Những tấm bia trăm tuổi
Hiện tại, ở Bảo tàng tỉnh lưu giữ 5 tấm bia đá, trong đó có 2 tấm bia được khắc chữ Chăm cổ, 1 tấm bia khắc chữ Hán. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai tấm bia có chữ Chăm cổ được tìm thấy trong quá trình khai quật cổ vật tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) vào năm 1997. Nội dung được ghi trên bia cơ bản cho biết thông tin về vị vua Vīrabhadravarmadeva trị vì vương quốc Champa từ năm 1441 đến khoảng năm 1444 hoặc năm 1446. Để biết chi tiết hơn nội dung của tấm bia cổ này, phía Bảo tàng tỉnh đã thực hiện dập chữ lên giấy và gửi sang Ấn Độ để được các chuyên gia dịch thuật.
Điều đáng mừng là 2 tấm bia cổ này đều đang được giữ gìn khá nguyên vẹn. Tấm bia thứ nhất được làm từ đá granite hạt thô, có hình chữ nhật và hẹp về một phía, chiều cao 100cm, rộng phía trên 90cm, phía dưới 60cm, độ dày trung bình 25cm; trên mặt bia có 9 hàng chữ chạy ngang, mỗi chữ có độ rộng 4cm, mỗi hàng cách nhau 5cm, kiểu chữ khắc trên bia là chữ Sancrit thường thấy trên các bia Chăm cổ. Tấm bia thứ 2 cũng được làm từ đá granite hạt thô, hình chữ nhật với một đầu thu nhỏ, chiều cao 168cm, rộng phía trên 105cm, phía dưới 25cm, độ dày trung bình 20cm. Bia còn lại hai hàng chữ Sancrit, nhưng đáng tiếc là nhiều chữ đã bị mờ, mất nét nên rất khó nhận diện nội dung.
Còn tấm bia chữ Hán cổ được phát hiện vào năm 2003, tại đường Thủy Xưởng (phường Phương Sài, TP. Nha Trang) trong quá trình công nhân Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa cải tạo hệ thống nước sinh hoạt. Bia được làm bằng đá granite hạt thô, trên bia được khắc toàn bộ bằng chữ Hán, chữ còn khá rõ, nhưng nội dung chưa được dịch thuật cụ thể. Bia có hình chữ nhật khá vuông thành sắc cạnh, chiều cao 155cm, rộng 52cm, độ dày 10,5cm, chỗ dày nhất 25cm; bề mặt khắc chữ Hán khá phẳng và tương đối mịn, bề mặt sau có hình mui rùa.
Ngoài ra, ở Bảo tàng tỉnh còn có 2 tấm bia phục chế, trong đó 1 tấm phục chế bia Võ Cạnh, là một khối đá tự nhiên hình trụ bốn mặt, nhưng chỉ có ba mặt được khắc chữ Brahmi. Tấm còn lại được phục chế theo bia đá tại Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar; làm từ đá granite có hình chữ nhật, trụ vuông, bốn mặt tương đối đều nhau, được khắc chữ Chăm cổ ở một mặt.
Giữ gìn để phát huy giá trị
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đơn vị đã có kế hoạch bảo quản những tấm bia đá này, đặc biệt đối với 3 tấm bia cổ để hạn chế sự tác động của môi trường khí hậu, cũng như những tác động vật lý khác. Yêu cầu đặt ra trong quá trình bảo quản hiện vật là phải đúng quy trình, quy định về công tác chuyên môn. Khi di chuyển hiện vật phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh tác động, va đập vào hiện vật. Việc bảo quản các bia đá này chủ yếu là xử lý tạp chất bụi bẩn, vết ôxy hóa bám trên bề mặt hiện vật. Bên cạnh đó, tiến hành dập chữ bằng chất liệu giấy dó để phục vụ cho việc dịch thuật đối với 3 bia cổ là hiện vật gốc. Từ nội dung được dịch sẽ tiến hành viết nội dung thuyết minh, giới thiệu đến khách tham quan.
Những ngày qua, nhân viên của Bảo tàng tỉnh đang bắt đầu “trị bệnh” cho các tấm bia đá. Với những vật dụng dao, kéo, bàn chải, bông, xốp mút, giấy dó, mực tàu, băng dính, keo, nước cất, các loại hóa chất khử trùng, diệt vi khuẩn…, từng nhân viên tỉ mỉ vệ sinh hiện vật, làm sạch đất, bụi bẩn, vi khuẩn gây hại, nấm mốc. Sau khi hoàn thành các công đoạn vệ sinh hiện vật sẽ tiến hành dập ký tự trên 3 tấm bia đá cổ lên giấy dó, chụp ảnh hiện vật để phục vụ cho việc dịch thuật nội dung được ghi trên các tấm bia. Bảo tàng tỉnh liên hệ với các chuyên gia trong nước, cũng như các viện nghiên cứu dịch ký tự Chăm cổ, Hán tự để làm rõ nội dung được khắc trên bia đá. Từ đó, có cơ sở đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa của các tấm bia cổ đang được lưu tại bảo tàng, cũng như phục vụ cho việc tuyên truyền, giới thiệu về sau. “Chúng tôi nhận thức rõ giá trị của những tấm bia đá cổ này nên đang nỗ lực để xác định được nội dung cụ thể. Từ đó, có thêm được những thông tin về lịch sử, văn hóa qua nội dung ghi trên những tấm bia. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi cũng mong muốn được giới thiệu, quảng bá về những hiện vật giá trị này trong các cuộc triển lãm chuyên đề để công chúng biết đến giá trị, ý nghĩa của những tấm bia đá cổ này”, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Với những nỗ lực của Bảo tàng tỉnh, mong rằng người dân và du khách sẽ sớm được xem, tìm hiểu về những tấm bia trăm tuổi này. Đây cũng là cách để chúng ta tìm về với quá khứ của vùng đất, con người Khánh Hòa thuở xa xưa.
GIANG ĐÌNH
Nhân viên Bảo tàng tỉnh tiến hành dập in ký tự trên bia đá cổ lên giấy dó. |
Hình ảnh một tấm bia đá cổ có khắc chữ Chăm cổ đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. |
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/no-luc-giu-gin-gia-tri-cac-bia-da-co-ba2216c/
Bình luận (0)