Nhiều mô hình điển hình
Năm 2024, Huyện đoàn - Hội đồng Đội huyện Gia Lâm đã hưởng ứng, thực hiện chương trình “Điều ước của em” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Đây là hoạt động góp phần bảo đảm an sinh xã hội, kết nối các nguồn lực xã hội hóa để kịp thời thăm hỏi, động viên, trao tặng các phần quà cho đội viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” và giáo dục truyền thống, đạo đức cho đội viên, học sinh tại các liên đội trên địa bàn huyện.
Theo đó, các Liên đội lựa chọn, hướng dẫn đội viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn viết thư gửi Hội đồng Đội huyện Gia Lâm, nêu rõ hoàn cảnh gia đình và nhu cầu, mong muốn được hỗ trợ... Bí thư Huyện đoàn Gia Lâm Phạm Văn Phong chia sẻ, sau khi triển khai thực hiện, Hội đồng Đội huyện đã xã hội hóa được hơn 50 triệu đồng, tiếp nhận 76 lá thư của các em học sinh và tổ chức trao quà với tổng giá trị gần 30 triệu đồng cho 12 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hội cũng đề nghị Thành đoàn Hà Nội tặng 1 phần quà trị giá 5 triệu đồng cho 1 đội viên có hoàn cảnh đặc biệt. Thông qua chương trình, Hội đồng Đội huyện nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn để chỉ đạo các liên đội có hình thức hỗ trợ kịp thời.
Không chỉ chung sức làm đẹp cho quê hương, nhân dân huyện Gia Lâm còn dành tặng tình cảm đặc biệt cho huyện đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Điển hình là mô hình dân vận khéo của xã Bát Tràng “Xã hội hóa toàn dân và 2 làng nghề thiết kế sản xuất đồng bộ hơn 15.000 sản phẩm gốm sứ Bát Tràng dành tặng cho nhân dân và chiến sỹ huyện đảo Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô”
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thông tin, năm 2024, Bát Tràng đã vận động xã hội hoá làm các sản phẩm gốm sứ thiết thực dành tặng Trường Sa - nơi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Xã đã kết nối với Quỹ học bổng “Vừ A Dính” và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”, Bộ Tư lệnh vùng Hải quân 4- đơn vị được phân công quản lý và bảo vệ vùng trời, vùng biển của quần đảo Trường Sa để thực hiện chương trình ý nghĩa này.
Với tinh thần yêu nước, hướng tới Trường Sa, biển đảo của Tổ quốc, các cán bộ, doanh nhân, nghệ nhân và nhân dân xã Bát Tràng đã chung tay làm hơn 15.000 sản phẩm gốm sứ truyền thống, gồm: 10.000 bát ăn cơm, 3.000 bát tô sứ phi 22, 4.000 đĩa các loại, 600 bộ ấm chén, 600 bình nước có nắp và cốc, 3.000 cốc có quai với mầu men truyền thống và chất lượng tốt nhất, tổng trị giá hơn 800 triệu đồng, đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Bát Tràng trao tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa ngày 1-8-2024. Đáng chú ý, thiết kế mẫu hoa văn trên các sản phẩm gốm sứ là họa tiết hoa sen - quốc hoa của Việt Nam, hình bản đồ đất nước, biểu tượng cột mốc chủ quyền biển đảo của quần đảo Trường Sa với dòng chữ “Bát Tràng với Trường Sa”.
Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Gia Lâm Đào Xuân Trường cho biết, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là hoạt động của các tổ dân vận thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Nhờ đó, công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện đã đạt kết quả cao.
Điển hình, năm 2024, MTTQ huyện và cơ sở đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, phối hợp phát động ủng hộ các quỹ: “Vì biển đảo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, tiếp nhận 6,3 tỷ đồng; kêu gọi ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do bão lũ được hơn 7 tỷ đồng và chuyển về thành phố 6,6 tỷ đồng; hỗ trợ hộ có hoàn cảnh khó khăn, cận nghèo, xây mới 13 nhà, sửa 1 nhà đại đoàn kết… tổng số tiền hơn 1,56 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động huyện tổ chức các chương trình “Tết sum vầy”, “Chợ Tết công đoàn”, hỗ trợ mái ấm Công đoàn, tặng 1.825 suất quà… cho công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, trị giá hơn 2,2 tỷ đồng; vận động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3 hơn 2 tỷ đồng. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và cơ sở phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân hơn 113 tỷ đồng cho hơn 1.600 hộ vay để phát triển kinh tế, giúp đỡ 56 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, giới thiệu việc làm cho 1.125 lao động nữ… Hội Nông dân huyện trồng mới và gắn biển 14 “Hàng cây nông dân”, 7 “Tuyến đường nông dân kiểu mẫu”, trồng 741 cây các loại trên tổng chiều dài hơn 8.680m, gắn biển 15 cánh đồng sạch tổng diện tích 99ha…
Năm 2024, huyện Gia Lâm có 397 mô hình tập thể, cá nhân đăng ký mô hình “Dân vận khéo” và đã có 1 mô hình được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen; gắn biển 2 công trình “Dân vận khéo” cấp thành phố, 5 công trình “Dân vận khéo” cấp huyện; công nhận 36 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp huyện…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt khẳng định, trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ phong trào thi đua dân vận khéo, năm 2025 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về công tác dân vận; thực hiện nghiêm quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tại địa phương; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận theo hướng thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh các phong trào thi đua và tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, dân sinh và các nhiệm vụ trọng tâm của huyện, như giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị, bảo vệ cảnh quan, môi trường…
Nguồn: https://hanoimoi.vn/nhung-thanh-tuu-tu-cong-tac-dan-van-kheo-o-gia-lam-698601.html
Bình luận (0)