Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những con đường không dấu chân

(ABO) Có những con đường không hề in dấu chân, nhưng lại được vẽ nên bởi mồ hôi, máu và những nụ cười lạc quan giữa gian lao của lớp lớp người trẻ tuổi. Những con đường mà khi đi qua, ta chẳng thấy ai đứng đó đón chào, nhưng gió rì rào, nắng rát mặt và bụi đỏ bám áo lại kể cho ta nghe về một thời trai trẻ dám chấp nhận hy sinh. Đó là con đường của Thanh niên xung phong - lực lượng đã viết nên những trang sử đầy ắp mồ hôi, nước mắt và niềm tin vào ngày mai.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang15/07/2025

Mỗi năm, tháng Bảy trở về, gió mùa hạ vẫn hun hút thổi dọc những triền đồi, con dốc, con suối ngày xưa từng in dấu áo xanh. Màu áo ấy không hào nhoáng, chẳng nổi bật giữa muôn sắc cờ hoa, nhưng lại là màu của bầu trời, của hy vọng, của sự bền bỉ. Những cô gái, chàng trai tuổi mười tám đôi mươi gác lại giấc mơ riêng, khoác ba lô lên đường, để con đường Trường Sơn nối dài, để từng chuyến xe, đoàn quân ra trận không bị ngăn bước bởi núi đồi, bom đạn.

Ngày 15-7-1950, theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, Đội Thanh niên xung phong Công tác đầu tiên được thành lập để phục vụ Chiến dịch Biên giới. Từ ấy, hình ảnh những đội quân áo xanh xuất hiện trên khắp nẻo rừng sâu, đèo dốc. Họ phá đá mở đường, bắc cầu, tải đạn, khiêng thương binh, chôn cất đồng đội rồi lại lặng lẽ xốc ba lô đi tiếp, để nhịp chảy của cuộc kháng chiến không bao giờ ngưng đọng.

Trong những năm tháng ấy, có biết bao con người đã nằm lại ven đường, bên bờ suối, trên đỉnh đèo heo hút gió. Tuổi xuân của họ hóa thành rừng cây xanh tỏa bóng, hóa thành mạch nước trong mát cho người sau nghỉ chân. Những nấm mộ vô danh mà ai đi ngang qua cũng khẽ chắp tay, cúi đầu. Bởi những con người ấy có thể vô danh trong giấy tờ, bia đá, nhưng không vô danh trong ký ức của núi sông.

Đôi khi tôi tự hỏi, điều gì đã làm nên sức mạnh của những con người nhỏ bé ấy? Điều gì khiến họ chấp nhận rời quê nhà, rời gia đình, cầm cuốc xẻng đối mặt với đạn bom, rừng thiêng nước độc? Có lẽ đó là một thứ niềm tin rất mộc mạc, giản dị mà cũng vĩ đại vô cùng: Tin rằng con đường mình mở hôm nay, mai đây sẽ có đoàn quân đi qua, có hàng ngàn đoàn xe ra tiền tuyến, và rồi một ngày không xa, đất nước sẽ được yên bình.

Có lẽ họ chẳng kịp nghĩ sâu xa, không kịp tính thiệt hơn, chỉ biết rằng Tổ quốc cần là họ đi, đồng đội cần là họ có mặt. Giản dị như thế thôi mà hóa ra vĩ đại biết bao. Trong những đêm dài Trường Sơn gió lạnh, tiếng hát của họ át tiếng bom rơi. Trong bữa cơm dã chiến, nắm cơm vắt chia đôi, chia ba để ai cũng đủ sức cầm cuốc, kéo xe thồ. Trong những giờ phút ngắn ngủi hiếm hoi ngồi bên bếp lửa, họ gửi về quê nhà những lá thư lấm lem bùn đất, kể chuyện rừng, chuyện suối, chuyện mơ một ngày mai hoa sẽ nở đầy đường.

Giờ đây, khi đất nước đã lặng gió chiến tranh, đường Trường Sơn không còn vết bom hằn, xe cộ bon bon chạy xuyên đèo núi, mấy ai còn nhớ những đêm trắng vá đường, những đoàn người lặng lẽ gánh đá, chặt tre bắc cầu. Nhưng lịch sử thì không quên. Những cây cầu vắt ngang sông kia, những con đường xuyên núi ấy đều in dấu bàn tay của lực lượng Thanh niên xung phong. Mỗi mét đường đều có bóng dáng của hy sinh.

Những con người năm ấy giờ tóc đã bạc, lưng đã còng, tay run run nâng tấm huân chương kỷ niệm. Mỗi dịp 15-7, họ gặp lại nhau, gọi nhau bằng những cái tên thân thương ngày xưa. Người còn, người mất. Người mang trong mình mảnh đạn, vết thương chẳng bao giờ lành. Nhưng ánh mắt họ vẫn lấp lánh niềm tự hào - niềm tự hào của một thế hệ dám sống trọn vẹn vì nghĩa lớn.

Ngày nay, trong nhịp sống mới, hình ảnh Thanh niên xung phong vẫn còn đó, trong những đội hình tình nguyện mùa hè xanh, trong những chương trình xây cầu, làm đường, trao sách vở, gieo chữ nơi vùng cao, giúp người dân, chính quyền địa phương trong chuyển đổi số. Họ không còn gánh đá mở đường giữa bom đạn, nhưng lại lội suối, băng rừng mang ánh sáng tri thức, mang y tế, mang niềm tin đến những miền đất xa xôi. Sợi chỉ nối dài của tinh thần xung phong vẫn len lỏi trong trái tim bao thế hệ trẻ hôm nay.

Có người bảo, thế hệ trẻ bây giờ không còn như xưa, không còn lý tưởng lớn, không còn biết hy sinh. Nhưng thử nhìn mà xem, vẫn có những sinh viên chấp nhận gác lại mùa hè riêng để lên non cao gieo chữ. Vẫn có những thanh niên khoác áo xanh, áo đỏ tình nguyện lao vào tâm dịch, gian nan không chùn bước. Hạt giống của tinh thần Thanh niên xung phong chưa từng phai mờ - nó chỉ thay hình, đổi dạng, phù hợp với thời đại.

Giữa phố xá phồn hoa hôm nay, có đôi lúc ta chạnh lòng tiếc nuối. Bởi nhịp sống hối hả dễ làm người ta quên đi những điều giản dị. Nhưng nếu một lần ngồi bên người cựu Thanh niên xung phong, nghe họ kể về những đêm mưa Trường Sơn, nghe họ cười khi nhắc chuyện xẻ núi, đắp đường, ta sẽ hiểu: Đất nước này đã được giữ, được dựng bằng những bàn tay không ngại bùn đất, không sợ máu chảy.

Và rồi, khi lặng bước trên những con đường không dấu chân ấy, ta sẽ thấy biết ơn. Biết ơn vì mình đang được đi, được sống, được mơ ước. Biết ơn vì trong máu thịt của quê hương này đã hòa lẫn mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ trai trẻ. Biết ơn vì mỗi nhịp bánh xe lăn hôm nay là tiếng vọng của những bước chân không bao giờ dừng lại.

Tháng Bảy, xin cúi đầu trước những con đường không dấu chân. Cúi đầu trước những người từng lặng lẽ hy sinh để Tổ quốc được liền một dải. Để những con đường ấy mãi xanh bóng cây, rộn ràng tiếng chim, và đời sau vẫn nhớ, vẫn kể cho nhau nghe về một thế hệ đã chọn gian khó để dựng nên ngày bình yên.

ĐỨC ANH
 

Nguồn: https://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202507/nhung-con-duong-khong-dau-chan-1046824/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm