Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân Nghệ An nuôi tôm rải vụ, tối ưu hóa lợi nhuận

Bước vào vụ nuôi tôm nước lợ năm 2025, nông dân Nghệ An tiếp tục áp dụng phương pháp thả giống rải vụ, một chiến lược giúp giảm rủi ro trong sản xuất, đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An02/04/2025

Chủ động thả giống theo phương thức rải vụ

Đầu tháng 4 là thời điểm bắt đầu vụ nuôi tôm chính ở Nghệ An. Các địa phương như Quỳnh Lưu, Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai đã sẵn sàng các điều kiện ao, đầm, nguồn nước để thả giống. Tuy nhiên, thay vì ồ ạt thả giống đồng loạt, nhiều hộ nuôi đã chọn phương án thả rải vụ, từng đợt, để thích ứng với điều kiện thời tiết và thị trường.

toan canh yom
Vùng nuôi tôm công nghiệp xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu đang giai đoạn thả con giống. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Văn Tiến - chủ đầm tôm tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), cho biết, trước đây gia đình có tới 6 ao nuôi tôm, nhưng năm nay do thiếu nhân lực nên chỉ duy trì 2 ao, diện tích còn lại nhường cho hộ khác nuôi. Như các năm trước, năm nay, để đảm bảo an toàn, ông thả giống trước 1 ao với mật độ 50 con/m2, thực hiện quy trình cải tạo ao kỹ lưỡng và theo dõi sát sao các chỉ số môi trường nước. Cách làm này giúp ông kiểm soát rủi ro và điều chỉnh kịp thời nếu có sự cố xảy ra.

Tương tự, gia đình anh Hồ Đình Hợp ở xã Quỳnh Bảng cũng áp dụng chiến lược thả giống thăm dò. Với gần 4 ha ao, đầm, anh chia thành nhiều khu vực và chỉ thả giống một phần ban đầu. Theo anh Hợp, cách làm này giúp nắm bắt nhu cầu thị trường, tránh tình trạng giá thu mua tôm giảm mạnh khi thu hoạch ồ ạt. Đồng thời, nếu xuất hiện dịch bệnh, thiệt hại cũng sẽ được giới hạn trong phạm vi nhỏ.

Để nuôi tôm mặn lợ đạt hiệu quả cao, chọn giống đảm bảo là khâu quan trọng hàng đầu. Ảnh XH
Để nuôi tôm mặn lợ đạt hiệu quả cao, chọn giống đảm bảo là khâu quan trọng hàng đầu. Ảnh: XH

Theo ông Hồ Đăng Tâm - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng, địa phương hiện có hơn 120 ha nuôi tôm. Để chuẩn bị cho vụ nuôi chính, các hộ dân đã xử lý đáy ao, sửa chữa máy móc và kiểm tra hệ thống điện lưới phục vụ nuôi tôm. Đến đầu tháng 4, khoảng 30% diện tích đã được thả giống theo phương thức rải vụ. Ban Quản lý hợp tác xã cũng tăng cường giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người dân xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.

Bên cạnh việc quản lý ao nuôi, vấn đề chất lượng con giống cũng được đặt lên hàng đầu. Người dân kiến nghị cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra nguồn giống lưu hành trên địa bàn, đảm bảo tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh. Đồng thời, các loại thuốc phòng bệnh cho tôm cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng người nuôi mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Tại vùng nuôi tôm của xã Quỳnh Thanh, bên cạnh những ao, đầm đang giai đoạn xử lý nước, có một số ao đã thả con giống. Người nuôi tôm cho biết, giải pháp nuôi tôm rải vụ đã được bà con thực hiện từ các năm trước có hiệu quả, nên năm nay tiếp tục thực hiện. Như gia đình ông Nguyễn Văn Bảy có 3 ao, đầm, nhưng đầu tháng 4, ông mới thả 1 ao, còn lại sẽ thả giống vào nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

bna_de-vu-tom-thang-loi-khau-xu-ly-moi-truong-nuoc-trong-ao-dam-rat-quan-trong.jpg
Từ ngày 1/4 là thời điểm đầu của thời vụ nuôi tôm chính, kéo dài đến hết tháng 6. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại các vùng nuôi ở xã Minh Lương (Quỳnh Lưu) và xã Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), điều kiện thời tiết đầu tháng 4 khá thuận lợi, giúp bà con dễ dàng triển khai vụ nuôi mới. Với những diện tích nuôi trong nhà lưới, người dân áp dụng mô hình nuôi thâm canh mật độ cao (120 - 150 con/m2), nuôi nhiều giai đoạn để tối ưu sản lượng. Trong khi đó, các ao ngoài trời chủ yếu nuôi quảng canh với mật độ thấp, giảm chi phí đầu tư và hạn chế rủi ro.

tom CNC
Một khu nhà lưới nuôi tôm mặn lợ trên địa bàn xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có diện tích nuôi tôm mặn lợ nhiều nhất tỉnh, với gần 600 ha. Ông Bùi Xuân Trúc - Phó phòng Nông nghiệp và Môi trường cho biết, nghề nuôi tôm đang trong điều kiện khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, nên ngành Thủy sản của địa phương cũng khuyến khích bà con thả giống tôm rải vụ, theo hình thức cuốn chiếu để thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc và giảm rủi ro khi dịch bệnh xảy ra.

Kỳ vọng vào vụ tôm nước lợ năm 2025

Năm 2025, Nghệ An đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm đạt 1.776 ha, sản lượng dự kiến đạt 10.500 tấn. Với sự chủ động trong phương pháp thả giống và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, ngành tôm của tỉnh kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với các năm trước.

nuoi tom 4
Nuôi tôm trong nhà lưới bằng nhiều giai đoạn sẽ mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Lê Văn Hướng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An khuyến cáo người nuôi cần chủ động phòng dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh phổ biến như đục thủy tinh, hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng... Do thời vụ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6, việc thả giống theo phương thức cuốn chiếu giúp quản lý dịch bệnh tốt hơn, đồng thời, tránh bị thương lái ép giá khi thu hoạch đồng loạt. Những giải pháp của bà con là kỳ vọng cho một vụ tôm mới thắng lợi.

tom 3
Năm 2025, Nghệ An phấn đấu sản lượng tôm mặn lợ đạt 10.500 tấn. Ảnh: Xuân Hoàng

Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư cam kết tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm soát chất lượng con giống, vật tư đầu vào, đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi. Những bước đi thận trọng này sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành tôm Nghệ An trong thời gian tới.

Vụ tôm nước lợ năm 2025, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã đúc rút nhiều kinh nghiệm. Như chủ động các giải pháp thả nuôi theo hình thức thăm dò, áp dụng mô hình nuôi mới để cải thiện hiệu quả sản xuất. Sự thận trọng trong sản xuất trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, đảm bảo an toàn trong vụ nuôi mới.

Nguồn: https://baonghean.vn/nong-dan-nghe-an-nuoi-tom-rai-vu-toi-uu-hoa-loi-nhuan-10294291.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm