Ai đã từng xem nhiều vở kịch của sân khấu Quốc Thảo (TP.HCM) như Mặt nạ, Những người dị mộng mơ, Đảo muôn màu… sẽ thấy các diễn viên trẻ có những màn biểu diễn thú vị với kỹ thuật hình thể rất khó, kèm theo nhảy múa, nhào lộn, uốn dẻo không kém gì diễn viên xiếc.
MUỐN GIỮ KHÁN GIẢ PHẢI ĐA NĂNG
Những kỹ thuật này các em được "thầy" Quốc Thảo đào tạo tới nơi tới chốn. Diễn viên Bảo Minh, học trò của Quốc Thảo, nói: "Tuy chúng tôi chỉ học trong từng khóa ngắn hạn nhưng thầy vẫn bắt học đủ các môn để sau này có thể đảm nhận nhiều loại vở diễn. Đặc biệt là các môn về hình thể, nếu bạn nào bị tiền đình, hay chóng mặt, sẽ ngán, chứ còn lại đa số học viên đều thích thú khi tập luyện bài khó. Ngoài ra, chúng tôi còn phải học dân ca, hò, vọng cổ…Trong vở kịch Chờ, tôi ca được bài Lý son sắt cũng nhờ được rèn luyện như vậy, chứ hồi trước đâu có biết ca cổ nhạc".
Đình Toàn và Mỹ Duyên trong vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - đại chiến nàng tiên cá, sân khấu IDECAF
ẢNH: H.K
Học viên Hương Mi cũng đã tốt nghiệp nơi này, từng đi thi Hoa hậu Du lịch TP.HCM, nói: "Hồi ở lớp, thầy Quốc Thảo có thiết kế môn catwalk, cho nên lúc đi thi hoa hậu tôi tập rất nhanh so với các bạn mới bắt đầu làm quen. Thật sự môn này giúp cho cơ thể mình mềm mại uyển chuyển, hỗ trợ diễn kịch rất nhiều. Và nếu bạn nào thích làm người mẫu thì có thể sử dụng luôn".
Vở High school của sân khấu Buffalo
ẢNH: H.K
Đạo diễn Bùi Quốc Bảo cũng khẳng định khán giả bây giờ không chỉ muốn xem kịch nói một cách đơn thuần, mà họ thích trong vở kịch kết hợp thêm những loại hình khác, chẳng hạn xiếc, múa, ca nhạc… "Quá nhiều loại hình giải trí đang cạnh tranh, sân khấu muốn giữ khán giả thì cũng phải đa năng. Các bạn trẻ sau này có lợi thế là được đào tạo nhiều kỹ năng và cơ thể dẻo dai nên tập luyện tốt hơn. Sẽ không có gì là thừa, bởi các bạn sẽ tiếp cận nhạc kịch, kịch xiếc cũng đang là xu hướng nở rộ".
VỞ DIỄN HẤP DẪN HƠN
Nghệ sĩ Đình Toàn có thể nói là một trong số ít diễn viên cực kỳ đa năng từ hơn 20 năm trước. Anh sinh hoạt ở Nhà thiếu nhi Q.1 (TP.HCM) từ nhỏ, học rất nhiều bộ môn như ballet, aerobic, kịch câm, kịch nói, múa, rối, ca hát, và sau đó tự đi học thêm môn xiếc, giỏi đến nỗi giáo viên hướng dẫn đề nghị anh dấn thân luôn vào nghề xiếc. Nhưng Đình Toàn đã gắn bó với kịch nói, và anh đem tất cả kỹ năng phong phú đó vào các vở ở sân khấu kịch IDECAF (TP.HCM). Trong vở Chú bé rừng xanh, Tề Thiên đại chiến Hồng Hài Nhi, Tề Thiên đại náo thiên cung, Đình Toàn leo cây thoăn thoắt, xiếc trên lưng ngựa một cách ngoạn mục. Còn trong Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad thì khán giả nín thở khi thấy Đình Toàn leo lên cánh buồm rất lớn làm bằng lưới, đong đưa qua lại nhìn thật nguy hiểm. Anh nói: "Làm diễn viên có nhiều kỹ năng sẽ rất thuận lợi. Thí dụ, nếu biết âm nhạc thì cơ thể mình sẽ "bắt" được nhịp rất nhanh và diễn sinh động hơn. Ngay cả cổ nhạc cũng cần, từ cải lương, điệu lý, cho đến hồ quảng. Thí dụ trong vở Sinbad diễn viên hát được cả hồ quảng, rồi đi xuyến, đi gối, khán giả vỗ tay quá trời. Mình điểm xuyết mọi thứ vào vở như gia vị khiến món ăn hấp dẫn hơn".
NSƯT Thành Lộc và NSƯT Mỹ Duyên múa ballet rất giỏi, nên trước đây vở nhạc kịch Tin ở hoa hồng có họ tham gia trở nên đẹp như một bài thơ với những màn múa vô cùng duyên dáng. Nghệ sĩ Hồng Ánh cũng tâm sự tuy xuất thân từ điện ảnh nhưng khi về tham gia sân khấu IDECAF chị phải tập ca múa rất nhiều để vào các vở nhạc kịch, đặc biệt kịch thiếu nhi thì càng phải ca hát, nhảy múa tưng bừng sôi động.
Cách đây hơn chục năm, tại TP.HCM, hai "ông bầu" trẻ tuổi là đạo diễn Khắc Duy và nghệ sĩ Hoàng Quân gầy dựng sân khấu Buffalo. Một sân khấu nhạc kịch đúng nghĩa với mấy chục gương mặt trẻ chung tâm huyết, thổi vào sân khấu kịch một làn gió tươi mới. Những diễn viên tuổi đôi mươi căng tràn nhựa sống, giỏi ca hát nhảy múa, nét diễn chân thành, trong trẻo, đã ra mắt hàng loạt vở như Chicago, High School, Vũ nữ, Tấm Cám… đều gây ấn tượng mạnh mẽ. Tiếc là những người trẻ ngày ấy không có được hậu thuẫn tốt, ngay cả sân khấu biểu diễn cũng không được hỗ trợ ổn định, nên họ tự "bơi" đến đuối sức và rồi tạm ngưng. Nhưng với kỹ năng phong phú ấy, các bạn trẻ dù rẽ lối về đâu vẫn có thể hoạt động nghệ thuật được, có người cũng trở nên nổi tiếng. Rõ ràng sự đa năng không bao giờ là thừa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhieu-co-hoi-cho-dien-vien-da-nang-185250402223006499.htm
Bình luận (0)