườm truyền thống đúng chuẩn. Chúng tôi phải đặt mua từ bà con người Co ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Với giá trị văn hóa sâu sắc về thẩm mỹ, tín ngưỡng, tôi tin rằng chuỗi cườm sẽ ngày càng được trân trọng và phục hồi, nhất là trong giới trẻ.

Nghệ nhân ưu tú Dương Lai

Theo bà Võ Thị Thúy Hằng - Trưởng phòng Văn hóa, khoa học và thông tin huyện Bắc Trà My, chuỗi cườm là phần không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của người Co. Từ nguồn kinh phí của Đề án bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số (giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030) và chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã hỗ trợ mua sắm trang phục, trống chiêng và chuỗi cườm cho người Co tại các xã Trà Kót, Trà Nú.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2022-8-22-131172-_977a9270.jpg
Người trẻ Co thích thú khi gắn lên mình những bộ cườm đa màu sắc trong Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022. Ảnh: Alăng Ngước

“Người Co từ xưa đến nay luôn trân trọng chuỗi cườm, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay rất yêu thích bộ cườm với sắc màu rực rỡ. Trong các dịp lễ hội, phụ nữ Co tự tin khoác lên mình trang phục truyền thống cùng chuỗi cườm - như một cách khẳng định vẻ đẹp riêng có của dân tộc mình” - bà Hằng chia sẻ.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/nguoi-co-gin-giu-ban-sac-van-hoa-tu-bo-chuoi-cuom-3152016.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm