Những chuyến tàu chở hương vị Tết

Việt NamViệt Nam25/01/2025


Ngày giáp Tết làm cho những chuyến tàu xe về miền quê trở nên ngập tràn cảm xúc đầy thương nhớ với bất cứ ai được đi trên chuyến hành trình đó. Với người Việt, ngày sum họp gia đình, giờ đoàn tụ thiêng liêng của chốn quê, phút gặp gỡ với ông bà cha mẹ hay cả đàn con thì không gì sánh bằng ngày Tết. Thế nên, dù làm ăn ở xa đâu thăm thẳm, biền biệt tháng ngày khắc khoải thì Tết đều muốn về cố hương. Khi xưa, thời điểm thông tin liên lạc còn sơ khai người xa cách vời vợi, có chăng chỉ bằng lá thư hay họa hoằn lắm là cuộc điện thoại đường dài dịch vụ chỉ để nhắn chút thông tin ngắn gọn. Vì vậy, việc trở về chốn quê được coi là bằng mọi giá của mệnh lệnh trái tim và tình cảm của  người xa quê.

Kết nối tình cảm niềm thương đó chính là tàu xe mà chuyến tàu về quê là điển hình. Thế nên, cứ dịp  cuối tháng Chạp ở các nhà ga đều chộn rộn cảnh xếp hàng đăng ký hay mua vé trực tiếp. Ngày đó không như việc mua vé tàu trực tuyến, qua tin nhắn điện thoại hôm nay… Để có chiếc vé hành khách  phải lặn lội tìm hiểu, xem thông báo ở ga rồi xếp hàng rồng rắn. Mà không phải mất công mất sức một lần mà có ngay chiếc vé, phải đôi lần vất vả mới may mắn có chiếc vé mình muốn. Rồi khi cầm trên tay chiếc vé, nếu mua được bộ vé cho cả gia đình thì là một kỳ công lớn nhất. Có chiếc vé để chờ ngày lên tàu là coi như đã ăn Tết ở quê nhà rồi, sung sướng ngất trời. Có cảnh nhiều người cầm chiếc vé tàu nhìn lên bầu trời bàng bạc mây, gió rét nơi có những đàn chim trời đang ngược đường về phương Bắc sau những ngày tránh rét phương Nam ứa tràn nước mắt. Họ cũng như những con chim xa xứ trở về quê hương bằng chuyến tàu cuối năm.

Cảnh đón tàu về quê ăn tết 
Cảnh đón tàu về quê ăn Tết 

Tàu thời đó chỉ có ghế gỗ, chưa có giường nằm và người ta có thể vào bao nhiêu trong một toa cũng được. Thế nên một toa có thể chứa hàng trăm người ngồi sát với nhau kín đặc. Ai mệt có thể mắc võng ngang dọc hay trải chiếu dưới gầm ghế nằm xếp lớp. Hình ảnh quen thuộc này còn sót ở những chuyến tàu chợ mãi sau này mới hết.  Nên có thể nói để đi được chuyến tàu về quê là kỳ công vất vả. Tàu rời ga thì mới tạm ổn, còn nó về đến ga cuối thì khó tính vì không ổn định về hành trình như sau này. Phần lớn tàu về ga nhỏ, xép thường nửa đêm về sáng, khách phải canh chừng xuống ga cho kịp. Bây giờ người đi tàu đều đem ít hành lý và phần lớn nhỏ gọn tiện lợi thì xưa chỉ toàn túi, giỏ, bao…Trên chuyến tàu Tết có đủ âm thanh nhộn nhạo và toa tàu là một nơi chứa đủ hàng hóa công nghệ phẩm nên ai cũng như ai không thấy vất vả mà tràn ngập hạnh phúc yêu thương. Người ta nói “của một đồng công một nén” thực đúng với người xa quê trở về trên chuyến tàu. Ai cũng nâng niu từng món hàng để cho không hỏng, không thất lạc khi lên ga xuống tàu. Tất cả cho trọn vẹn khi đến mái nhà xưa.
                      
 

Ông cùng các cháu chuẩn bị hoa quả dâng cúng tổ tiên- tranh Trần Nguyên.
Ông cùng các cháu chuẩn bị hoa quả dâng cúng tổ tiên. Tranh: Trần Nguyên.

Ngày đó ai đi tàu đều cố gắng đem về rất nhiều quà cho người thân họ hàng. Bởi vậy mới có câu cảnh về Tết là “gánh gánh gồng gồng” hay “tay xách nách mang” bằng tất cả có được. Ngày xưa chưa bị tiền tệ hóa như sau này mà đều chuyển đổi thành quà. Từ gói kẹo, túi bánh cho người già em trẻ đến hộp mứt tết, bao thuốc lá thơm, gói trà, chai rượu mùi… Ai có điều kiện hơn có thể đem thêm bột ngọt, nếp, đậu xanh giúp cho ngày Tết gia đình thêm đầy đủ. Nếu ở thành phố về, nhiều người còn dụng công cầm thêm một món quà  xuân vô cùng thân thuộc mà quý giá, đó là cành đào. Bởi đó là hình ảnh Tết, lấp lánh ánh xuân theo chân người về mái nhà thân yêu. Tôi nhớ ngày xưa ở quê ít có cảnh buôn bán cành đào, chậu quất như sau này nên nhà nào có đứa con xa trở về đem theo cành đào để trưng trên độc bình ở bàn thờ gia tiên thì quý giá vô cùng, các cụ tự hào về sự hiếu kính của con cháu.                             

Gia đình đầm ấm gói bánh chưng – Tranh Trần Nguyên
Gia đình đầm ấm gói bánh chưng. Tranh: Trần Nguyên

Có lẽ cảm động, nâng lâng nhất với mỗi người là phút giây con tàu dừng bánh. Tiếng thở phì hơi dài mù mịt sau một hành trình vất vả cũng là lòng người. Hành khách hối hả mừng rỡ thu dọn đồ đạc xuống ga. Nếu may mắn có người nhà ra đón nhưng thời khó hầu hết đều tự thân vận động trở về. Nếu đoạn đường ngắn thì đi bộ nhưng dài hơn thì đi bằng xe đạp, xe ngựa, xe bò hoặc đi nhờ xe chở hàng. Điều kỳ diệu của thời đó dù chẳng ai đi nữa, cách xa mấy đi nữa thì nghe tên ông nọ bà kia ở xóm trên, làng dưới ai cũng biết nên đều hồ hởi giúp đỡ tận tình. Người viết vẫn nhớ cảnh ngày về quê ngoại mới đến tận đầu làng mà tiếng “Con cháu về!” đã vang đến tai ông bà. Vì người quê rất nhiệt tình, họ biết đều chạy đến báo cho gia chủ. Còn người về thì phải chào hỏi tất cả những ai mà mình gặp trước khi thấy cha, mẹ ra đón. Đồ đạc lắm khi có nhiều người tiện tay xăm xăm xách hộ tới tận cửa… Cảnh tíu tít lan tới tận nhà làm ấm áp đến sâu thẳm cảm xúc. Rồi sau đó cả ngôi nhà bé nhỏ của mình tràn ngập khách khứa bà con sang thăm trò chuyện. Đó chính là sự chào đón đậm hồn quê mà sau này không bao giờ có được. Khi làn khói xanh lam tỏa dần lên mái, mùi gạo nếp, đậu xanh thơm lừng thì đó chính là Tết đã đến: Nồi bánh chưng xanh lan tỏa.

 LÊ ĐỨC DƯƠNG
 



Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202501/nhung-chuyen-tau-cho-huong-vi-tet-19e44a7/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available