Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để Đồng Nai mới phát triển Bài 3: Ưu tiên phát triển nông nghiệp bền vững

Sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nên phát triển nông nghiệp xanh, bền vững không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai04/07/2025


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường Trần Thanh Nam tham quan mô hình trồng tiêu theo hướng hữu cơ tại xã Xuân Thành. Ảnh: B.Nguyên
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường Trần Thanh Nam tham quan mô hình trồng tiêu theo hướng hữu cơ tại xã Xuân Thành. Ảnh: B.Nguyên

Sau sáp nhập, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai mới là hơn 728 ngàn hécta. Với lợi thế hình thành được các vùng chuyên canh lớn về trồng trọt cũng như là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, tỉnh Đồng Nai mới được kỳ vọng tiếp tục thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Tỉnh công nghiệp đi đầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Là tỉnh công nghiệp nhưng tỉnh Đồng Nai (cũ) rất chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thuộc tốp đầu của cả nước trong phát triển “tam nông”. Đạt được kết quả ấn tượng trên là nhờ tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đột phá về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao (CNC) gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã hình thành hơn 320 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với khoảng 95,7 ngàn hécta. Nổi bật, toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng với tổng diện tích khoảng 29 ngàn hécta để phục vụ thị trường xuất khẩu. Về chăn nuôi, lợi thế của tỉnh là đi đầu cả nước trong chuyển đổi chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô sản xuất hàng hóa với 65% trên tổng đàn heo, đàn gà chăn nuôi CNC. Nuôi trồng thủy sản luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng cao nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNC nuôi thâm canh. Nổi bật là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC. Đến nay, đã nhân rộng được 171 hécta nuôi tôm thâm canh CNC; lợi nhuận bình quân khoảng 600-800 triệu đồng/hécta/năm.

Năm 2024, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (cũ) đạt 50,6 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3,5% so với năm 2023. Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 3,7%/năm.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Long Thành.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Long Thành.

Với 448 ngàn hécta đất canh tác nông nghiệp, tỉnh Bình Phước (cũ) có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có quy mô thuộc tốp đầu cả nước. Cụ thể, tỉnh Bình Phước (cũ) có diện tích nhóm cây công nghiệp thuộc tốp đầu cả nước với hơn 438 ngàn hécta. Một số cây trồng có diện tích lớn nhất nước như cao su, điều. Tổng đàn heo của tỉnh Bình Phước (cũ) đạt gần 2,1 triệu con; tổng đàn gia cầm đạt gần 11,3 triệu con.

Nhờ đó, ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Phước (cũ) luôn đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2024, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt hơn 40,4 ngàn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, chăn nuôi có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp, an toàn gắn với chuỗi giá trị. Nhờ đó, năm 2024, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 15,5% so với năm 2023. Toàn tỉnh Bình Phước (cũ) cũng có 88 trại gia cầm, trong đó trại chăn nuôi công nghệ chuồng lạnh, kín, tự động hoặc bán tự động chiếm hơn 76% trên tổng số trại gia cầm.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và môi trường LÊ THỊ ÁNH TUYẾT:

“Tỉnh Đồng Nai (cũ) có nền nông nghiệp lâu đời gắn với vùng nguyên liệu lớn, nông nghiệp CNC, đã tạo ra chuỗi sản xuất khép kín trên các lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Các DN chế biến cũng như hợp tác xã tiêu biểu của Đồng Nai (cũ) sẽ là đầu mối để liên kết với vùng nguyên liệu của Bình Phước (cũ), giúp cho nông dân Bình Phước mở rộng sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu thông qua các hợp đồng của DN Đồng Nai. Với sự tương hỗ như thế, khi tỉnh Đồng Nai mới đi vào hoạt động, tôi tin tưởng ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ cất cánh trong thời gian ngắn”.

Đông Kiểm

Mảnh đất giàu tiềm năng cho nhà đầu tư

Sau sáp nhập, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai mới tăng gấp nhiều lần so với trước. Đồng Nai mới tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước về diện tích cây công nghiệp và ăn trái với tổng diện tích hơn 609 ngàn hécta. Tỉnh có nhiều cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao, có lợi thế xuất khẩu thuộc tốp đầu cả nước về diện tích, như: chuối cấy mô, sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, cao su...

Sau khi sáp nhập, tổng đàn heo của tỉnh đạt hơn 4,1 triệu con; tổng đàn gia cầm đạt 35,9 triệu con, tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục giữ vị trí là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Nhờ lợi thế hình thành được các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, đạt năng suất, chất lượng cao, Đồng Nai mới được kỳ vọng tiếp tục thu hút được nhiều tập đoàn, DN đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, sơ chế, chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu, từ đó hình thành các chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Đến nay, tỉnh có 50 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất khoảng 4,3 triệu tấn/năm; đồng thời, đã thu hút được 47 DN sơ chế, chế biến thịt heo, gà với quy mô tiêu thụ nguyên liệu 100 ngàn tấn/năm. Ngoài ra, còn thu hút hàng trăm DN, cơ sở sơ chế, chế biến nông sản chủ lực như: hạt điều, cà phê, ca cao, trái cây, rau củ…

Trong đó, phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ có nhiều đột phá. Đến nay, tỉnh Đồng Nai (cũ) có 419 mô hình ứng dụng CNC; có 8 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô gần 1,6 ngàn hécta. Tỉnh đã thu hút được 328 DN nông nghiệp ứng dụng CNC. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đạt hơn 38 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, hình thành được 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô hơn 1,5 ngàn hécta.

 Tỉnh Bình Phước (cũ) thu hút được 10 DN chế biến, xuất khẩu điều tham gia liên kết với 38 hợp tác xã, diện tích khoảng 4,5 ngàn hécta, chuỗi điều hữu cơ khoảng 3,5 ngàn hécta. Với cây hồ tiêu, đã hình thành được chuỗi liên kết với gần 2,5 ngàn hécta. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 210 hợp tác xã và 111 tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, còn có 630 trang trại trồng trọt và chăn nuôi.

Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục bám sát các định hướng chiến lược quan trọng trong phát triển tam nông như: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN, nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh. Tỉnh tập trung thu hút DN đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu.     

Bình Nguyên

Bài 4: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế
 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/phat-huy-toi-da-tiem-nang-the-manh-de-dong-nai-moi-phat-trien-bai-3-uu-tien-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-9701436/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm