Thu hoạch mật ong tại Cơ sở Mật ong Quân Phát (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất). Ảnh:B.Nguyên |
Do đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở mật ong trên địa bàn tỉnh thay đổi cách nuôi truyền thống, ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm ra sản phẩm mật ong cao cấp xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở nuôi ong chọn quay về sân nhà, đầu tư chế biến sâu sản phẩm từ mật ong, chăm chút hơn cho khâu bao bì, thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Xuất khẩu mật ong vẫn khó
Đồng Nai từng là địa phương phát triển rất mạnh nghề nuôi ong. Đây từng là mô hình kinh tế hiệu quả cao giúp người nuôi làm giàu. Nhưng vài năm trở lại đây, nghề nuôi ong dần thu hẹp lại, đầu ra gặp khó khăn. Theo một số cơ sở nuôi ong lâu năm trên địa bàn tỉnh, trước đây nuôi ong cho lợi nhuận tốt. Nhưng vài năm trở lại đây, chỉ những trại nuôi ong có kỹ thuật tốt thì cả năm đạt lợi nhuận 100-200 triệu đồng, cơ sở nào nuôi kém thì có thể lỗ công lao động.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi ong trên địa bàn tỉnh đã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đầu tư bao bì, nhãn hàng… với mục tiêu xây dựng thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh tại thị trường nội địa.
Thời điểm này, nhiều khu vực nuôi ong trên địa bàn Đồng Nai vừa kết thúc cao điểm thu hoạch mật ong trong năm. Nguồn cung mật ong dồi dào nhưng đầu ra vẫn gặp nhiều khó khăn khiến giá mật ong tiếp tục giảm. Hiện giá mật ong xuất khẩu người nuôi đang bán tại trại khoảng 27 ngàn đồng/lít, giảm khoảng 5 ngàn đồng/lít so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, người nuôi ong hầu như không có lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn.
Ông Lê Lộc Quân, chủ Cơ sở Mật ong Quân Phát tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, nhận xét từ sau dịch Covid-19 đến nay, xuất khẩu mật ong gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, xuất khẩu mật ong vẫn chưa khởi sắc do thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá mặt hàng này với mức rất cao. Bên cạnh đó, nhiều thị trường khác, trong đó có các nước châu Âu đưa ra tiêu chuẩn khắt khe hơn nên xuất khẩu mật ong vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức.
Trước thay đổi của nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi ong ở tỉnh thay đổi cách nuôi truyền thống để tồn tại và phát triển trong khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân vài năm trước, Cơ sở Mật ong Quân Phát đã chuyển hướng đầu tư, làm thêm dòng sản phẩm mật ong bánh tổ. Để làm ra sản phẩm này, người nuôi phải thay đổi từ tập quán nuôi ong truyền thống với chi phí đầu vào cao hơn, quy trình nuôi tỉ mỉ, tốn nhiều công chăm sóc. Sau khi thu hoạch, mật ong được bảo quản nguyên bên trong lớp sáp tổ ong. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng cao với nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Cơ sở còn đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ mật ong. Nhờ đó, các sản phẩm mật ong của cơ sở đang xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, một số nước châu Âu…
Đầu tư cho chất lượng
Thị trường xuất khẩu nhiều sóng gió khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mật ong quay về tập trung cho thị trường nội địa với quan điểm chọn sản phẩm ngon, chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Tấn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ nuôi ong Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh), cho biết hiện hợp tác xã có 13 xã viên, quy mô nuôi gần 400 thùng ong. Vài năm trở lại đây, khi giá mật ong xuất khẩu giảm sâu, hợp tác xã tập trung vào thị trường nội địa. Riêng Cơ sở Mật ong Minh Đào của gia đình ông Minh xây dựng thương hiệu Mật ong chôm chôm Minh Đào được thị trường biết tiếng. Ngoài ra, cơ sở cũng làm thêm nhiều sản phẩm mật ong chế biến như: chanh đào mật ong, dâu tằm mật ong, mật ong nghệ, mật ong gừng… đều được kiểm định, đăng ký nhãn hiệu trước khi bán ra thị trường. Nhờ đó, các sản phẩm mật ong bán tại thị trường nội địa có đầu ra ổn định với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá mật ong xuất khẩu.
Cơ sở Mật ong Vương Phát (xã Phú Lập, huyện Tân Phú) là cơ sở nuôi, thu mua mật ong lớn tại địa phương với sản lượng khoảng 60 tấn mật ong/năm. Theo chủ Cơ sở Mật ong Vương Phát, vài năm nay, giá mật ong cung cấp cho thị trường xuất khẩu giảm sâu, nhiều thời điểm giảm dưới giá thành sản xuất nhưng vẫn khó bán. Cơ sở đã tập trung quay về sân nhà. Trước đây, mật ong tuyển được ưu tiên cung cấp cho thị trường xuất khẩu thì nay cơ sở tuyển nguồn mật ong chất lượng ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước, đầu tư bao bì, nhãn mác bán ra thị trường nội địa. Những sản phẩm chất lượng cao của cơ sở được thị trường ưa chuộng như: mật hoa xuyến chi, hoa bạc hà... Ngoài bán theo các kênh truyền thống, cơ sở cũng đa dạng kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng khắp nơi trên cả nước.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/nguoi-nuoi-ong-dau-tu-cho-chat-luong-de-giu-thi-truong-26667b4/
Bình luận (0)