Nguyễn Thị Bình - "bóng hồng khiêu vũ giữa bầy sói" khiến thế giới sửng sốt
Theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, dân tộc ta qua mỗi cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước có rất nhiều anh hùng và bà Nguyễn Thị Bình xứng đáng là anh hùng trên mặt trận ngoại giao.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành được thắng lợi vang dội 50 năm trước nhờ những bước ngoặt trên chiến trường và mặt trận ngoại giao. Hiệp định Paris ký kết ngày 27/1/1973 buộc Mỹ phải đàm phán theo điều kiện của ta, chấp nhận rút quân về nước, mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết, thời gian đó, ông đảm nhận phụ trách Vụ Nam Á, Bộ Ngoại giao. Từ trong nước, ông luôn theo dõi sát sao cuộc đàm phán lịch sử này.
Bóng hồng "khiêu vũ giữa bầy sói"
Ông Niên cho biết, đóng góp vào kỳ tích ngoại giao mang tên Hiệp định Paris là những tên tuổi tầm cỡ như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch…, ngoài ra, không thể không nhắc đến nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
"Bà Bình đã đảm nhận một cách hoàn hảo vai trò Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ở bà toát lên khí chất của một phụ nữ xinh đẹp, thông minh, bản lĩnh.
Chính vì vậy, không chỉ được nhân dân Việt Nam tin yêu, mến mộ, bà còn khiến cộng đồng quốc tế ấn tượng, đặc biệt sau khi tham gia cuộc đàm phán kéo dài nhất lịch sử ngoại giao thế giới", nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói.
Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài (Ảnh: En.baoquocte).
Những năm tháng đàm phán, bà Bình có mặt ở Paris (Pháp) và không ít quốc gia như Anh, Thụy Điển, Italy, Cu Ba, Ấn Độ, Liên Xô, Trung Quốc… tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta.
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi hình ảnh Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt không phải được đại diện bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà bằng một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng.
Theo ông Nguyễn Dy Niên, dân tộc ta qua mỗi cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước có rất nhiều anh hùng và bà Bình xứng đáng là anh hùng trên mặt trận ngoại giao.
Ông Niên đặc biệt ấn tượng khi xem lại những thước phim truyền thông thế giới ghi lại về cuộc họp báo năm 1971 diễn ra trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris. Đây là sự kiện được truyền hình trực tiếp ở hai đầu Paris và Washington, tập hợp 20 nhà báo, phần lớn ủng hộ Mỹ, một phần người Pháp thì trung lập.
"Họ yêu cầu chỉ phỏng vấn bà Bình nhằm mục đích thăm dò xem người phụ nữ này có bản lĩnh thực sự không, có làm việc độc lập được không hay chỉ là một người đến "vâng, dạ" theo sự chỉ đạo của Hà Nội. Tuy nhiên, màn thể hiện của bà Bình thực sự khiến nhiều người "cứng họng".
Người ta ví von bà Bình khi ấy như "người phụ nữ khiêu vũ giữa bầy sói" bởi sự thông minh, khả năng tranh luận bằng tiếng Pháp lưu loát.
Bên cạnh những tình huống cùng phái đoàn Việt Nam chuẩn bị trước, bà còn biến hóa linh hoạt, đưa ra những luận điệu đanh thép vạch rõ sự phi lý của Mỹ và nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam", nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho hay.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ về Hiệp định Paris và những ấn tượng của ông về vai trò của bà Nguyễn Thị Bình (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
Về phần bà Nguyễn Thị Bình, khi được mời tham gia cuộc họp báo truyền hình trực tiếp, bà có phần ngần ngại bởi chỉ có một mình giữa bao nhiêu nhà báo sừng sỏ không quen biết, lại phải tranh luận bằng tiếng Pháp.
Tuy nhiên, các thành viên trong đoàn đã động viên, đây là cơ hội tốt để giới thiệu với thế giới lập trường chính nghĩa của ta, vạch trần âm mưu, tội ác của Mỹ nên bà phải hết sức tận dụng.
Gần 2 tiếng đồng hồ căng thẳng dưới ánh đèn sáng chói của trường quay, một mình bà Bình bình tĩnh đối đáp, đàng hoàng, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí muốn tìm giải pháp chính trị, chấm dứt đau khổ của nhân dân và kiên quyết đến cùng vì tự do, độc lập và sự thống nhất thiêng liêng của đất nước.
"Kết thúc họp báo, tôi thở phào vì đã hoàn thành một nhiệm vụ phức tạp. Đồng chí Xuân Thủy điện thoại khen: "Cô rất dũng cảm". Nhiều bạn Pháp, nhất là các bạn nữ thì gọi điện hoan hô, coi đây là một thành công quan trọng. Nhiều ngày sau, báo chí còn tiếp tục nói đến sự kiện này", bà Bình chia sẻ trong hồi ký.
Theo ông Nguyễn Dy Niên, đấu tranh ngoại giao là cuộc chiến chứ không phải bàn tiệc. Mỗi câu, mỗi chữ nói ra đều phải hết sức cẩn trọng vì chỉ cần lỡ lời có thể phải trả giá bằng xương máu ngoài mặt trận.
"Bà Bình đã làm rất tốt. Nhiều người rất bất ngờ và tâm phục, khẩu phục sự can đảm thông minh của bà Bình", ông Niên nói.
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (trong đó có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Bình) họp bàn tại Hội nghị bốn bên về Việt Nam ở Paris, Pháp (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam).
"Tôi là người yêu nước!"
Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, cháu gái cụ Phan Châu Trinh, cha là Trưởng ban Công binh Nam Bộ. Tên khai sinh của bà Bình gắn với tỉnh Sa Đéc (cũ) nơi cha bà - một viên chức ngành trắc địa từng công tác.
Quê gốc của bà ở Quảng Nam - một vùng chiến trường ác liệt nhất cả nước, vùng quê trung dũng kiên cường, nhiều năm tháng đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến tranh chống xâm lược.
Bà Bình nhận mình đã thừa hưởng được một số đặc tính của người dân đất Quảng. Con người xứ Quảng cương trực, khí phách, không dễ bị khuất phục, có tật "hay cãi", người Quảng cũng thường tham việc công, có trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, sẵn sàng gánh vác và dấn thân. Người xứ Quảng còn rất nghĩa tình, cởi mở, nhạy cảm với cái mới.
Từ nhỏ, bà Bình được cha rèn cho tinh thần ham học, yêu lao động, cách nhìn nhận mỗi người qua thái độ lao động. Khi cha bà sang Campuchia công tác, cả gia đình cũng đi theo. Bà được học tại trường trung học lớn nhất của Campuchia, ngôi trường có nhiều con cái công chức người Pháp hoặc có quốc tịch Pháp.
Năm bà 16 tuổi, người mẹ không may qua đời vì đau yếu, bà cùng cha lo toan việc gia đình, thay mẹ lo cho các em.
Ngày còn đi học, bà ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo nhưng khi nghe những bản nhạc hùng tráng, bài hát kêu gọi thanh niên "đứng lên đáp lời núi sông" của Lưu Hữu Phước bà lại thấy bừng bừng trong tim.
Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước tại Phnom Penh, gia đình bà Bình đã hăng hái tham gia. Sau cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương năm 1945, như nhiều người Việt, bà Bình gác lại việc thi tú tài, cùng gia đình về nước trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh lớn của dân tộc.
Nghe theo tiếng gọi của non sông, bà Bình tham gia nhiều hoạt động, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, người phụ nữ kiên trung bị địch bắt, chịu nhiều màn tra tấn tàn bạo nhưng vẫn âm thầm tổ chức các hoạt động học tập văn hóa, chính trị trong tù.
Sau khi ra tù một thời gian, bà Bình được điều về Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương và rồi "bén duyên" với ngoại giao từ năm 1961. Từ đây, bà đổi tên Châu Sa thành Nguyễn Thị Bình với hàm ý là "hòa bình".
Năm 1968, bà Bình đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tham gia đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
"Tôi ra đi với bao nhiêu cảm xúc trong lòng, nhưng tâm niệm phải làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin cậy của lãnh đạo. Tài liệu tôi mang theo là Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, một số tài liệu về các phương án đấu tranh và lời dặn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh do các đồng chí ban Thống nhất truyền đạt lại: Trong đấu tranh phải luôn luôn giữ vững lập trường nguyên tắc: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".
Và tôi nghĩ hai đoàn đàm phán Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) đã thực hiện đúng lời chỉ bảo đó", bà Bình viết trong hồi ký về ngày lên đường đến thủ đô Paris hoa lệ.
Bà Nguyễn Thị Bình, đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước khi bước vào Hội nghị Paris, năm 1969 (Ảnh: Tư liệu trong cuốn hồi ký).
Suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới, báo giới phương Tây đã rất ấn tượng với hình ảnh của "madam Bình" (tên mà các nhà báo phương Tây gọi bà khi đó) - người phụ nữ thường xuất hiện trong trang phục áo dài lịch thiệp.
Bà tham gia các cuộc họp báo, có sự kiện lên đến 400 nhà báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, đi khắp các châu lục tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Bà luôn nêu rõ lập trường chính nghĩa của Mặt trận và thiện chí muốn tìm một giải pháp hòa bình.
Trong số 4 đoàn đàm phán, chỉ riêng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có thành viên là nữ (ngoài bà Bình còn một số thành viên nữ khác). Bà Bình và cộng sự đã khéo léo, chuẩn bị thông tin để đưa ra những đòn tấn công ngoại giao sắc bén, cùng các thành viên trong 2 đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thiết lập một thế trận "tuy hai mà một, tuy một mà hai".
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn các nhà báo sau khi dự phiên họp đầu tiên bàn về thủ tục của Hội nghị bốn đoàn tại Paris ngày 18/1/1969 (Ảnh: Tư liệu trong cuốn hồi ký).
Nhiều người tiếp xúc với bà đều ấn tượng về một người phụ nữ tự tin, hòa nhã, mềm mỏng nhưng cũng vô cùng kiên định, văn minh.
Đứng trước truyền thông quốc tế hay những nhà ngoại giao lão luyện, bà Bình thể hiện sự thông minh khiến nhiều người bất ngờ. Nhiều nhà báo quốc tế khi ấy tò mò một cách có chủ ý về Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình.
Có phóng viên soi mói: "Bà có phải là đảng viên cộng sản không?", bà chỉ mỉm cười: "Tôi là người yêu nước, đảng tôi là đảng yêu nước, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do của đất nước".
Có nhà báo nhận xét: "Tên bà là hòa bình nhưng chỉ nói về chiến tranh?", bà chia sẻ: "Có thể nói gì khác là lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và nêu rõ ý nghĩa cuộc chiến đấu của nhân dân ta, vì hòa bình và độc lập, tự do"; "Nhân dân ta không hề muốn chiến tranh, chính thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã buộc nhân dân phải đứng lên tự vệ".
Một lần, một nhà báo hỏi xoáy về sự hiện diện của quân đội miền Bắc tại miền Nam, bà đã trả lời: "Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược".
Giây phút lịch sử đầy xúc động và lòng biết ơn
Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, song song với tình hình chiến trường căng thẳng, nhiều thời điểm, trên bàn hội nghị, cuộc đấu lý cũng hết sức gay gắt. Những tháng cuối năm 1971, đầu năm 1972 là thời gian "chán ngán nhất" của bà và các thành viên 2 đoàn đàm phán. Hoạt động đấu tranh ngoại giao vẫn diễn ra nhưng là "cuộc nói chuyện giữa những người điếc". Những lúc như vậy, bà Bình càng thêm nhớ nhà.
Bà kể, bà đọc đi đọc lại mấy dòng chữ nguệch ngoạc của con gái "Chừng nào mẹ về với chúng con". Dẫu vậy, bà nén nỗi nhớ thương chồng con, trong lòng luôn mãnh liệt niềm tin chiến thắng bởi tin rằng "cái gì phải đến, tất sẽ đến".
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp) (Ảnh: Văn Lượng - TTXVN)
Sau nhiều nỗ lực, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Nhớ về ngày lịch sử của dân tộc, cũng là ngày không thể quên trong cả cuộc đời, bà Bình xúc động: "Tôi như thay mặt nhân dân và các chiến sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ đấu tranh trên tiền tuyến và trong lao tù cắm ngọn cờ chiến thắng chói lọi. Vinh dự đó đối với tôi thật quá to lớn.
Tôi không có đủ lời để nói lên được lòng biết ơn vô tận đối với đồng bào và chiến sĩ ta từ Nam chí Bắc đã chấp nhận mọi hy sinh, dũng cảm chiến đấu để có được thắng lợi to lớn hôm nay, biết ơn Bác Hồ và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tin cậy giao cho tôi nhiệm vụ khó khăn nhưng rất vẻ vang này…".
Bà Bình được cử tham gia hoạt động ngoại giao cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1961 và nhiệm vụ ban đầu dự kiến chỉ khoảng 6 tháng. Nhưng rồi, hành trình ấy đã kéo dài đến năm 1976 khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Chia sẻ về bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tâm sự, ông coi bà Bình như một người chị đáng kính. Đời thường, bà Bình là người phụ nữ giản dị, khiêm nhường, hết lòng vì gia đình. Năm nay, bà đã 98 tuổi và mới đón nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, chúc mừng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (Ảnh: Dương Giang - TTXVN).
"Dù ở cương vị nào, bà Bình cũng thể hiện được sự dũng cảm, trí tuệ và liêm chính. Bà là tấm gương điển hình cho tinh thần yêu nước, kiên trì nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Bà cũng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại, thông minh, uyển chuyển, bản lĩnh", nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh.
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong Hồi ký Nguyễn Thị Bình, Gia đình, bạn bè và đất nước)
Nội dung: Phạm Hồng Hạnh, Trần Thành Công
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/nguyen-thi-binh-bong-hong-khieu-vu-giua-bay-soi-khien-the-gioi-sung-sot-20250420174847174.htm
Bình luận (0)