Lời hứa của doanh nhân và sự thay đổi về lợi nhuận
Giữa năm trước, ông Nguyễn Quốc Cường (còn gọi là Cường "Đô La") được chọn làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG). Sự thay đổi này diễn ra sau biến cố bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ ông Cường - bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai.
Không lâu sau khi ngồi "ghế nóng", ông Cường tham gia cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Quốc Cường Gia Lai vào cuối tháng 7/2024. Lúc này, ông gửi lời cảm ơn và trân trọng tình cảm của cổ đông khi gửi lời hỏi thăm, động viên; mong cổ đông đồng hành, sát cánh với công ty trong thời gian tới.
Trong phiên họp trên, 2 lần ông Cường bày tỏ sự cam đoan và quyết tâm vực dậy Quốc Cường Gia Lai sau sóng gió. Lần thứ nhất, ông cam đoan từ nay về sau, với vị trí tổng giám đốc, sẽ làm mọi thứ để bảo vệ quyền lợi cổ đông. Lần thứ 2, ông hứa mọi hoạt động kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai trong thời gian tới sẽ được bình thường trở lại.
Vào cuối năm 2024, Quốc Cường Gia Lai công bố bà Loan được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thay đổi biện pháp ngăn chặn vào ngày 11/11. Bà được tại ngoại trong quá trình cơ quan chức năng điều tra vụ án.
Từ thời điểm ông Cường giữ vị trí cao nhất trong ban điều hành đến nay đã gần một năm. Quốc Cường Gia Lai chuẩn bị có cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vào cuối tuần này (17/5).
Gần một năm qua, công ty có nhiều biến chuyển quan trọng về tình hình kinh doanh và kết quả hoạt động. Dễ thấy nhất là việc doanh nghiệp liên tục ghi nhận bàn giao căn hộ và cải thiện doanh thu, lợi nhuận.
Trước đây, năm 2023 và nửa đầu năm 2024 (thời điểm trước khi ông Cường làm CEO), lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai khá mỏng, thậm chí lỗ vì các lý do như bất động sản gặp khó khăn, dự án khó triển khai...
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2024 đến nay, trong bối cảnh thị trường được tháo gỡ pháp lý, thanh khoản "sáng" hơn, Quốc Cường Gia Lai đã đẩy mạnh bàn giao căn hộ như cách ông Cường nêu.
Quý IV/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 486 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hơn 63 tỷ đồng, gấp gần 5 lần.
Quý đầu năm nay, do đẩy mạnh công tác bán hàng và tăng bàn giao căn hộ nên Quốc Cường Gia Lai đạt lợi nhuận sau thuế hơn 8 tỷ đồng, gấp nhiều lần mức nền thấp của cùng kỳ năm trước. Nguồn thu từ mảng bất động sản tăng mạnh, còn mảng cao su và bán điện duy trì ổn định.
Khoản tiền 2.882 tỷ đồng phải trả Vạn Thịnh Phát vẫn còn đó
Một trong những vấn đề nổi cộm vào thời điểm ông Cường ngồi "ghế nóng" là khoản tiền 2.882 tỷ đồng doanh nghiệp phải trả lại cho bà Trương Mỹ Lan (liên quan vụ Vạn Thịnh Phát).
Lúc đó, ông Cường tính xoay dòng tiền bằng cách thoái vốn các dự án thủy điện, xử lý hàng tồn kho, phát triển dự án Marina Đà Nẵng. Tổng doanh thu đưa về khoảng 3.000 tỷ đồng. Phương án này, theo ông là khả thi, nếu gặp khó khăn sẽ thoái vốn ở một số công ty khác.

Hiện trạng của khu vực dự án Marina Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).
Về việc thoái vốn nhà máy thủy điện, đầu năm 2024, Quốc Cường Gia Lai muốn thông qua việc chuyển nhượng nhà máy thủy điện Ia Grai 2 và nhà máy thủy điện Ayun Trung của công ty con - Công ty Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường - cùng các tài sản thuộc 2 nhà máy này để tái cơ cấu đầu tư. Tổng giá trị chuyển nhượng dự kiến khoảng 615 tỷ đồng.
Trên báo cáo quý đầu năm nay, Quốc Cường Gia Lai vẫn sở hữu 90% vốn công ty Thủy điện Quốc Cường.
Điều nữa là ông Cường muốn xử lý hàng tồn kho. Tại ngày 31/3, hàng tồn kho của công ty vẫn đạt gần 1.262 tỷ đồng, thấp hơn đầu năm khoảng 17 tỷ đồng. Tồn kho chiếm 14% tổng tài sản.
Theo thuyết minh, tồn kho chủ yếu là bất động sản dở dang đang xây dựng (chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng liên quan dự án), chiếm 46% và bất động sản hàng hóa chiếm 51%. Trong 3 tháng đầu năm, công ty đã xử lý giảm 44 tỷ đồng tồn kho bất động sản hàng hóa và tăng đầu tư vào bất động sản dở dang 24 tỷ đồng.
Liên quan dự án của Quốc Cường Gia Lai tại Đà Nẵng, mới đây Sở Xây dựng Đà Nẵng thông báo đủ điều kiện kinh doanh với nhà ở hình thành trong tương lai. Nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán tại đây có số lượng 34 căn, diện tích sàn căn hộ từ 147,1m2 đến 446,4m2.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm, Quốc Cường Gia Lai vẫn ghi nhận khoản tiền hơn 2.882 tỷ đồng phải trả cho Sunny (liên quan Vạn Thịnh Phát) ở dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TPHCM).
Liên quan đến khoản tiền này, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 có nêu ý kiến kiểm toán rằng cơ quan thi hành án đang giữ một số hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng của dự án này cho đến khi Quốc Cường Gia Lai hoàn trả số tiền cho Sunny thì mới nhận hồ sơ về để triển khai.
Tuy vậy, đơn vị kiểm toán vẫn lưu ý yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến việc phân loại sang tài sản dài hạn, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây, Quốc Cường Gia Lai khẳng định vẫn đang triển khai các thủ tục nhằm hoàn thiện hồ sơ pháp lý của dự án trên, song song với triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho phần diện tích còn lại.
Công ty cho biết hoạt động kinh doanh vẫn ổn định với dòng tiền dương, lãi ròng năm 2024 đạt 83 tỷ đồng, vẫn đảm bảo khả năng thanh toán nợ và duy trì hoạt động liên tục trong tương lai.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ong-nguyen-quoc-cuong-dang-dan-dat-quoc-cuong-gia-lai-theo-dung-loi-hua-20250512074917552.htm
Bình luận (0)