Trong không gian sân vườn thoáng đãng, yên bình với tiếng nhạc thiền, những người yêu trà đã có một chiều cùng nhau tham dự Vô Ngã trà hội như một cách để tìm lại sự tĩnh lặng và cân bằng trong tâm hồn.
Tìm tới trà sau những bầm dập, đau khổ
Từ tốn pha một bình trà, anh Huy Bảo cho biết mình chọn loại bạch trà cổ thụ ở vùng Y Tý, Lào Cai với tuổi đời từ 300 đến 500 năm tuổi. Loại trà này có nhiều hoạt chất tanin, giúp người uống thanh mát và thư giãn.
"Mình đến với trà được nhiều năm rồi, trà là một phương tiện dành cho chính bản thân mình. Trong quá trình mình trải qua những cái bầm dập, những cái khổ đau ở bên ngoài thì trà giúp cho mình tĩnh lặng, thiền sâu và quay lại bên trong nhiều hơn", anh Bảo chia sẻ.
Nhiều người thưởng thức các loại trà thượng hạng được pha bởi các trà nhân.
ẢNH: NGUYỄN ANH
Tương tự, chị Vy Đan tới với trà hội vì niềm đam mê với các loại hình văn hóa truyền thống, trong đó có trà. Chị mang đem tới hội trà Vô Ngã loại trà Mã Dọ, một loại trà ở vùng Phú Yên, gắn liền với điển tích được một vị vua đặt tên. Chị hy vọng sẽ góp phần bé nhỏ giúp lan tỏa văn hóa trà Việt đến với mọi người.
CLIP: Chữa lành bằng…trà Việt
"Văn hóa trà ở Việt Nam cũng có từ lâu đời, nhưng chưa lan tỏa mạnh mẽ ở giới trẻ cũng như chưa phát huy được thế mạnh của trà Việt, nên mình quyết định là một trong những thành tố nhỏ bé để cùng nhau tiếp sức, lan tỏa nền văn hóa trà Việt này ngày càng mạnh mẽ hơn", chị Vy Đan cho biết.
Các dụng cụ pha trà được trà nhân tự chuẩn bị phù hợp với không gian và loại trà.
ẢNH: NGUYỄN ANH
Trong không gian trà Vô Ngã, bên cạnh những người trung niên, lớn tuổi thì còn có nhiều bạn trẻ. Dù vậy, họ đều có sự am hiểu về các loại trà và thuần thục về kỹ thuật trà. Với họ, tìm tới văn hóa trà là một cách để học cách sống chậm lại, trân trọng từng khoảnh khắc cùng nhau gìn giữ cũng như mong muốn phát huy văn hóa trà Việt của cha ông từ bao đời nay.
Nơi lan tỏa văn hóa trà
Theo Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm - Viện trưởng Học viện Trà sư MTG (Q.1, TP.HCM) hiện nay những người yêu trà, thích trà đến với trà rất nhiều, nhưng họ chưa có một sân chơi đúng nghĩa. Vì vậy, học viện trà sư quốc tế ngoài việc mời nhiều trà sư, giảng viên từ trường Lục Vũ sang Việt Nam giảng dạy còn tạo nên không gian cho cho những người yêu trà, với tiêu chí không phần biệt tuổi tác, không phân biệt ngành nghề, không phân biệt sắc tộc, không phân biệt tôn giáo, tất cả đều ngồi xuống uống chén trà.
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm – Viện trưởng Học viện trà sư quốc tế GMT
ẢNH: NGUYỄN ANH
Nhiều người đến nhóm uống trà Vô Ngã từ 3 miền đều rất yêu trà và cùng chia sẻ mong muốn sẽ gìn giữ, phát huy văn hóa uống trà Việt. Bà Ngô Thị Thanh Tâm bày tỏ tin tưởng văn hóa trà Việt sẽ lan tỏa khắp nơi trên thế giới nhờ những người yêu trà Việt.
"Các bạn yêu trà, đến với trà hãy cứ bình tĩnh, từ từ, mình cứ như một cuộc dạo chơi thông dong thôi. Yêu trà và tìm hiểu về trà bằng cái tâm của mình để tinh thần trà nó ngấm dành và mình sẽ tỉnh táo để nhận ra như thế nào là kiến thức, kỹ năng chính thống mà mình cần nghiên cứu và học hỏi", Trà sư Thanh Tâm chia sẻ.
Tại buổi trà Vỗ Ngã mọi người ngồi quay quần trên mặt đất thành một vòng tròn. Mỗi người tự pha trà, dâng trà và uống trà cùng nhau.
ẢNH: NGUYỄN ANH
Nhìn nhận ở góc độ giáo dục văn hóa trà, theo bà Hoàng Mỹ Vân, chủ tịch Tổng hội Trà hội Vô Ngã Quốc Tế thì muốn thu hút được nhiều người yêu trà hơn cần đa dạng hóa giáo dục. "Tiệc trà Vô Ngã cũng là một hình thức giáo dục, để đa dạng hóa về văn hóa trà. Nó rất dễ dàng khiến cho nhiều người cùng một lúc có thể tham gia cùng một lúc để có thể trải nghiệm về trà", bà Vân cho biết.
Nhiều người khi biết đến nhóm uống trà Vô Ngã đều hưởng ứng. Nhiều người từ 3 miền Bắc,Trung, Nam đều tụ hội về đây để cùng tham dự.
ẢNH: NGUYỄN ANH
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-buoc-chan-thanh-thoi-vo-nga-voi-tra-mong-phat-trien-van-hoa-tra-viet-185250403165127615.htm
Bình luận (0)