Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển AI tại Việt Nam: Thiếu trầm trọng chuyên gia

Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc phát triển AI tại Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu và chất lượng cao.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên03/04/2025

Theo nhóm nhà khoa học thực hiện báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2024 mà Trường ĐH Thương mại công bố hôm nay 3.4, thiếu trầm trọng chuyên gia là thách thức lớn nhất của ứng dụng và phát triển công nghệ AI tại Việt Nam.

Chỉ số doanh nghiệp quan tâm tới AI cao

Với chủ đề của báo cáo "Công nghệ AI trong kỷ nguyên số", các nhà khoa học Trường ĐH Thương mại phác thảo bức tranh tổng thể nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây trong bối cảnh AI tác động mạnh mẽ vào mọi mặt đời sống. Qua nhiều nguồn tài liệu các nhà khoa học giới thiệu cho thấy, Việt Nam là quốc gia nổi bật so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương về sự sẵn sàng của doanh nghiệp với ứng dụng AI.

AI tại Việt Nam thiếu trầm trọng chuyên gia - Ảnh 1.

PGS Phan Thế Công, Thư ký khoa học, đại diện nhóm biên soạn báo cáo thường niên kinh tế thương mại Việt Nam 2024 cho biết, thiếu hụt chuyên gia là thách thức lớn nhất trong phát triển AI tại Việt Nam. ẢNH: VIỆT YẾN

74% doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược số hóa, cao hơn mức trung bình 63% của khu vực. Điều này góp phần cải thiện mức độ vận dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt và mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao sự hài lòng của nhân viên và củng cố an ninh mạng.

Có tới 98% doanh nghiệp Việt Nam cho biết lợi ích chính từ việc đầu tư vào ứng dụng công nghệ là sự cải thiện rõ rệt trong hoạt động kinh doanh, 91% nhận thấy an ninh mạng được tăng cường và 87% thừa nhận sự nâng cao trong trải nghiệm của khách hàng.

Gần 80% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng AI trong 12 tháng qua, vượt mức trung bình 69% của khu vực. 46% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nâng cao kỹ năng công nghệ cho toàn bộ đội ngũ, bao gồm cả ban lãnh đạo, so với mức trung bình 40% của khu vực.

Những số liệu này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực áp dụng công nghệ và AI để nâng cao hiệu quả và cạnh tranh, đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Thiếu hụt chuyên gia để phát triển AI tại Việt Nam

Theo nhóm báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2024 của Trường ĐH Thương mại, thách thức lớn nhất của ứng dụng và phát triển AI tại Việt Nam là thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao, trong khi đó nhân lực là con át chủ bài trong cuộc đua AI.

Không chỉ các công ty Việt Nam tranh giành những kỹ sư, nghiên cứu viên AI người Việt tốt nhất, mà cả các tập đoàn quốc tế và những công ty hàng đầu thế giới làm về AI cũng muốn tận dụng lực lượng tinh hoa này.

Cuộc chiến nhân tài đã hút lượng đáng kể nguồn nhân lực AI còn mỏng của Việt Nam, trong khi việc đào tạo nhân lực ngành AI chuyên nghiệp vẫn còn yếu và thiếu. Dù các trường ĐH đang tăng tốc, thậm chí ký được thỏa thuận hợp tác với những đối tác công nghệ lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc... để mở ra các trung tâm nghiên cứu AI quốc tế tại Việt Nam, thì tốc độ và chất lượng đào tạo cũng được đánh giá là "khó theo kịp nhu cầu" vì số lượng trường ĐH thực sự đào tạo tốt ngành này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngay cả đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, vốn được coi là "vòng ngoài" cho việc phát triển và ứng dụng các công nghệ số mới, cũng đang thiếu hụt khoảng 100.000 - 200.000 người mỗi năm.

"Theo báo cáo của Nexus FrontierTech năm 2019, nguồn nhân lực AI của Việt Nam chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường. Còn theo báo cáo năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy Việt Nam có 700 kỹ sư chuyên sâu về AI nhưng chỉ có khoảng 300 chuyên gia AI.

Vì thế, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc phát triển AI tại Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu và chất lượng cao", PGS Phan Thế Công, Thư ký khoa học, đại diện nhóm biên soạn báo cáo chia sẻ.

Nhóm biên soạn báo cáo cũng cho biết, trong thời gian qua các nhà chuyên môn đã nhiều lần khuyến cáo, để đáp ứng nhu cầu nhân lực AI khổng lồ trong vòng 10 năm tiếp theo, Việt Nam cần dành khoản đầu tư lớn để triển khai đồng thời nhiều cách tiếp cận rộng rãi, bao gồm cả đào tạo chính quy, kết hợp đào tạo doanh nghiệp - viện trường, đào tạo trong cộng đồng và giáo dục trực tuyến mở đại trà.


Nguồn: https://thanhnien.vn/phat-trien-ai-tai-viet-nam-thieu-tram-trong-chuyen-gia-185250403192649075.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm