Tổ truyền thông cộng đồng thôn 3 (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) sinh hoạt về chủ đề phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.
Điều lệ của Hội LHPN Việt Nam nêu rõ chức năng của tổ chức hội gồm đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới... Với “kim chỉ nam” như vậy, những năm qua, các cấp Hội LHPN của Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, giải quyết nhiều vấn đề của phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Cụ thể như các lớp tập huấn về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, di cư an toàn, chính sách đối với người khuyết tật, phụ nữ yếu thế... Tổ chức hội đã thiết thực đồng hành, hỗ trợ hội viên, phụ nữ không ngừng nâng cao kiến thức về mọi mặt để có tri thức, sức khỏe, tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Từ đó càng thêm tự tin, năng động, hội nhập, thực hiện bình đẳng giới, khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội.
Cán bộ, hội viên phụ nữ thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) tham quan, học tập mô hình kinh tế hiệu quả.
Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPN chủ trì thực hiện, là một trong nhóm 10 dự án thành phần của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 mà Thủ tướng Chính phủ phát động. Tại Quảng Ninh, với sự vào cuộc đầy tích cực, trách nhiệm của các cấp Hội LHPN, nhiều nội dung chương trình cụ thể hóa từ Dự án 8 đang được triển khai đi nhanh vào thực tiễn. Đặc biệt là có được sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, điều kiện để triển khai các hoạt động như: Truyền thông thay đổi nhận thức về bình đẳng giới; tập huấn kỹ năng phòng chống hành vi bạo lực, xâm hại, mua bán người; hỗ trợ sinh kế để nâng cao thu nhập; hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em... Khi những “nếp nghĩ, cách làm” bất bình đẳng dần dần được xóa bỏ sẽ giúp cho xã hội ngày càng thêm văn minh, tiến bộ hơn.
Không chỉ riêng tổ chức Hội LHPN, mà toàn bộ hệ thống MTTQ và các tổ chức CT-XH đều có vai trò, nhiệm vụ là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Trong đó không thể thiếu các nội dung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới - một yêu cầu quan trọng không thể thiếu của một xã hội tiến bộ. Nhất là từ năm 2006, Quốc hội ban hành Luật Bình đẳng giới quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Luật cũng nêu rõ về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, gồm: Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật; bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới; tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên thực hiện bình đẳng giới.
Người dân xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) tham gia mô hình bảo tồn văn hóa hát Soọng Cô truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Tại Quảng Ninh thời gian qua, việc đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của MTTQ và các tổ chức CT-XH. Về hình thức tuyên truyền, các cấp đều chú trọng đổi mới, kết hợp cả trực tiếp (sinh hoạt, hội họp...) và gián tiếp thông qua các nhóm mạng xã hội (zalo, facebook, youtube...), tranh thủ đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, tôn giáo... Nội dung tuyên truyền cũng được chọn lọc, xây dựng phù hợp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tình hình dư luận xã hội tại các thời điểm, hoặc cần đặc điểm cụ thể của từng nhóm đối tượng đoàn viên, hội viên mỗi địa bàn cơ sở...
Tuyên truyền đi liền với vận động đã tạo nên “thương hiệu” của hệ thống MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh Quảng Ninh. Đội ngũ cán bộ có mặt ở khắp các địa bàn cơ sở, có uy tín, nhiệt huyết, năng lực và kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, đưa chính sách, pháp luật đến với người dân. Đặc biệt là cụ thể hóa vào trong hàng loạt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, triển khai sôi nổi tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư. Tiêu biểu như những phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Qua các phong trào đó, đều được lồng ghép có hiệu quả các thông điệp về bình đẳng giới, khi cả nam và nữ đều có cơ hội bình đẳng để nâng cao năng lực bản thân, tham gia hiệu quả hơn vào sự phát triển kinh tế, xã hội, an sinh của địa phương. Và như vậy, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại được củng cố, phát huy.
Xóa bỏ định kiến, thực hiện bình đẳng giới tại Quảng Ninh đang ngày càng có thêm nhiều chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, sự vào cuộc hưởng ứng của toàn xã hội.
Hoàng Giang
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-huy-vai-tro-mat-tran-to-quoc-va-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-thuc-day-binh-dang-gioi-3357944.html
Bình luận (0)