Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội khóa VII:
Xác định đúng vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tôi nhất trí cao với nội dung sửa đổi, bổ sung một số Điều của Hiến pháp năm 2013 trong dự thảo Nghị quyết và rất tâm đắc với hai nội dung:
Xác định đúng vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”; Vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là "tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".
Hai là quy định rõ đơn vị hành chính theo mô hình hai cấp “tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính gồm “HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”.
Tôi cho rằng, với những sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Nghị quyết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền địa phương thực sự gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân.
Tôi góp ý về Khoản 1 Điều 1 (dự thảo Nghị quyết), sửa đổi bổ sung Điều 9 như sau: Khoản 2 Điều 9, đề nghị sửa đổi bổ sung câu “và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ” vào trước từ “trực thuộc”. Lý do đề nghị bổ sung: Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã sắp xếp tổ chức lại bộ máy tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
Câu cuối Khoản 2 Điều 9 "cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", tôi đề nghị thay từ “dưới” bằng từ “do” phù hợp hơn. Ở Khoản 3, đề nghị bổ sung cụm từ “các tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vào sau từ "Việt Nam" (dòng thứ nhất trang 2). Lý do, để phân biệt tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bà Trần Thu Thủy, nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam:
Bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân

Việc thực hiện chủ trương của Đảng về nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời để đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng hiện nay, là điều cần thiết để các tổ chức chính trị - xã hội thích ứng với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, đại diện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Dự thảo Nghị quyết cũng khẳng định lại vị trí trung tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên tắc hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đó là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận. Liên quan đến hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ, tôi cũng biết sau sửa đổi Hiến pháp thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể sẽ có những sửa đổi điều lệ và cách thức hoạt động của tổ chức mình.
Tuy nhiên, ở cấp địa phương/cơ sở, cụ thể là xã, phường, thực tế cho thấy mạng lưới của Hội Liên hiệp phụ nữ thông qua các chi, tổ, ấp, thôn, bản là những mạng lưới hoạt động khá năng động và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Cần phải nhận thức là các Hội tồn tại thì cần có hội viên, và hiện Hội Phụ nữ đã và đang có một mạng lưới cấp hội cơ sở vô cùng quý giá được hình thành và phát triển từ nhiều thập kỷ qua. Vậy Mặt trận cơ sở sẽ hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động cụ thể như thế nào để duy trì và phát triển hiệu quả hơn mạng lưới này cho việc thu thập thông tin và truyền thông có nhạy cảm giới?
Vì vậy tôi đề nghị trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 nên bổ sung một câu về “đảm bảo tính đặc thù của các tổ chức thành viên”, vì những câu chữ này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc cụ thể hóa các nội dung trong điều lệ sửa đổi của Mặt trận cũng như của các tổ chức thành viên.
Do đó, các cấp Hội địa phương cần tập trung củng cố và phát triển mạng lưới hội viên, thành viên, các loại hình câu lạc bộ; phối hợp với các tổ chức thành viên khác để nâng cao năng lực và phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hội viên.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Liễu Giai (quận Ba Đình) Nghiêm Thúy Trang:
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lấy ý kiến là cần thiết

Căn cứ vào yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình mới, tôi quan tâm đến việc tổ chức chính quyền địa phương sau khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện; đồng thời thấy cần làm rõ cơ chế giám sát, phối hợp giữa cấp tỉnh và cấp xã, nhằm bảo đảm sự thống nhất, thông suốt trong quản lý nhà nước, tránh tình trạng phân tán hoặc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi thấy rằng mặc dù Hiến pháp đã mở rộng và khẳng định vai trò của Mặt trận, nhưng cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cơ chế hoạt động thực chất, tránh hình thức. Đặc biệt là nên xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận trong công tác phản biện và giám sát xã hội để nâng cao hiệu quả thực thi.
Tôi cũng đề xuất sửa đổi một số điều, khoản cụ thể: Điều 9, khoản 1: “…đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…”; đề xuất sửa đổi: “…đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân một cách độc lập, khách quan…”. Lý do, bổ sung cụm từ “một cách độc lập, khách quan” nhằm nhấn mạnh vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, tránh sự phụ thuộc và tăng tính minh bạch.
Trong những ngày qua, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Liễu Giai cũng đã tuyên truyền đến cán bộ hội viên, hướng dẫn chị em góp ý trên ứng dụng VNeID; đồng thời đăng thông tin trên nhóm Zalo kêu gọi cán bộ, hội viên và gia đình, người dân vào ứng dụng VNeID đóng góp ý kiến.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lấy ý kiến là hết sức cần thiết để hoạt động này trở nên toàn diện, khách quan và gần dân hơn.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/phat-huy-vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-va-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-703113.html
Bình luận (0)