Được coi là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như giảm nghèo bền vững, Thái Bình đã chủ động xây dựng Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" từ rất sớm với quan điểm chỉ đạo cụ thể như thế nào, thưa ông?
Với mục tiêu thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Thái Bình đã chủ động chỉ đạo xây dựng Chương trình OCOP.Ông Vũ Công Bình – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình chia sẻ về kết quả chương trình OCOP.
Xác định đây là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm tại khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị, trọng tâm của Chương trình OCOP Thái Bình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng đổi mới, sáng tạo, tập trung liên kết, phát huy nội lực do các tổ chức kinh tế OCOP tại cộng đồng thực hiện. Các sản phẩm tạo ra từ Chương trình OCOP có sự khác biệt, mang đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của tỉnh Thái Bình tạo nên lợi thế cạnh tranh nhằm chiếm ưu thế khi phân phối thị trường trong nước và xuất khẩu nước ngoài. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Chương trình OCOP không giới hạn các tổ chức tham gia, có thể là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình kinh doanh đăng ký kinh doanh tại địa phương; tuy nhiên ưu tiên các hình thức tổ chức có sự tham gia sở hữu nhiều hơn của cộng đồng là hợp tác xã, doanh nghiệp….Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình thăm gian hàng tham gia ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp.
Mục tiêu đặt ra của Thái Bình khi xây dựng Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" là đến năm 2025 có 150 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, song, mới chỉ đến tháng10/2024, toàn tỉnh đã đạt vượt gần 30%. Ông có thể cho biết hướng đi, cách làm của tỉnh để đạt kết quả vượt trội này?
Theo kinh nghiệm của chương trình OCOP quốc tế, bắt đầu từ khi hình thành ý tưởng đến lúc xây dựng kế hoạch, triển khai xúc tiến thương mại và chiếm lĩnh thị trường là quá trình diễn ra từ từ, có thể có nhiều thử nghiệm, thậm chí thất bại, đúc rút kinh nghiệm, sửa đổi điều chỉnh rồi mới dẫn đến thành công. Do đó, Thái Bình xác định lộ trình thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2020 là giai đoạn khởi động, tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Ban điều hành chương trình các cấp tỉnh, huyện, xã và thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông suốt tư tưởng nhận thức phát triển các sản phẩm OCOP là nhiệm vụ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ thuộc Ban quản lý chương trình các cấp, các mô hình điểm về phát triển sản phẩm OCOP cũng được xác định là mục tiêu chủ đạo cho giai đoạn này. Giai đoạn 2021 – 2030, sau khi xây dựng thành công các mô hình điểm tham gia OCOP, các sản phẩm tham gia OCOP sẽ được ưu tiên phát triển theo chiều hướng tạo tính mới, đột phá trên cơ sở nguồn lực sẵn có của cộng đồng (nguyên liệu, lao động, nguồn vốn). Ở giai đoạn này, sản phẩm tham gia chương trình OCOP sẽ đa dạng các ngành nghề, nhóm sản phẩm trong toàn tỉnh. Các chủ thể sản xuất tham gia chương trình theo đó cũng sẽ được thành lập mới hoặc củng cố hoạt động của các chủ thể đã được thành lập, ưu tiên mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.Thái Bình đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Mạnh dạn áp dụng linh hoạt các cơ chế chính sách cũng được coi là động thái kích cầu có hiệu quả của Thái Bình. Xin ông cho biết cụ thể hơn về những cơ chế chính sách này?
Cụ thể hóa các cơ chế chính sách và quy định của Trung ương, tỉnh Thái Bình đã ban hành cơ chế hỗ trợ các huyện, thành phố xây dựng sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương tại Quyết định số 2376/QĐ-UBND ngày 21/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố. Theo đó, các huyện, thành phố có đề án phát triển sản phẩm đặc thù trên địa bàn được phê duyệt và triển khai thực hiện từ hai sản phẩm đặc thù trở lên thuộc vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch được duyệt; lựa chọn dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương và đáp ứng nhu cầu của thị trường; kiểm soát về giống, có quy trình canh tác đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, bền vững; sản xuất theo chuỗi (gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm); có thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định được tỉnh hỗ trợ 1,0 tỷ đồng thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường… Từ năm 2021 đến hết năm 2024, bằng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện đã hỗ trợ trực tiếp cho các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP hàng năm. Điển hình như huyện Hưng Hà hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/sản phẩm đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (mỗi địa phương không quá 5 sản phẩm); thưởng các chủ thể 30 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao, 40 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao, 50 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao; thưởng xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố có sản phẩm đạt 3 sao 10 triệu đồng/xã, 5 triệu đồng/thôn; 4 sao thưởng 15 triệu đồng/xã, 8 triệu đồng/thôn; 5 sao thưởng 20 triệu đồng/xã, 10 triệu đồng/thôn. Huyện Thái Thụy hỗ trợ phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2023 (hỗ trợ sau đầu tư) khi được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên đối với hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở, hộ cá nhân hỗ trợ không quá 90 triệu đồng/sản phẩm; doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ không quá 60 triệu đồng/sản phẩm và không quá 3 sản phẩm/một chủ thể; đối với sản phẩm thứ hai, thứ ba được hỗ trợ các khoản chi. Huyện Tiền Hải hỗ trợ 80 triệu đồng/01 sản phẩm/chủ thể….Các sản phẩm tạo ra từ Chương trình OCOP có sự khác biệt, mang đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của tỉnh Thái Bình.
Đánh giá khách quan kết quả hiện tại để có những hướng mở đúng đắn cho tương lai, điều này với Thái Bình sẽ như thế nào, thưa ông?
Chương trình OCOP đã có những dấu ấn nhất định, bước đầu đạt được những kết quả khả quan, phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 146 sản phẩm xếp hạng 3 sao, với 38 doanh nghiệp, 54 hợp tác xã và 45 hộ kinh doanh tham gia sản xuất. Các sản phẩm OCOP được tuyên truyền, quảng bá, tạo gian hàng trên sàn thương mại Postmart.vn; tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và nước ngoài như Alibaba, Sendo, Shopee, Saigon Co.op; trưng bày, giới thiệu, giao dịch sản phẩm OCOP, sản phẩm khoa học công nghệ và sản phẩm chủ lực tại Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình... Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20%-30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%. Tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP, năm 2024 có 89 sản phẩm đăng ký tham gia. Sản phẩm OCOP đã thực sự giúp nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, quảng bá đặc sản nông sản địa phương, tiếp cận với nhiều kênh tiêu thụ được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Điều này tạo nên áp lực cạnh tranh về sản phẩm của Thái Bình phải luôn tư duy, đổi mới, sáng tạo, cải tiến hoàn thiện, phát triển mới sản phẩm đáp ứng quy luật thị trường.Lãnh đạo tỉnh Thái Bình tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP của phụ nữ huyện Kiến Xương.
Bình luận (0)