Lê Đức Thọ tên khai sinh là Phan Đình Khải, sinh năm 1911, trong gia đình nhà Nho, tại làng Địch Lễ, tổng Đông Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).
Năm 1929, Lê Đức Thọ kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, được phân công phụ trách công tác thanh niên, học sinh và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, khi Đảng vừa ra đời năm 1930.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Lê Đức Thọ từng trải qua rất nhiều cam go, thử thách (hai lần bị bắt, tù đày tại những lao tù khắc nghiệt nhất) và luôn có mặt ở những nơi đầu sóng, ngọn gió của cách mạng, nhưng ông vẫn luôn giữ vững niềm tin tưởng, lạc quan vào sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân.
Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ. (Ảnh tư liệu)
Theo Thông tấn xã Việt Nam, tháng 5/1968, Bác Hồ gọi Lê Đức Thọ đến và cử làm cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pari bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ông có cuộc đấu trí đi vào lịch sử trên bàn đàm phán với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (khi ấy là cố vấn đặc biệt về An ninh quốc gia Mỹ) vào năm 1973 tại Paris, nhằm mang lại hòa bình và sự thống nhất đất nước cho Việt Nam.
Vào thời điểm đó, người Việt muốn người Mỹ chấm dứt các hành động gây chiến tại Việt Nam để có thể thống nhất đất nước trong khi người Mỹ muốn mang vinh quang trở về. Những mong muốn đó đặt nặng lên vai hai nhà ngoại giao ở hai đầu chiến tuyến.
Nói về Lê Đức Thọ, Henry Kissinger chia sẻ trong hồi ký: "Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện bên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ"; "Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo".
Sau khi Hiệp định Paris được ký vào ngày 27/1/1973, cả thế giới ca ngợi tài trí ngoại giao của Lê Đức Thọ. Ông và Henry Kissinger được Ủy ban Nobel chọn trao giải thưởng Nobel Hòa bình.
Vào ngày đó, chỉ có Henry Kissinger bước lên nhận giải thưởng. Còn Lê Đức Thọ gây chấn động truyền thông quốc tế khi từ chối nhận giải thưởng, vì ông cho rằng hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước và người xứng đáng nhận giải thưởng này là Nhân dân Việt Nam.
Với những đóng góp to lớn của mình cho đất nước, Lê Đức Thọ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương, danh hiệu vinh dự cao quý khác. Tên của ông được đặt cho nhiều tuyến đường phố tại các tỉnh, thành ở Việt Nam.
Thiên Bình
Nguồn: https://vtcnews.vn/nguoi-viet-nao-tu-choi-nhan-giai-nobel-hoa-binh-gay-chan-dong-quoc-te-ar934964.html
Bình luận (0)