14 phi công lên buồng lái SU30-MK2 chuẩn bị xuất kích từ Sân bay Biên Hòa buổi bình minh ngày 12-4 qua ống kính nhiếp ảnh gia Minh Hòa. |
45 năm gắn bó với nghề nhiếp ảnh chuyên nghiệp của nhiếp ảnh gia Minh Hòa (60 tuổi) gắn với thể loại ảnh thương mại chất lượng cao và những bức ảnh chụp phong cảnh, kiến trúc, văn hóa, lịch sử quê hương - điều ông tự hào nhất và nhiều người ưu ái gọi ông là “người chép sử bằng hình ảnh”.
Đa năng, đa nhiệm, linh hoạt
* Nhiếp ảnh có ý nghĩa như thế nào khiến ông dành cả đời cho việc lưu lại khoảnh khắc và nét đẹp thời gian?
- Với tôi, mỗi bức ảnh, mỗi tác phẩm chụp đều là khoảnh khắc được lưu lại để kể một câu chuyện gì đó ý nghĩa gửi đến người xem. Ở thể loại ảnh thương mại quảng cáo, thời trang cao cấp, ảnh cưới, chân dung… sở trường, tôi thường chụp theo kịch bản, nhu cầu của khách hàng, đôi khi cũng không hoàn toàn theo ý mình, song tôi luôn cố dung hòa chất lượng mỹ thuật để có những bức ảnh đúng ý khách hàng mà cũng tạo cảm hứng hài lòng cho mình.
Nhiếp ảnh gia Minh Hòa dạy chụp ảnh di sản kiến trúc cho các bạn trẻ. |
Tôi mê nhất thể loại ảnh phong cảnh, kiến trúc, công trình văn hóa di sản… và toàn quyền chụp theo sở thích của mình khi có dịp. Nhất là ngày nào thời tiết tốt, nắng lên rực rỡ hay màu hoàng hôn đẹp nao lòng, tôi chụp với sự rung động tâm hồn và cảm xúc yêu vô cùng nét đẹp quê hương mình.
* Thời nay, theo ông, có phải một nhiếp ảnh gia linh hoạt “thủ 2 súng” là máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại chức năng chụp ảnh?
- Đúng vậy. Như tôi hiện dùng Canon R5 Mark II với dàn ống kính tiêu cự trải dài từ siêu rộng (super wide angle) 10mm đến tiêu cự xa tele 500mm để có thể chụp hầu hết thể loại ảnh chuyên nghiệp chất lượng cao phục vụ công việc. Đồng thời, khi ra đường, tôi luôn nhét túi bên mình smartphone Vivo trang bị ống kính ZEISS cho chất lượng hình ảnh lẫn quay phim rất tốt.
Tôi luôn chụp định dạng tệp gốc RAW, sau đó xử lý hậu kỳ bằng phần mềm để hình ảnh lưu trữ có chất lượng tốt nhất có thể, ngay cả khi chụp bằng điện thoại. Ngoài ra, flycam (có xin giấy phép an toàn bay) rất cần cho những toàn cảnh trên cao và rất tiện cho những điểm cao không thể leo lên được.
Cảnh núi Bà Đen nhìn rõ hiếm có từ Thành phố Hồ Chí Minh đúng khoảnh khắc một chiếc máy bay bay ngang qua vùng trời do nhiếp ảnh gia Minh Hòa chụp lúc 18h7 ngày 29-6 gây sốt trên mạng. |
* Theo ông, điều gì quan trọng nhất về kỹ thuật để chụp tác phẩm?
- Tôi quan trọng nhất phần ánh sáng và nằm lòng câu: “Ánh sáng là thầy của nhiếp ảnh và điện ảnh”. Kỹ thuật chụp, bạn có thể đến những lớp học từ cơ bản đến chuyên sâu, hoặc tự học trên internet... Nhưng ảnh đẹp không chưa đủ, mà phải “có hồn”, có câu chuyện mới chạm cảm xúc người xem. Nếu chụp chân dung, bạn cần tìm hiểu tính cách, thông tin nhân vật để dễ bắt được thần thái, cảm xúc của nhân vật.
“Tôi chụp ảnh thành phố nơi đang sống bằng góc nhìn và cảm xúc tri ân vùng đất mình sinh ra và trưởng thành” - ông Minh Hòa nói.
Giá trị ảnh là di sản cho đời sau
* Ảnh chụp phong cảnh các tỉnh, thành Việt Nam của ông là nguồn cảm hứng cho người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông tận tâm với thể loại này ra sao?
- Giai đoạn đầu cầm máy, tôi theo chụp ảnh thương mại để mưu sinh lập nghiệp, lo cho gia đình, nuôi con ăn học. Những năm sau này, tôi rộng thời gian đi chụp những dự án mang dấu ấn cá nhân tâm đắc như thường chụp ảnh bình minh và hoàng hôn là khoảnh khắc ánh sáng đẹp nhất trong ngày. Chụp nhiều đến mức tôi phát hiện ra mỗi góc mặt trời mọc và lặn khác biệt mỗi mùa; hay mặt trời đẹp nhất vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 mỗi năm.
Tôi không dám nhận là “một người chép sử bằng hình ảnh” vì mỗi ngày tôi vẫn tìm tòi tài liệu, học hỏi từ các thế hệ đi trước, những bậc cao nhân nghiên cứu sử học, văn hóa nguồn cội, địa danh…, rồi từ đó chụp ảnh quê hương mình theo cách mình hiểu, mình “thấm” và tự hào.
Tôi nghĩ giá trị của hình ảnh là di sản để lại cho đời sau. Các thế hệ sau nhìn lại ảnh sẽ luôn trân quý lịch sử và di sản, quá trình phát triển của một vùng đất. Từ đó có ý thức bảo vệ những công trình mang giá trị lịch sử, lòng tự hào dân tộc, ý thức sâu sắc “vùng trời Tổ quốc nào cũng là quê hương” khi sáp nhập địa lý, điều chỉnh địa danh để cộng sinh đoàn kết phát triển hơn trong thời kỳ mới.
Một bức ảnh do nhiếp ảnh gia Minh Hòa chụp kiến trúc sư Naomi Thủy Nguyễn nhân Triển lãm “Tui - Sắc màu cuộc sống” khai mạc ngày 25-7 tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
* Vài kinh nghiệm hữu ích của ông dành cho các phóng viên ảnh, tay máy trẻ?
- Các bạn trẻ hãy học nhiếp ảnh căn bản cho thật vững. Trau dồi nhiều kinh nghiệm sử dụng ánh sáng trong nhiếp ảnh. Nghiên cứu các thao tác chụp trên máy ảnh thật nhuần nhuyễn để khi cần bấm chụp nhanh ở hiện trường là mình không bận tâm đến yếu tố kỹ thuật nữa. Lúc đó, bạn cần đôi mắt quan sát tinh tường, tìm góc chụp độc lạ theo kinh nghiệm, khả năng dự đoán và cảm nhận để có những bức ảnh ấn tượng, khác biệt, sáng tạo.
Tôi luôn có thói quen trước khi chụp chịu khó tìm hiểu kỹ thông điệp, yêu cầu cốt lõi của dự án, bản sắc của công ty, tầm vóc của sự kiện... để suy nghĩ ý tưởng, hình thành “khung chụp” trước khi đi chụp và đưa máy lên bấm khoảnh khắc đắt giá. Tóm lại, muốn bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chỉ dừng bước ở mức “làm nghề tầm trung”, bạn cần hội đủ 2 yếu tố quan trọng: kỹ thuật và đam mê.
* Xin cảm ơn ông!
“Tôi thích ý tưởng mới, không thích chụp lại hay bắt chước ý tưởng của các tác giả khác. Nhiếp ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung cần có sự sáng tạo và chất riêng của bạn” - nhiếp ảnh gia Minh Hòa chia sẻ.
Trung Nghĩa (thực hiện)
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/nhiep-anh-gia-minh-hoa-vung-troi-que-huong-nao-cung-la-to-quoc-4fa2c0f/
Bình luận (0)