Trao Cờ Tổ quốc và phao cứu sinh cho ngư dân Lý Sơn vươn khởi bám biển. Ảnh: Thái Bình

Ấn tượng khó quên nhất của chuyến hải trình lần này chính là sóng gió! Sóng quăng gió quật liên tục hơn 50 tiếng đồng hồ với gần 500 hải lý, xuất phát từ Quân cảng Đà Nẵng ngược lên Cồn Cỏ, vòng xuống Lý Sơn cho đến khi cập bờ trở lại. Đứng cạnh cột cờ trên đỉnh Thới Lới của đảo Lý Sơn, gió núi muốn xô dạt cả người và cảm giác dập dềnh như đang ở sóng biển động dưới kia. Các hoạt động suốt buổi sáng trên đảo, bao gồm lễ dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ và Đài tưởng niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, chương trình giao lưu tại trạm Ra đa 550… tất cả như quần thảo cùng nhau trong tiếng gió và sóng biển. Đọng lại từ buổi giao lưu tại trạm Ra đa 550 không chỉ là những món quà Tết ấm lòng từ đất liền được trao cho quân dân trên đảo mà còn là những tiết mục văn nghệ đặc sắc của các diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ. Trong sóng to gió lớn, tiếng hát lời ca trẻ trung như càng thêm vạm vỡ, lồng lộng và mặn mòi hơn. Cũng vì sóng gió với cột sóng liên tục lên xuống cả mấy mét mà tàu khách trung chuyển phải mất hơn tiếng đồng hồ mới cập được mạn tàu KN 390. Bữa ăn trưa hôm ấy, phải dời muộn vì sóng mạnh lắc tàu làm xô đổ các bàn ăn, buộc các chiến sĩ hậu cần phải dọn lại như mới.

Sóng gió mạnh đã làm cho tàu KN 390 không thể đưa người lên đảo Cồn Cỏ. Hàng hóa và quà Tết buộc phải vận chuyển sang chiếc tàu cá nhỏ của ngư dân để đưa vào đảo. Công việc này quả thật đầy khó khăn, thử thách; và phải mất hàng giờ vật lộn với sóng gió, các chiến sĩ phải chờ khi con sóng dâng cao để tàu cá vọt lên ngang tầm sàn tàu kiểm ngư mới đẩy hàng sang được an toàn. Chương trình giao lưu, chúc Tết giữa đoàn công tác và đảo Cồn Cỏ chỉ có thể diễn ra trực tuyến. Những lời ca, tiếng hát ân tình, lời chúc Tết ấm nồng, thân thương qua máy bộ đàm nhiều lần chìm trong sóng gió. Và rồi đến giờ phút chia tay, thông báo từ chỉ huy tàu: “Đề nghị các đại biểu lên mạn phải tàu để chào Đảo”. Chào Đảo! Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một nghi thức đơn sơ mà nghiêm trang đến thế! Ba hồi còi dài trầm hùng vang lên. Chúng tôi cùng hướng mắt nhìn vào hòn đảo thân thương đang mờ dần, cái cảm giác đi muôn hải lý đến đây mà không được tay bắt mặt mừng, phải chào nhau trong sóng gió thật xúc động biết bao! Một đồng chí sĩ quan Vùng 3 Hải quân đứng cạnh tôi sau nghi thức “chào đảo” tâm sự: “Đã năm năm nay, năm nào tôi cũng đi chuyến công tác này, nhưng chưa năm nào được đặt bước chân lên đảo”.

Lực lượng Kiểm ngư làm nhiệm vụ trên biển lúc biển động sóng giật cấp 6 cấp 7. Ảnh: Thái Bình 

 Với tôi, chuyến đi đầu tiên ra Cồn Cỏ cách đây đã 11 năm (tháng 5/2013), khi tôi làm trưởng đoàn nhà văn Huế trong chuyến thực tế trên đảo. Lần này, tôi háo hức được đi lại trên những con đường rợp bóng phong ba, bàng vuông. Trên tấm biển giới thiệu bản đồ quy hoạch xây dựng đảo, Cồn Cỏ nhìn tựa một tấm lá sen xanh trồi lên mặt biển. Cồn Cỏ được mệnh danh là “mắt thần” trên biển, là “hạm đội không thể đánh chìm” trong kháng chiến chống Mỹ, hai lần được tuyên dương anh hùng. Trong chuyến công tác ấy, lần đầu tiên tôi được biết, nhìn, sờ, chạm những cây bão táp, cây phong ba và những chùm hoa trắng của chúng. Tôi được chứng kiến đời sống thường ngày của người dân trên đảo và chụp ảnh cùng các cháu nhỏ với những ánh mắt nhìn trong trẻo thơ ngây trong sân Trường mầm non Hoa Phong Ba. Từ hoa phong ba, cây bàng vuông trên đảo, tôi viết bài thơ “Chỉ dẫn trên đảo Cồn Cỏ” trong đó có câu “Ở đây hoa nở thành sóng gió/ Trái bàng vuông rụng nước mưa vuông”.

 Tôi tình cờ ngồi cà phê sáng trên boong tàu cùng một trong những sĩ quan trẻ “từng ra trận trên tàu kiểm ngư cách đây 10 năm (2014), khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”. Anh kể, từ đó đến nay anh cũng đã tham gia thêm rất nhiều vụ cứu nạn cứu hộ, tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển. “Anh thấy đấy, con tàu KN 390 này to rộng như thế (chiều dài toàn bộ 90m, chiều rộng nhất 14m, chiều cao mạn tàu 7m, trong tải 2.000 tấn) nhưng vẫn như một chiếc lá tre giữa biển”. Những lần cứu nạn ngư dân, đêm cũng như ngày, đặc biệt khi biển động dữ dội mới thật là những “trận đánh” vô cùng gian nan. Giữa biển cả mệnh mông sóng gió dập vùi, “hễ còn tín hiệu cấp cứu là còn tìm kiếm”. Chàng sĩ quan trẻ nói thêm, gia đình em ba thế hệ đều trong binh chủng hải quân.

Cho đến chuyến hải trình vào những ngày biển động này, câu thơ ngày ấy trở lại trong tôi. Ở đây hoa nở thành sóng gió! Tôi thấy lại những chùm hoa phong ba trắng nở bừng tươi trong những ánh mắt nụ cười, trong lời ca tiếng hát, trong tay bắt mặt mừng, trong niềm tin yêu và tình cảm quân dân, đất liền hải đảo… Phong ba đã trở thành biểu tượng của lòng can đảm, ý chí bất khuất của đất và người Việt Nam, là biểu tượng của người lính hải quân giữa biển khơi ngày đêm giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG