Nhà giáo Phạm Thị Thúy Vĩnh (SN 1946) trở thành đảng viên ở tuổi 20. Vào ngày 30/4/1975, thông tin thống nhất đất nước đã đến với bà theo cách đặc biệt, khi bà đang học tập tại Hungary. Những cảm xúc khó quên ấy đã được nhà giáo trải lòng với phóng viên Dân trí.
Tiếng hét giữa nhà ăn và giọt nước mắt hạnh phúc
Là một nhân chứng đặc biệt, dù không ở Việt Nam trong giờ khắc lịch sử 30/4/1975, bà có thể chia sẻ lại cảm xúc của mình khi hay tin chiến thắng?
- Thật tiếc là tôi đã không có mặt ở Việt Nam vào giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy. Hồi đó, tôi đang theo học tại Trường Đại học Kinh tế Các Mác ở Hungary. Trước đó, dù nhiều lần xung phong ra chiến trường, tôi vẫn được Nhà nước phân công đi học, nên tôi chấp hành sự phân công của tổ chức. Khoảnh khắc lịch sử ấy vẫn in sâu trong tâm trí tôi. Tôi nhớ rõ hôm đó là thứ tư, tôi đã dành cả ngày ở thư viện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.
Tối hôm đó, khoảng 18h ở Hungary (tức 12h trưa ở Hà Nội), khi tôi vừa lấy đồ ăn và ngồi vào bàn tại nhà ăn của trường, một sinh viên người Ả Rập bất ngờ chạy đến ôm chầm lấy tôi, lớn tiếng: "Sài Gòn giải phóng rồi!". Cậu ấy đang cầm một chiếc đài cassette nhỏ trên tay.
Tiếng đài BBC vang lên, loan tin về sự kiện Giải phóng miền Nam. Tôi đứng bật dậy, sững sờ trong giây lát, rồi nước mắt hạnh phúc trào dâng nghẹn ngào.

Nhà giáo Phạm Thị Thúy Vĩnh khi 20 tuổi, được đứng trong hàng ngũ của Đảng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Mọi người xung quanh tôi, người đang ăn, người cầm đĩa thức ăn, nhân viên phục vụ nhà hàng đang chuẩn bị đồ ăn, tất cả đều lặng đi trong giây phút, rồi vỡ òa trong tiếng hô vang: "Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm!". Họ ùa đến vây quanh tôi.
Một số người chạy đi mua rượu, và nhà ăn trở thành một bữa tiệc mừng chiến thắng của Việt Nam. Những người có mặt ở đó, dù tôi không hề quen biết, không cùng lớp và đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nga, Đức, Ba Lan, Hungary, Trung Quốc, Châu Phi, tất cả đều trở nên vô cùng thân thiết.
Hồi đó, Trường Đại học Kinh tế Các Mác Hungary có 10 sinh viên Việt Nam, nhưng chỉ có mình tôi ở nhà ăn vào thời khắc ấy.
Tôi và những người bạn mới quen đã vui vẻ đến khuya mới về. Khi về đến ký túc xá, bác bảo vệ và một vài sinh viên còn ở hành lang cũng vui mừng chúc tụng, bắt tay và ôm chầm lấy tôi.
Sau khoảnh khắc vỡ òa cảm xúc ấy, điều gì đã diễn ra trong tâm trí bà?
- Về đến ký túc xá, tôi nóng lòng chờ đợi đến 24h ở Hungary, tức 18h ở Việt Nam, để được nghe bản tin của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Khi nghe giọng chị Kim Cúc trên đài loan tin về chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975, nước mắt tôi lại lã chã rơi.
Lúc đó, trong tôi trào dâng niềm vui sướng lẫn xúc động nghẹn ngào. Tôi nghĩ về gia đình ở quê nhà, về em gái, người cậu và bạn bè đang ở chiến trường miền Nam. Tôi tự hỏi, trong giờ phút huy hoàng này, liệu họ có đang ở Sài Gòn hay đã ngã xuống trước ngày đất nước giải phóng?
Cô có thể chia sẻ thêm về những hoạt động chúc mừng chiến thắng của cộng đồng quốc tế tại Hungary thời điểm đó?
Sáng sớm ngày 1/5/1975, cô Tuyết, phu nhân của chú Nguyễn Mạnh Cầm, Đại sứ Việt Nam tại Hungary, đã gọi điện mời tôi đến hỗ trợ sứ quán đón tiếp khách vào lúc 18h. Khách mời hôm đó bao gồm đại diện các sứ quán tại Hungary, các cơ quan xí nghiệp, trường đại học lớn và các sĩ quan quân đội cấp cao…
Sứ quán đã huy động sinh viên và nghiên cứu sinh cùng nhau làm chả giò để đãi khách. Chúng tôi, ai nấy đều phấn khởi muốn góp một phần nhỏ bé vào bữa tiệc mừng chiến thắng.
Bữa tiệc giản dị chỉ có 2 món là chả giò và rượu lúa mới, nhưng lại đậm đà hương vị Việt Nam. Khách đến rất đông. Kế hoạch tổ chức buổi lễ là 2 tiếng nhưng thực tế đã kéo dài tới 4 tiếng.

Nhà giáo Phạm Thị Thúy Vĩnh khi đang học tập tại Trường Đại học Kinh tế Các Mác, Hungary (Ảnh: NVCC).
Đến sáng ngày 2/5/1975, trường đại học của tôi cũng tổ chức mít tinh chúc mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo phong tục của nước bạn, việc tham gia không bắt buộc, nhưng mọi người đã đến rất nhiều, sảnh tổ chức chật kín khách. Nhiều bạn bè quốc tế đã mang rượu đến chúc mừng các sinh viên Việt Nam.
Nhiều ngày tiếp theo các bạn sinh viên, thầy cô trong trường hễ nhìn thấy sinh viên Việt Nam họ đều vui vẻ và chúc mừng. Đi trên đường phố hay tàu điện, xe buýt, người dân nhìn thấy chúng tôi là người Việt Nam đều vui vẻ chúc mừng chiến thắng.
Quyết tâm trở về cống hiến cho quê hương
Bà có thể chia sẻ về những ngày đầu tiên sau khi nhận được tin chiến thắng từ Việt Nam?
- Hơn một tuần sau, tôi nhận được thư của em gái ruột tên là Phúc. Em báo tin đã cùng đồng đội theo đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, chiếm lĩnh đài phát thanh buộc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Cả em gái và cậu tôi đều đã trở về miền Bắc trên chuyến tàu đầu tiên sau ngày giải phóng. Điều bất ngờ hơn nữa là lá thư này chỉ mất hơn 1 tuần để đến được tay tôi, trong khi trước đó, thư từ thường mất đến 3 tháng, thậm chí lâu hơn.
Sau đó, tôi hoàn thành chương trình học và trở về nước vào tháng 12/1975.
Điều gì đã thôi thúc cô quyết định trở về Việt Nam sau khi đất nước thống nhất?
- Vài ngày sau, chú Cầm - là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền sứ quán khi đó - đã gặp và thuyết phục tôi ở lại Hungary để tiếp tục làm nghiên cứu sinh, đồng thời đảm nhận vai trò cán bộ đại sứ quán, quản lý du học sinh - bởi khi đó tôi là bí thư chi bộ của khối các trường đại học kinh tế và kỹ thuật.
Trước đó, chú Cầm cũng đã 2 lần đề nghị việc này, nhưng tôi đều từ chối. Đến lần này, tôi càng cương quyết hơn bởi tôi khao khát trở về quê hương, mang những kiến thức đã học được để cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước và đoàn tụ với những người thân yêu.
Sau khi trở về Việt Nam năm 1975, bà đã trải qua quá trình công tác như thế nào? Nhìn lại bối cảnh đất nước thời kỳ đó và so sánh với sự phát triển hiện tại, bà có những đánh giá và cảm nhận gì?
- Sau khi trở về vào tháng 12/1975, tôi được Bộ Đại học (Bộ GD&ĐT ngày nay) phân công công tác tại Trường Đại học Thương Mại (Hà Nội). Thời gian sau, theo sự điều động của Bộ Nội Thương, tôi đã đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau. Đến năm 1996, tôi quyết định nghỉ hưu để hiện thực hóa tâm huyết của mình bằng việc thành lập trường Ngô Thời Nhiệm.

Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, người sáng lập Hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm, nguyên giảng viên trường Đại học Thương mại Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Nhìn lại bối cảnh đất nước những năm sau thống nhất, chúng ta đều không thể quên được thời kỳ bao cấp với muôn vàn gian khó. Đất nước vừa trải qua chiến tranh, thì năm 1978 lại phải đối mặt với cuộc chiến biên giới Tây Nam. Quân đội ta không chỉ bảo vệ biên cương mà còn phải hỗ trợ nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Tiếp đó, vào tháng 2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc lại bùng nổ. Hòa bình chưa được bao lâu, đất nước lại oằn mình gánh chịu những thử thách mới.
Cuộc sống của người dân và cán bộ thời kỳ đó thực sự khốn khó. Thế rồi, bước ngoặt lịch sử tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã mở ra cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp. Từ đó đến nay, kinh tế đất nước đã có những bước tiến vượt bậc.
Việt Nam ngày nay đã vươn mình sánh vai với các quốc gia trên thế giới và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Chính cơ chế thị trường này đã tạo động lực mạnh mẽ cho sản xuất phát triển, hàng hóa trở nên dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của người dân, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, mạnh giàu và đảm bảo an sinh xã hội.
Những người bạn quốc tế và tình hữu nghị bền vững
Trong những năm tháng sau này, kỷ niệm về ngày 30/4 có ý nghĩa như thế nào đối với cô và bạn bè quốc tế?
- Đến năm 2018, tôi dẫn một đoàn cán bộ giáo viên và gia đình trở lại thăm trường cũ ở Hungary. Khi ngồi trò chuyện, một vài người lớn tuổi đã hỏi tôi có phải là người Việt Nam không. Nhận được câu trả lời khẳng định, họ rất vui mừng, tụm lại nói lớn: "Việt Nam giỏi lắm, kinh tế phát triển rất nhanh, Việt Nam rất đẹp. Chúng tôi rất muốn đến Việt Nam nhưng tuổi cao sức yếu rồi".
Tôi vui vẻ trò chuyện cùng họ và nhớ lại những năm tháng đất nước ta chiến tranh, Hungary đã có nhiều chương trình mít tinh, tuần hành phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều phong trào ủng hộ Việt Nam với khẩu hiệu nổi tiếng lúc bấy giờ là: "Việt Nam! Chúng tôi bên cạnh các bạn".
Trong giai đoạn 1973-1975, hàng trăm nhà ngoại giao, quân nhân, nhân viên Hungary đã chấp nhận gian khổ, hy sinh để sang Việt Nam tham gia Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Paris, góp phần gìn giữ hòa bình cho Việt Nam.
Cho đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Hungary vẫn luôn tốt đẹp suốt 75 năm qua. Tôi cũng rất vinh dự là thành viên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary tại TPHCM góp phần nhỏ bé của mình trong việc giữ gìn và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước.
Nhà giáo Phạm Thị Thúy Vĩnh chia sẻ về kỷ niệm đặc biệt 30/04/1975
- Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà có thông điệp gì muốn gửi gắm đến các thế hệ học sinh, sinh viên?
- Các thầy cô và các em học sinh thân mến. Chiến thắng 30/04/1975 là bản anh hùng ca ngân vang mãi ở trong trái tim những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung và các thế hệ người Việt Nam nói riêng.
Các thế hệ người Việt Nam chúng ta cần hiểu sâu sắc chiến công hiển hách này, khẳng định dân tộc Việt Nam là dân tộc hùng cường. Chiến thắng vĩ đại này có được là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ cùng sức mạnh của toàn dân tộc.

Nhà giáo Phạm Thị Thúy Vĩnh cùng giáo viên, học sinh hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm (Ảnh: NVCC).
Vì vậy, các thế hệ con cháu chúng ta cần tự hào, trân trọng và biết ơn sâu sắc những hy sinh xương máu, mồ hôi và công sức của các thế hệ cha ông để có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc ngày hôm nay. Chúng ta phải tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, mạnh giàu và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Một sự trùng hợp thật thú vị, ngày 30/04/1975 là thứ tư, và 50 năm sau, ngày 30/04/2025 cũng rơi vào thứ tư. Thật là một điều kỳ diệu!
Trân trọng cảm ơn Nhà giáo Phạm Thị Thúy Vĩnh!
Huyên Nguyễn
30/04/2025
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-nha-giao-ke-ve-khoanh-khac-vo-oa-o-troi-au-khi-nghe-tin-chien-thang-20250429162303371.htm
Bình luận (0)