Đa phần người dân Hà Nội ủng hộ mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường không khí và nước tại Thủ đô, nhưng cũng đặt ra thách thức về hạ tầng và hỗ trợ tài chính.
Hà Nội hiện nằm trong nhóm các thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, với bụi PM2.5, PM10 và tổng bụi lơ lửng (TSP) vượt ngưỡng cho phép. Chất lượng nước tại các sông nội thành cũng báo động nhiều năm.
Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội thực hiện lộ trình để từ ngày 1/7/2026, không còn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1, nhằm cải thiện chất lượng không khí và cuộc sống người dân.

Anh Nguyễn Trung Hiếu (39 tuổi, Đông Ngạc, Hà Nội) chia sẻ, mỗi ngày anh di chuyển hơn 10km vào trung tâm và thường xuyên đối mặt khói bụi từ xe xăng, dầu, gây khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe. “Chính sách cấm xe xăng là cần thiết, nhưng cần hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện,” anh nói.
Tương tự, anh Dương Quang Huy (40 tuổi, Xuân Đỉnh, Hà Nội) nhận định, mật độ giao thông dày đặc là nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Việc cấm xe máy xăng trong Vành đai 1, nếu đi kèm chính sách phí, lệ phí khuyến khích xe sạch, sẽ thúc đẩy lối sống xanh, cải thiện chất lượng sống. Tuy nhiên, Hà Nội cần đầu tư mạnh vào giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại.
Bạn Nguyễn Ngọc Bảo Linh (Việt Hưng, Hà Nội) đánh giá cao tính văn minh của chính sách này, phù hợp xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Tuy nhiên, xe máy là tài sản lớn đối với nhiều hộ thu nhập thấp. “Thành phố cần hỗ trợ tài chính và đảm bảo hạ tầng giao thông công cộng để chính sách khả thi,” Bảo Linh đề xuất.
Anh Nguyễn Văn Vượng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng cấm xe xăng là bước ngoặt giảm ô nhiễm, nhưng thành công phụ thuộc vào tốc độ phát triển giao thông công cộng và khả năng tài chính của người dân. “Nếu hạ tầng tốt và có hỗ trợ, đây sẽ là động lực lớn cho xe xanh,” anh nhận định.
Ngoài ra, chính sách này còn giúp thu hồi xe máy cũ nát, giảm mật độ phương tiện và nâng cao nhận thức cộng đồng về phát thải thấp, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thực hiện, Hà Nội cần ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xe điện, phát triển hạ tầng trạm sạc và khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện.
Người dân đồng tình rằng, bên cạnh lợi ích môi trường, chính quyền cần lộ trình rõ ràng, chính sách hỗ trợ tài chính và đầu tư hạ tầng đồng bộ để giảm thiểu khó khăn, đặc biệt cho nhóm lao động thu nhập thấp, đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
Nguồn: https://baonghean.vn/nguoi-dan-ha-noi-noi-gi-ve-cam-xe-may-xang-tu-7-2026-10302276.html
Bình luận (0)