Người dân đến khám bệnh và nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế xã Cẩm Giàng. |
Tại xã vùng cao Cẩm Giàng, đơn vị hành chính được thành lập từ việc sáp nhập bốn xã: Nguyên Phúc, Cẩm Giàng, Mỹ Thanh và Quân Hà, hoạt động y tế cơ sở đang được duy trì linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.
Cả bốn trạm y tế cũ vẫn tiếp tục hoạt động theo địa bàn trước đây, giúp người dân thuận tiện tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, không phải đi xa, đặc biệt là người cao tuổi hoặc bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.
Gần 2 tuần vừa qua, người dân vẫn giữ thói quen đến trạm y tế gần nhà để khám bệnh, đo huyết áp, nhận thuốc theo định kỳ.
Việc sáp nhập địa giới hành chính không ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận dịch vụ y tế, nhờ sự chủ động phối hợp từ phía ngành Y tế và chính quyền địa phương trong rà soát nhân lực, địa bàn quản lý cũng như điều phối cơ sở vật chất.
Các dịch vụ thiết yếu như tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vẫn được duy trì.
Bác sĩ Lý Thị Vang, Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế xã Cẩm Giàng, cho biết: Người dân yên tâm vì trạm vẫn ở gần, cán bộ y tế quen mặt, công tác khám, chữa bệnh vẫn được duy trì tốt. Thuốc bảo hiểm y tế do Trung tâm Y tế cung ứng cũng cơ bản đáp ứng đủ cho điều trị các bệnh thông thường.
Không chỉ ở vùng cao, việc tổ chức lại hệ thống y tế tại các phường đông dân cư ở khu vực đô thị trung tâm tỉnh cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới.
Với lợi thế về nhân lực, hạ tầng và kinh nghiệm triển khai công nghệ, Trạm Y tế phường Quyết Thắng đã chủ động tận dụng cơ sở vật chất hiện có, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý khám, chữa bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trạm Y tế phường Quyết Thắng, cho biết: Chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ trước, nhất là trong triển khai chuyển đổi số lĩnh vực y tế. Sau sáp nhập, việc khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở được thực hiện tốt hơn nhờ hệ thống quản lý bệnh án điện tử, dữ liệu bệnh nhân điều trị ngoại trú và cấp thuốc được đồng bộ hóa.
Người dân phường Quyết Thắng được thăm, khám bệnh. |
Thực tế cho thấy, từ vùng cao đến khu vực đô thị trung tâm tỉnh, người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế thuận tiện, không xảy ra tình trạng gián đoạn hay xáo trộn sau khi sáp nhập.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nguyên tắc “giữ nguyên cơ sở, ổn định hoạt động” được ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên quán triệt và triển khai nghiêm túc.
Hiện toàn tỉnh duy trì 280 trạm y tế tuyến xã, phường. Các đơn vị này được vận hành và hỗ trợ chuyên môn bởi 17 trung tâm y tế khu vực, đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, đảm nhiệm vai trò điều phối và quản lý chuyên môn theo địa bàn.
Ông Tạc Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, khẳng định: Quan điểm của ngành là không để xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ tiêm chủng, tuyên truyền dân số đến khám, chữa bệnh và cấp thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh mãn tính, tất cả đều phải được thực hiện thông suốt, hiệu quả.
Việc sắp xếp mạng lưới y tế cơ sở phù hợp với điều kiện địa phương, tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số… không chỉ giúp người dân giữ vững quyền lợi khám, chữa bệnh, mà còn là bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng hệ thống y tế cơ sở hiện đại, đồng bộ và liên thông, vì sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/y-te/202507/on-dinh-hoat-dong-y-te-o-cac-xa-phuong-fea3130/
Bình luận (0)