Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những khu chợ thấm hồn biển khơi

HeritageHeritage13/06/2024

Trên khắp các bờ biển Việt Nam, nơi đâu có ngư dân sống bằng nghề chài lưới là nơi đó có chợ hải sản. Nếu muốn khám phá một phần nét văn hóa của cư dân miền biển, du khách hãy ghé thăm các khu chợ biển, nhất là vào buổi sớm mai khi thuyền về mang theo lộc biển ăm ắp cá, tôm.
 
Tôi vẫn thường có thói quen dậy thật sớm, hỏi thăm người bản địa để ra chợ cá mỗi khi về với biển. Gió mát mang hương mặn mòi chính là món quà mà thiên nhiên trao tặng đầu ngày. Chỉ có thể ở gần biển ta mới có thể cảm nhận cái khoáng đạt, tự do quý giá ấy.
 
Tiếng lao xao vọng lại từ xa trên đường ra chợ, mỗi lúc càng nghe rõ hơn những âm thanh cuộc sống của miền cát. Thường những khu chợ cá, chợ hải sản họp ngay sát mép nước từ tờ mờ sáng. Các bà, các chị miệng thì nói cười, tay cắp rổ, thúng hay vai quẩy sẵn quang gánh, còn đôi mắt luôn dõi về phía biển, nơi có những con thuyền chuẩn bị cập bờ. Ở những vùng biển ngang, ngư dân chỉ đi biển trong ngày nên hải sản còn tươi rói chưa qua ướp đá. Thuyền tiến sát bờ, bà con ào xuống nước, có khi ngập ngang lưng để đón thuyền, đưa tay thoăn thoắt đỡ những mẻ tôm, cá, mực…. Các ngư dân có dáng người rắn rỏi, nước da đen bóng, nụ cười “thu hoạch” rạng rỡ. Giọng nói đặc trưng của mỗi vùng miền thể hiện rất rõ ở các khu chợ này. Những phương ngữ chỉ có dân bản địa mới hiểu khiến cho du khách có phần lạ lẫm, nhưng luôn cảm nhận được “hồn biển” mạnh mẽ mà hồn hậu từ những giọng nói, tiếng cười mang âm vang ấy. Tôi đã từng “căng tai” để nghe bà con nói chuyện ở những vùng chợ biển miền Trung như Hải Tiến (Thanh Hóa), Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tam Tiến (Quảng Nam). “Câu được câu chăng” nhưng tôi đã cảm được nhịp sống biển, thấy được nỗi vất vả mưu sinh hay được biết thêm tập quán lao động, sinh hoạt, buôn bán ở từng địa phương.
Mỗi vùng biển, mỗi mùa theo con nước và phương thức đánh bắt sẽ thu hoạch được những loại hải sản khác nhau. Nếu ngư dân đi thuyền trong ngày thì đánh bắt hải sản gần bờ, có tôm he, tôm bộp, cua, ghẹ, mực ống, mực nang, cá lanh, cá hồng, cá nục, cá trích, cá cơm… Tiểu thương theo đó sẽ lựa chọn mặt hàng muốn buôn bán để tiếp cận, trả giá rồi thu mua, có khi họ bán lại cho khách ngay trên bờ biển, có khi lại chở ra những khu chợ dân sinh quy mô to hơn. Cũng có những chủ lò nước mắm, họ ra chợ cá để chọn nguồn nguyên liệu tươi – điều kiện tiên quyết để có những mẻ nước mắm thơm ngon, đượm vị.
 
Ở nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ thì sản phẩm thu được sẽ đa dạng hơn, có cả cá bé lẫn các loại cá to như cá thu, cá bớp, cá ngừ đại dương… Những loại cá này sau khi kéo lưới sẽ được ngư dân phân loại luôn và ướp đá hay bảo quản lạnh sâu trong kho hàng trên tàu để đảm bảo độ tươi ngon. Nếu tới Bình Định, du khách hãy tới cảng cá Tam Quan để thấy được cảnh tượng “vác cá” khi tàu cập cảng. Không riêng gì đàn ông mà những người phụ nữ cũng tham gia vận chuyển trên vai những chú cá ngừ to, nặng tới vài chục kg. Còn khi ghé cảng cá An Thới lâu năm ở Phú Quốc (Kiên Giang), du khách sẽ “mãn nhãn” khi chứng kiến “cảnh tượng” nhộn nhịp của đội tàu cá trở về với nguồn lợi hải sản dồi dào, từ những sọt cá cơm than là nguồn nguyên liệu cho đặc sản nước mắm của Đảo Ngọc đến những mẻ cá thu, cá mập, cá bớp tươi xanh.

Tạp chí Heritage


Chủ đề: chợ cá

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm