Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống: Giáo dục ĐH VN từng bước tiệm cận quốc tế

Ở lại VN từ sau năm 1975 đến nay, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm sáng lập bộ môn kỹ thuật hàng không của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã đi cùng sự phát triển của giáo dục nước nhà trong hành trình 50 năm.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên30/04/2025

Tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành hàng không không gian tại ĐH Sydney (Úc) năm 1974, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống trở về nước và trở thành giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật thuộc Viện Bách khoa Thủ Đức (nay là Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM).

Trong khoảng thời gian 50 năm qua, các công việc của ông đều gắn bó với môi trường ĐH nên ông nhìn thấy rõ từng bước phát triển của hệ thống giáo dục ĐH VN.

TIẾN SĨ TỐT NGHIỆP TỪ NƯỚC NGOÀI NGÀY CÀNG NHIỀU

Trải qua quá trình công tác tại nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập và tư thục, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng giáo dục ĐH cả nước nói chung và TP.HCM sau 50 năm có nhiều thành tựu nổi bật được thể hiện bằng những con số.

Đầu tiên phải kể đến sự phát triển vượt bậc về quy mô đào tạo bậc ĐH và tỷ lệ người dân tiếp cận với bậc học này. Số liệu thống kê từ năm 2021 - 2023 của Bộ GD-ĐT cho thấy tỷ lệ người học ĐH trên số người trong độ tuổi từ 18 - 22 của VN đạt từ 27,9% đến xấp xỉ 30%.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống: Giáo dục ĐH VN từng bước  tiệm cận quốc tế  - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (giữa, hàng trước) là một trong 50 kiều bào tiêu biểu được TP.HCM vinh danh nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Riêng tại TP.HCM, theo Quyết định số 192 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố, đến năm 2025 có 12% dân số đạt trình độ ĐH. Một thống kê khác của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy TP.HCM là một trong 3 địa phương có tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT và theo học bậc ĐH cao nhất cả nước các năm gần đây.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, một điểm sáng nổi bật của giáo dục ĐH hiện nay còn ở đội ngũ giảng viên. Số lượng giảng viên tốt nghiệp các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài ngày càng nhiều, trong đó có những trường ĐH tỷ lệ giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ trong nước chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Với những chính sách thu hút hấp dẫn, các trường ĐH cả công lập và tư thục đang trở thành điểm đến của các tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài.

"Dù trong bối cảnh tăng mạnh về số lượng và các trường chưa đạt được chất lượng cao đồng đều, nhưng giáo dục ĐH có những điểm sáng đáng ghi nhận, cụ thể là những chương trình đào tạo quốc tế ngay tại VN", PGS-TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định thêm. Đó là các chương trình quốc tế giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh ở các trường ĐH uy tín với đội ngũ giảng dạy gồm các giáo sư nước ngoài và giảng viên người Việt tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài. Chương trình đào tạo và giáo trình cũng giống như ở các trường ĐH nước ngoài.

"Không còn là chương trình quốc tế thu học phí cao và điểm chuẩn thấp hơn chương trình đại trà, các chương trình quốc tế dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh những năm gần đây đang thu hút sinh viên giỏi với điểm chuẩn khá cao", PGS-TS Nguyễn Thiện Tống đánh giá.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống: Giáo dục ĐH VN từng bước  tiệm cận quốc tế  - Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên

ẢNH: HÀ ÁNH

ĐỂ GIÁO DỤC ĐH BỨT PHÁ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI

Dù giáo dục ĐH VN đã đạt được nhiều thành tựu, là người có hơn 50 năm gắn bó với môi trường này, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng cũng còn nhiều "điểm nghẽn" cần tháo gỡ để giáo dục ĐH VN đột phá trong kỷ nguyên mới.

Ông chia sẻ: "Dù tỷ lệ người dân được tiếp cận giáo dục ĐH ngày càng cao nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của sự phát triển. Một thống kê năm 2021 cho thấy lực lượng lao động VN chỉ có 10,2% có trình độ ĐH trở lên. Trong khi đó, muốn trở thành một nước có thu nhập trung bình cao, tỷ lệ này phải ở mức 15,3%. Điều này cho thấy sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và cần phải tăng số lượng người tốt nghiệp ĐH lên mức gấp rưỡi hiện nay. Nhưng, nếu "ép" các trường ĐH tăng số lượng thì vấn đề chất lượng có khả năng đi xuống. Để phát triển cần tăng số lượng tốt nghiệp ĐH nhưng mặt khác cần bảo đảm chất lượng của lực lượng tinh hoa, mũi nhọn".

Do đó, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống đề xuất cần đầu tư phát triển giáo dục ĐH theo 3 hướng.

Một là tái cơ cấu tổ chức các trường ĐH lớn và viện nghiên cứu khoa học theo mô hình viện ĐH đa lĩnh vực loại nghiên cứu tinh hoa ở đỉnh kim tự tháp giáo dục ĐH với quyền tự chủ hoàn toàn. Đây là nơi đào tạo bậc sau ĐH với số lượng nhiều như số người học bậc ĐH nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, tái cơ cấu tổ chức các trường ĐH chuyên ngành riêng lẻ như sư phạm, y dược, khoa học tự nhiên, nông lâm, kỹ thuật, kiến trúc, kinh tế, khoa học xã hội…theo mô hình viện ĐH đa lĩnh vực loại giảng dạy đại trà ở giữa kim tự tháp giáo dục ĐH với quyền tự chủ cao.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống: Giáo dục ĐH VN từng bước  tiệm cận quốc tế  - Ảnh 3.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (giữa) cùng các kỹ sư hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ngày tốt nghiệp năm 2009

ẢNH: NVCC

Thứ ba, phát triển các trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận cũng theo mô hình viện ĐH đa lĩnh vực loại giảng dạy.

Quyết định số 192 về chiến lược phát triển giáo dục của TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 số sinh viên ĐH ngoài công lập đạt 35% trong tổng số cơ sở và 25% trong tổng sinh viên. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng: "Cần phát triển ĐH tư thục theo hướng không vì lợi nhuận, nếu phát triển ĐH tư thục vì lợi nhuận như hiện nay thì chỉ tăng được số lượng, khó tăng chất lượng do bị chạy theo doanh thu để có lợi nhuận. Hướng đi này cần nhìn vào mô hình ĐH Harvard và nhiều ĐH tư thục không vì lợi nhuận khác của Mỹ".

Một trong những vấn đề cần điều chỉnh, theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống còn liên quan đến bậc đào tạo tiến sĩ và hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường ĐH. "Học tiến sĩ ở VN hầu hết vẫn theo cách vừa làm vừa học. Đi làm để có tiền đóng học phí thì làm sao chất lượng cao được? Cần triển khai rộng mô hình đào tạo tiến sĩ theo hình thức cấp học bổng tương đương học phí và lương, nghiên cứu sinh được tham gia trợ giảng và làm nghiên cứu viên. Người học khi được toàn tâm với việc học tập và nghiên cứu mới tăng được chất lượng đầu ra", ông đề xuất.

Liên quan đến việc công bố bài báo nghiên cứu khoa học, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề: "Nhiều trường ĐH trong nước hiện đang có xu hướng chạy theo các bảng xếp hạng thế giới, trong đó số lượng công bố bài báo quốc tế được xem trọng. Nhưng việc công bố các bài báo này có những đóng góp gì cho sự phát triển khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội của Việt Nam?". Từ đó, ông cho rằng các trường ĐH cần "bắt tay" với doanh nghiệp trong việc nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, để xây dựng các đề tài nghiên cứu theo nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế thay vì chỉ nghiên cứu hàn lâm để có công bố quốc tế như hiện nay. 

Người đặt nền móng ngành kỹ thuật hàng không VN

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống là một trong 50 kiều bào tiêu biểu được TP.HCM vinh danh nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025) vì có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

Tốt nghiệp tiến sĩ ở Úc, năm 1974 ông trở về VN làm giảng sư, phụ tá khoa trưởng Trường ĐH Kỹ thuật, Viện ĐH Bách khoa Thủ Đức.

Từ năm 1975 - 1995, ông là giảng viên khoa Cơ khí và khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Ông nhận học bổng Fulbright du học ở ĐH Harvard (Mỹ) năm 1992, tốt nghiệp thạc sĩ hành chính công năm 1994.

Đến năm 1996, ông làm Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Với việc sáng lập ngành kỹ thuật hàng không tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống được biết đến như người đặt nền móng đầu tiên cho ngành kỹ thuật hàng không tại VN. Ông ở cương vị này cho đến năm 2007, khi về hưu.

Từ năm 2010 - 2012, ông là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long.

Từ 2023 đến nay là Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Văn Lang.

Nguồn: https://thanhnien.vn/pgs-ts-nguyen-thien-tong-giao-duc-dh-vn-tung-buoc-tiem-can-quoc-te-18525042917344417.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm