Từ nỗi đau đến khát vọng chữa lành
Trong căn xưởng nhỏ nép mình nơi con ngõ Gốc Đề (phường Minh Khai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tiếng máy rèn, cắt vang lên rộn rã như một bản nhạc của sự sống. Ở đó, chúng tôi gặp một người đàn ông gầy gò, đôi mắt sáng ẩn sau cặp kính trắng, đang cần mẫn uốn từng thanh nhựa nhiệt. Ông là Lê Thành Đô - người đã dành trọn 20 năm làm nên những cánh tay, chân mới giúp “hàn gắn” những cuộc đời kém may mắn.
Ý tưởng về việc giúp đỡ những người đồng cảnh xuất phát từ chính những trải nghiệm sâu sắc của ông Đô trong kháng chiến. Là một thương binh, ông thấu hiểu nỗi khổ sở, sự bất tiện khi thiếu đi một phần cơ thể. Sau này, được tạo điều kiện chuyển ngành, ông đã quyết định theo đuổi ngành y, với mong muốn được chữa trị cho đồng đội và những người kém may mắn.
Thời gian công tác tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Đô chứng kiến nhiều hơn các hoàn cảnh khó khăn của những người phải sống mà thiếu đôi tay, đôi chân của mình. “Từng nằm viện 3 lần, tôi biết họ cần gì: Không chỉ là đôi chân, mà còn là niềm tin để sống”, ông trầm ngâm.
Ở tuổi 80, ông Lê Thành Đô vẫn miệt mài làm việc. |
Bước ngoặt lớn đến khi ông Đô được cử đi thực tập 6 tháng tại Hà Lan. Tại đây, ông được học hỏi những kỹ thuật chỉnh hình hiện đại, hiểu rõ hơn về vật liệu bán thành phẩm và cấu trúc của từng bộ phận cơ thể. Những kiến thức ấy không chỉ trở thành hành trang quý báu, mà còn là động lực thúc đẩy ông khởi nghiệp, với ý tưởng thành lập một xưởng sản xuất chân, tay giả cho người khuyết tật.
Năm 2004, một năm trước khi về hưu, ông tận dụng căn nhà tập thể của gia đình, bắt tay vào xây dựng xưởng. Những ngày đầu vô cùng khó khăn khi nguồn lực hạn chế, việc tiếp cận các trang thiết bị, máy móc chất lượng cao và vật liệu chuyên dụng, đặc biệt là hàng nhập khẩu, không hề dễ dàng. Ông kể: “Thời điểm đó, tôi phải tận dụng mọi nguồn lực, thậm chí phải nhờ anh em ở các xưởng Nhà nước giúp đỡ để có được vật tư. Nhưng tôi luôn tâm niệm rằng, dù khó khăn đến đâu, cũng phải làm ra được sản phẩm để chứng minh cho các nhà tài trợ thấy được khả năng của mình”.
Khi xưởng đã hình thành, ông tìm đến những học trò của mình, những kỹ thuật viên chỉnh hình được đào tạo từ dự án hợp tác giữa Đại học Lao động Xã hội và Đức, nơi ông từng là giảng viên và phó chủ nhiệm dự án. Ông đã thuyết phục họ cùng chung tay thực hiện ước mơ nhân đạo này.
Năm 2005, xưởng chính thức đi vào hoạt động. Đến năm 2006, một chuyên gia người Mỹ đến Việt Nam công tác đã biết đến xưởng tư nhân nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa này. Sau khi đến thăm và chứng kiến hiệu quả thực tế mà xưởng mang lại, ông đã quyết định hỗ trợ một phần kinh phí. Nhờ sự giúp đỡ đó, trang thiết bị của xưởng ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chế tác. Ông cũng liên hệ với những chuyên gia, người quen biết để được tư vấn và hỗ trợ. Họ giúp ông kết nối với các nhà tài trợ tiềm năng.
Hành trình ý nghĩa: Nụ cười của người tìm lại nhịp bước
Mỗi năm, xưởng của ông Đô thực hiện một dự án lớn, kéo dài từ tháng 4, tháng 5 đến tận tháng 12. Quy trình bắt đầu khi ông nhận được thông tin về những trường hợp bệnh nhân cần hỗ trợ từ các hội người khuyết tật, rồi lập dự toán chi tiết, từ chi phí thăm khám ban đầu, hồ sơ bệnh án, đến vật tư sản xuất và chi phí nhân công. Sau đó, ông gửi hồ sơ đến các nhà tài trợ để xin phê duyệt, chủ yếu là Quỹ Thiện tâm do VinGroup bảo đảm, cùng sự góp sức của các nhà hảo tâm và chuyên gia quốc tế.
Khi nhận được sự chấp thuận chính thức, giai đoạn chế tác mới được triển khai. Cứ từng đợt, vài ba chục trường hợp được duyệt, ông lại bắt tay vào công việc, miệt mài cho đến cuối năm. Mọi thông tin về các bệnh nhân đều được ông lưu trữ cẩn thận để dễ dàng đối chiếu sau này.
Ông Lê Thành Đô ngày ngày miệt mài với công việc chế tác chân, tay giả cho người khuyết tật. |
Ông Đô luôn tâm niệm rằng, kiến thức chuyên môn vững chắc về vật liệu và cấu trúc sản phẩm là nền tảng để tạo nên những chiếc chân, tay giả chất lượng. Để điều hành xưởng một cách hiệu quả, ông Đô không chỉ cập nhật kiến thức chuyên môn, mà còn trau dồi kỹ năng quản lý, khả năng giao tiếp ngoại ngữ và kiến thức về công nghệ thông tin. Điều đó không chỉ giúp ông kết nối với các chuyên gia, nhà tài trợ trong và ngoài nước, mà còn là cầu nối để ông truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu đến bệnh nhân về thiết bị họ sắp sử dụng.
Đằng sau mỗi sản phẩm là một câu chuyện đời, là bao nỗi niềm của người khuyết tật. Ông Đô kể về một trường hợp khiến ông nhớ mãi: “Tôi còn nhớ có một bệnh nhân ở Thường Tín bị mất cả hai chân. Sau khi được chúng tôi giúp đỡ lắp đôi chân giả, chị đã có thể tự làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình bằng việc chăn nuôi và sản xuất hàng thủ công xuất khẩu ra nước ngoài. Chính những điều ấy là nguồn động lực lớn nhất để tôi tiếp tục công việc này”.
Mỗi bệnh nhân đến với xưởng của ông Đô đều trải qua sự hồi sinh kỳ diệu, không chỉ là một phần cơ thể, mà còn là sự hồi sinh của niềm tin, sự tự tin khi không còn phải mặc cảm vì là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.
Sau mỗi sản phẩm là một câu chuyện "nối" lại hy vọng của người khuyết tật. |
Ông Lê Thành Đô chính là minh chứng cho tinh thần của một người lính Cụ Hồ, dù trong thời chiến hay thời bình, vẫn luôn cống hiến hết mình cho đất nước và cộng đồng. Từ một chiến sĩ công binh tham gia tháo gỡ bom mìn khu vực cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) năm xưa, đến một người thầy giáo tận tâm và giờ là người đồng hành của hàng nghìn bệnh nhân khuyết tật, ông Đô đã viết nên một câu chuyện đẹp về nghị lực sống, lòng nhân ái và khát vọng cống hiến.
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Đô không gọi đó là một sự nghiệp thành công, mà chỉ là một hành trình đầy ý nghĩa, bởi theo ông: “Ý nghĩa ấy đo bằng những nụ cười của người tìm lại được nhịp bước…”. Lời tâm sự mộc mạc ấy ẩn chứa bao trăn trở, hy vọng và mong muốn được sẻ chia. Dẫu có những đêm làm việc đến khuya, những nỗi âu lo về tài chính hay những trở ngại trong giao dịch, thì niềm hạnh phúc giản dị khi nhìn thấy bệnh nhân nở nụ cười, khi chứng kiến họ tự tin bước đi trên đôi chân mới, đã trở thành phần thưởng tinh thần vô giá, tiếp thêm sức mạnh cho ông trên hành trình này.
Chia tay, ông Đô tiễn chúng tôi ra cửa. Ánh nắng chiều rọi qua ô cửa sổ, in bóng người thợ già lên bức tường loang lổ màu thời gian. Ở đó, những mảnh đời tưởng chừng đã “gãy” giờ đây lại đang được hàn gắn, để rồi tỏa sáng theo cách của riêng mình...
THÚY HIỀN - PHƯƠNG NHI
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguoi-thuong-binh-noi-lai-nhung-cuoc-doi-da-gay-822738
Bình luận (0)